Chiều 17/11, tại TP Đà Nẵng, Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015 đã chính thức khai mạc. Đại hội diễn ra trong 5 ngày (từ 17/11 đến 21/11) với chủ đề "Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập chương trình nghị sự cho sự phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015".
Khoảng 700 đại biểu đến từ 11 quốc gia như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... tham dự.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, khoảng 50% khối lượng hàng hóa thế giới lưu thông hàng hải ở biển Đông Á. Trong những năm qua, tài nguyên biển đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của các nước.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại đại hội. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang cạn kiệt, nhiều quốc gia hướng ra biển. Điều này dẫn đến việc khai thác quá mức, thậm chí hủy diệt các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái, đã xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.
Theo Phó thủ tướng, việc xây dựng, cải tạo đảo đá trên quy mô lớn sai quy luật, trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của đại dương thế giới và biển Đông Á. Hành động trên ảnh hưởng tới an ninh hàng hải và chủ quyền của mỗi quốc gia.
"Chúng tôi đề nghị các nước thành viên Tổ chức đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á hãy chung tay xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông Á", ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu trên, các nước phải tăng cường hợp tác toàn diện, sâu rộng về biển. Tùy tình hình mỗi nước mà có những giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường, sinh thái và nguồn lợi thủy sản.
Trước đó, phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng TN-MT cho biết, đại hội lần này là để đánh giá những bài học kinh nghiệm và tiến bộ đạt được.
Theo Bộ trưởng, kinh tế biển đã đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam. Song cũng giống như các quốc gia khác, biển Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ.
"Môi trường biển bị ô nhiễm, các hệ sinh thái bị suy thoái. Nguồn lợi thủy sản suy giảm, thiên tai và các tác động xấu của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt...", ông Quang dẫn chứng.
Việt Nam đang từng bước quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên.
Những năm qua, bằng cách lồng ghép các chương trình quản lý biển, hải đảo vào hệ thống chính sách, Việt Nam đã trở thành một trong những nước thực hiện tích cực Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á.
Việt Nam tiếp tục khẳng định những nỗ lực cùng với các nước trong khu vực xây dựng và duy trì Biển Đông Á thành một môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo luật pháp quốc tế.
Đại hội Biển Đông Á do Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) và các quốc gia thành viên tổ chức. Đại hội lần đầu diễn ra tại Malaysia vào năm 2003 và định kỳ 3 năm một lần. Năm 2015, với vai trò là một quốc gia thành viên, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội biển Đông Á lần thứ 5.
Nội dung đại hội lần này gồm các diễn đàn Bộ trưởng, Thanh niên và Mạng lưới chính quyền địa phương. Trong khuôn khổ đại hội có nhiều sự kiện như Hội nghị quan chức cấp cao Chính phủ (SGOM), họp đặc biệt Hội đồng đối tác biển Đông Á, triển lãm môi trường biển và hải đảo…