Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cải tạo công viên Thống Nhất không đơn giản là mở rào, miễn vé

Việc bỏ hàng rào hay miễn vé vào công viên Thống Nhất chỉ là cách hiểu đơn giản theo vật lý, điều này dễ thực hiện. Công viên này cần cải tạo, mở về bản chất.

Hiện trạng xuống cấp, kế hoạch cải tạo được thông qua nhưng không thực hiện hoặc dang dở - đây là vòng lặp suốt hàng chục năm qua quanh việc cải tạo và nâng cấp công viên Thống Nhất. Vì vậy, khi UBND Hà Nội đưa ra kế hoạch cải tạo công viên này theo hướng mở, nó nhận được sự chú ý của người dân và giới chuyên môn.

Nhiều kiến trúc sư thể hiện sự quan tâm và đề xuất phương án cải tạo với hy vọng lần nâng cấp này giải quyết triệt để những vấn đề của công viên Thống Nhất, đồng thời, phá vỡ vòng lặp luẩn quẩn kia.

Vé dù rẻ cũng tạo ra sự bất bình đẳng

Công viên Thống Nhất hiện có hàng rào bao quanh toàn bộ khuôn viên và thu vé vào cổng. Đây là hai yếu tố có thể được loại bỏ trong quá trình cải tạo nhằm đảm bảo tính mở của công viên.

Ông Võ Hoàng Quốc Mỹ, kiến trúc sư cảnh quan tại Vương quốc Anh, cho rằng công viên và không gian mở nên miễn phí vào cửa cho mọi người. Không gian xanh rất quan trọng đối với sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt trong quá trình đô thị hoá phát triển nhanh chóng.

“Việc thu vé vào cửa công viên Thống Nhất như hiện nay, dù với mức giá rẻ, có thể tạo nên một hình thức phân biệt đối xử. Mở cửa miễn phí là yếu tố quan trọng thúc đẩy bình đẳng và kết nối xã hội”, ông Mỹ phân tích.

Công viên thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, tiếp giáp với 4 mặt phố gồm Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn và Đại Cồ Việt. Trong công viên có hồ Bảy Mẫu. Ảnh: Google Maps.

Theo kiến trúc sư này, việc miễn vé có thể tạo ra những lo ngại về kinh phí quản lý công viên. Điều đó có thể được giải quyết bằng cách sử dụng những thiết kế có mục tiêu bảo trì thấp, thông qua việc lựa chọn phong cách trồng cây, gạch lát và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các đơn vị liên quan có thể làm việc với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội để tổ chức các sự kiện nhằm gây quỹ cho công viên.

Dù không khẳng định công viên cần bỏ việc thu phí ra vào như kiến trúc sư Mỹ, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) đồng tình rằng mọi người có quyền được tiếp cận như nhau.

“Việc thu phí không đem lại quá nhiều lợi ích nếu so sánh với kinh phí cần đầu tư xây dựng khu vui chơi trẻ em, trồng cây và nâng cấp hạ tầng. Kinh phí đó là vấn đề của ngân sách thành phố và họ cần cân đối nguồn thu để đáp ứng được hạ tầng xứng đáng cho công viên Thống Nhất”, ông Ánh lý giải.

Đề xuất phương án bỏ toàn bộ hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất, kiến trúc sư Ánh cho rằng điều đó cần thiết cả về khía cạnh đô thị lẫn tinh thần làm chủ của người dân. Theo đó, việc mở tường rào giúp tăng cường giám sát của xã hội, tránh việc lạm dụng khiến hiện trạng công viên xấu đi.

“Sự tồn tại của hàng rào nhằm bảo vệ việc gửi ôtô, xe máy trong công viên. Sau bức tường rào, tôi e rằng người ta có thể làm những việc không đúng khiến công viên xấu đi chứ không hề bảo vệ nó tốt lên như nhiều người lập luận. Thực tế cho thấy hiện nay, trong công viên tồn tại nhiều vấn đề không ổn”, ông Ánh nói.

Trong khi đó, kiến trúc sư Võ Hoàng Quốc Mỹ đề nghị trước khi bỏ hàng rào, đơn vị phụ trách nên đảm bảo những biện pháp an ninh cần thiết. Khả năng tạo thêm gánh nặng cho cảnh sát địa phương hay làm tăng chi phí bảo trì công viên cũng cần được cân nhắc.

Cần cải tạo bền vững, có sự tham gia của cộng đồng

Tiến sĩ- kiến trúc sư Đặng Việt Dũng (giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng "hướng mở" trong cải tạo công viên Thống Nhất phải là mở về bản chất.

“Việc bỏ hàng rào hay miễn phí vào cổng là cách hiểu đơn giản theo vật lý, giải quyết những vấn đề này không khó, quan trọng là vấn đề quản lý sau khi thực hiện. Tuy vậy, dưới góc độ của khoa học hiện đại, quản lý những điều này không hề khó”, ông Dũng bình luận.

cai tao cong vien Thong Nhat anh 1

Sân chơi thể thao sơ sài trong công viên Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Như.

Theo ông Dũng, phương án cải tạo cần chú trọng việc phân khu chức năng hợp lý, bên cạnh việc mở thêm không gian các loại hình vui chơi giải trí. Công viên Thống Nhất đang thiếu không gian vui chơi giải trí và không gian đa năng; ví dụ, thiếu bãi đỗ xe, sân thể thao chuyên nghiệp và không gian phục vụ nhu cầu của thanh thiếu niên đến vui chơi hay gia đình đến nghỉ ngơi, cắm trại.

Để chi tiết hoá, việc cải tạo cần được bàn bạc cụ thể qua hội thảo và cuộc thi, đồng thời, cho phép các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp tham gia thiết kế và đề xuất phương án.

“Tôi không quá lo ngại việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công viên Thống Nhất. Điều quan trọng là cần quản lý một cách đồng bộ và nhìn nhận về tính bền vững của mô hình này. Nếu đề xuất ra mà không tính toán cẩn thận về lâu dài và tính bền vững thì dự án có thể bị chết yểu”, ông Dũng nói.

Kiến trúc sư Võ Hoàng Quốc Mỹ góp ý rằng sự tham gia của cộng đồng trong việc thiết kế và quản lý công viên nên được coi là một phần của chiến lược phát triển. Sự tham gia của cộng đồng sẽ tạo ra cảm giác thân thuộc của người dân địa phương, do đó, làm giảm nguy cơ phá hoại tại chỗ.

Hầu hết công viên lớn tại Hà Nội có tường rào bao quanh. Hàng rào sắt cao bao trọn khuôn viên không chỉ là đặc trưng tại các công viên nuôi thú như Bách Thảo, Thủ Lệ, mà còn xuất hiện ở nhiều công viên cây xanh như Thống Nhất, Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Hoà Bình… Bên cạnh mục đích bảo vệ, hàng rào nhằm hạn chế người dân tiếp cận tự do vào công viên, thuận tiện cho hoạt động thu phí vào cửa và giữ xe.

Trong khi đó, từ năm 2003, UBND TP.HCM đã có chủ trương bỏ hàng rào công viên. Theo đó, việc tháo dỡ tường rào được thực hiện tại nhiều nơi như công viên Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ, Gia Định, Lê Văn Tám… Hoạt động này nhận được sự ủng hộ từ đa số người dân địa phương. Sau nhiều năm thực hiện, chủ trương này thể hiện hiệu quả, thu hút người dân, nhờ đó tăng cường giám sát xã hội trong việc bảo vệ công viên.

Lý do công viên Thống Nhất kém thu hút người dân Không có khu vui chơi, giải trí hiện đại, nhiều hạng mục xây dựng hàng chục năm đến nay đã hư hỏng khiến công viên Thống Nhất (Hà Nội) không còn hấp dẫn người dân và du khách.

Nghịch lý quanh chiếc vé vào cửa 4.000 đồng ở công viên Thống Nhất

Bất cập chuyện thu vé vào cửa, thái độ của nhân viên bảo vệ, cảnh quan xuống cấp... khiến người dân thủ đô không còn mặn mà với công viên Thống Nhất.

Hiện trạng xuống cấp ở công viên lớn nhất nội thành Hà Nội

Nhiều hạng mục xuống cấp ở công viên Thống Nhất đang tạo ra những cái bẫy nguy hiểm đối với người dân thủ đô.

Hoàng Như

Bình luận

Bạn có thể quan tâm