Anh đã đánh dấu 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II với việc tổ chức Đại lễ Bạch kim hồi tháng 6. Ngoài ra, bà cũng ghi một dấu mốc đáng chú ý khác, theo Nikkei Asia.
Vào ngày 12/6, Nữ hoàng Anh đã chạm đến dấu mốc 70 năm, 126 ngày trị vì của cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Đó là một kỷ lục thời hiện đại cho một quốc gia có chủ quyền, và chỉ kém Vua Louis XIV của Pháp - người trị vì lâu nhất mọi thời đại - chưa đầy hai năm.
Những khó khăn trong thời đại số
Tuy nhiên, các sự kiện kể từ sau khi cố Quốc vương Bhumibol qua đời đã mang đến một câu chuyện cảnh báo cho Nữ hoàng Elizabeth và các quốc vương kỳ cựu khác.
Những cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ để cải cách hoàng gia Thái Lan cho thấy sức mạnh có thể được giải phóng, khi quyền lực được tích lũy bởi người trị vì lâu đời đột nhiên biến mất.
Các vệ sĩ che nắng cho Nữ hoàng Elizabeth II và cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej vào ngày 28/10/1996. Ảnh: Reuters. |
Các triều đại ở London và Bangkok mang đến những câu chuyện tương đồng về khó khăn mà gia đình hoàng gia ở khắp mọi nơi phải đối mặt trong kỷ nguyên hiện đại. Hoàng gia Anh và Thái Lan ngày càng vật lộn để đối phó với xã hội nơi mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin hơn.
Kỷ nguyên kỹ thuật số đã phơi bày nhiều thông tin của chế độ quân chủ ở châu Á và châu Âu. Họ cũng bị truy vấn về của cải được thừa kế và đặc quyền.
Sự riêng tư và bí ẩn, vốn giúp Nữ hoàng Elizabeth và cố Quốc vương Bhumibol nắm quyền trong thời gian dài, hiện đã trở nên khó đạt được hơn nhiều. Cả hai triều đại đều phát triển mạnh mẽ chỉ vì họ khôi phục được uy tín, vốn bị tàn phá bởi khủng hoảng.
Ở Thái Lan, một cuộc nổi dậy năm 1932 đã chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế. Sau đó, vào năm 1946, anh trai và người tiền nhiệm của Vua Bhumibol, Ananda Mahidol, bị bắn chết trong Cung điện Hoàng gia ở Bangkok.
Ở Anh, chế độ quân chủ bị giáng một đòn nặng nề từ sự thoái vị gây tranh cãi năm 1936 của Vua Edward VIII, bác của Nữ hoàng Elizabeth, sau chưa đầy một năm nắm quyền.
Cả cố Quốc vương Bhumibol và Nữ hoàng Elizabeth đều lên ngôi khi còn trẻ và có tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong những thập kỷ sau đó. Một câu chuyện dần bén rễ cho rằng họ giành được sự tôn trọng chủ yếu vì là hình mẫu trong việc phụng sự quốc gia mình.
Ý tưởng này đã được củng cố bởi quyền lực nhà nước cứng và mềm. Ví dụ nổi bật nhất là luật của Thái Lan, trong đó cho phép áp dụng các án tù dài hạn đối với những người bị cho là đã xúc phạm chế độ quân chủ.
Câu hỏi về sự giàu có của hoàng gia
Cả Thái Lan và Anh đều đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền ủng hộ hoàng gia. Vua Bhumibol đã xuất bản một cuốn sách về chú chó yêu thích của ông, Tongdaeng (Copper), được nhiều người coi là cẩm nang hướng dẫn cách cư xử của người Thái.
Tại Anh, chính phủ đang gửi cho các trường học hàng triệu bản sách, nhấn mạnh những công việc từ thiện của Nữ hoàng Elizabeth, cũng như "phẩm giá và cam kết" đối với công chúng.
Điều đó đã dập tắt nhưng không thể xóa tan hoàn toàn những câu hỏi về sự giàu có của hoàng gia.
Vua Vajiralongkorn được cho là sở hữu khối tài sản khổng lồ. Ảnh: AP. |
Tại Thái Lan, những người biểu tình đã yêu cầu hoạt động của Crown Property Bureau, một tổ chức nắm giữ số lượng lớn đất đai và cổ phần công ty, được minh bạch hơn. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tài sản cho quốc vương Thái Lan.
Hoàng gia Anh bắt đầu tự nguyện đóng một số loại thuế vào đầu những năm 1990, nhưng họ vẫn được miễn một số khoản thuế mà nhiều công dân khác phải trả. Sự chú ý cũng ngày càng đổ dồn đến nguồn tài sản của các gia đình hoàng gia trên khắp châu Âu.
Một vấn đề khác được cho là ảnh hưởng tới các gia đình hoàng gia Thái Lan và Anh là cách mạng Internet, vốn đã phổ biến cuộc sống cá nhân của thành viên hoàng gia ra phạm vi toàn cầu.
Chẳng hạn, lối sống xa hoa của Vua Vajiralongkorn ở Đức đã có độ phủ sóng ngày càng lớn bởi giới truyền thông quốc tế.
Ở London, Hoàng tử Andrew - con trai của Nữ hoàng Anh - đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề và mất đi một số tước hiệu, cũng như sự bảo trợ của hoàng gia - vì mối quan hệ của ông với tỷ phú Jeffrey Epstein. Ông Epstein bị cáo buộc tội danh buôn bán trẻ em vị thành niên để cưỡng ép quan hệ tình dục.
Liệu các thành viên hoàng gia có phi chính trị như họ tuyên bố cũng là chủ đề nhận được sự chú ý ngày càng tăng ở Anh và Thái Lan.
Chẳng hạn, ở Anh, Thái tử Charles đã phải đối mặt với những câu hỏi liên quan đến bức thư ông đã gửi cho các bộ trưởng trong chính phủ.