Trong hơn hai thập kỷ, chiến dịch cộng hòa của Australia - nhằm đưa công dân nước này thay thế vị trí nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh Elizabeth II - vẫn được duy trì dè dặt bởi "những chiến binh mùa đông đấu tranh để giữ ngọn lửa sống sót".
Peter FitzSimons, người đứng đầu Phong trào Cộng hòa Australia (ARM), cho biết họ đã gặp nhiều trở ngại trong việc định hình lại hướng đi sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1999 nhằm loại bỏ vị trí nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng.
Vào đầu tháng này, tân Thủ tướng Anthony Albanese - thuộc Công đảng - đã thắp đèn hiệu kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, điều đó không cản trở Australia trong nỗ lực cắt đứt các liên kết thuộc địa cuối cùng với Hoàng gia Anh.
Bộ trưởng đầu tiên của Phong trào Cộng hòa
Thủ tướng Albanese, thành viên lâu năm của Phong trào Cộng hòa, đã bổ nhiệm ông Matt Thistlethwaite - một trong những "chiến binh mùa đông" - làm bộ trưởng đầu tiên của chiến dịch cộng hòa.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Australia có một bộ trưởng đảm nhiệm việc xa rời Hoàng gia Anh. Chính phủ đã chính thức hành động mạnh tay đằng sau việc này”, ông FitzSimons nói.
Nữ hoàng Elizabeth II được những người ủng hộ chào đón ở Canberra vào năm 2011, trong chuyến thăm gần nhất của bà tới Australia. Cuộc trưng cầu dân ý năm 1999 của đất nước về việc loại bỏ bà làm nguyên thủ quốc gia đã thất bại. Ảnh: Financial Times. |
Theo Financial Times, bộ trưởng mới của Phong trào Cộng hòa đã được David Hurley, Thống đốc New South Wales đồng thời là Toàn quyền thứ 27 của Australia, chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức và cam kết trung thành với Nữ hoàng.
Sự mâu thuẫn đó không thể lọt khỏi tầm mắt của những người chống đối nỗ lực loại bỏ hệ thống quân chủ lập hiến của Australia - vốn coi sinh nhật của Nữ hoàng hôm 13/6 là ngày nghỉ lễ.
“Tôi thấy không hợp lý khi có một bộ trưởng trong chính phủ phụ trách một hệ thống chưa từng tồn tại”, Rachel Bailes, người phát ngôn của Liên đoàn Quân chủ Australia, cho biết.
Đối với những người cộng hòa, Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng đại diện cho thời điểm quan trọng. Họ cho rằng nhiều người Australia sẵn sàng thay đổi hơn khi triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II kết thúc.
“Khi Nữ hoàng bước sang giai đoạn hoàng hôn của triều đại, người Australia - những người có bản sắc văn hóa độc đáo - bắt đầu suy nghĩ về tương lai. Một khi Nữ hoàng truyền ngôi vị hoặc qua đời, đó là cơ hội để trả lời băn khoăn đó”, ông Thistlethwaite nói.
Cần động lực lớn để thay đổi
Bailes, 29 tuổi và theo chủ nghĩa quân chủ từ năm 14 tuổi, cho rằng những người cộng hòa phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc thuyết phục người trẻ tuổi thay đổi hệ thống.
“Tôi không gặp những người ở độ tuổi của mình, những người tự xưng là người theo chủ nghĩa quân chủ hay cộng hòa. Không có động lực mạnh mẽ để thay đổi", Bailes cho biết.
Một cuộc thăm dò do Ipsos thực hiện năm 2021 cho thấy khoảng một phần ba người Australia muốn có một nền cộng hòa. Tuy nhiên, khoảng 40% phản đối điều đó. Đây là mức ủng hộ thấp nhất đối với một nền cộng hòa kể từ năm 1979.
Tại cuộc trưng cầu dân ý năm 1999, các thành viên Phong trào Cộng hòa đã chia rẽ dữ dội về việc hệ thống nào sẽ thay thế chế độ quân chủ lập hiến. Sau đó, đa số người dân đã bỏ phiếu giữ nguyên hiện trạng.
“Lần trước là cái chết vì sự chia rẽ. Những người ủng hộ tổng thống được bầu trực tiếp đã dự đoán một cuộc trưng cầu dân ý khác trong khoảng 18 tháng. Đó là gần 25 năm trước”, FitzSimons, cựu cầu thủ quốc tế của liên đoàn bóng bầu dục, nói.
Điều quan trọng đối với bất kỳ bước tiến nào là quyết định cách bầu chọn tổng thống trong quốc gia cộng hòa giả định của Australia. ARM đã quyên góp được 120.000 USD cho chiến dịch tranh cử của mình kể từ khi ông Albanese thắng cử. Phong trào này ủng hộ một mô hình kết hợp trong đó công chúng bỏ phiếu cho ứng cử viên từ danh sách rút gọn do Quốc hội Australia tổng hợp. Những người khác muốn một tổng thống được bầu trực tiếp.
Chính phủ Công đảng không tính tới việc đưa vấn đề này ra bỏ phiếu cho đến sau cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2025. Tuy nhiên, họ muốn bắt đầu cuộc tranh luận về cách đạt được điều đó.
“Chúng ta cần thời gian. Tôi nhận thức sâu sắc những cạm bẫy và chia rẽ xảy ra thời gian qua”, ông Thistlethwaite nói.
Ông cũng liên lạc với các nhóm theo chủ nghĩa quân chủ trong nỗ lực xây dựng sự đồng thuận về cách tiến hành một cuộc bỏ phiếu.
Matt Thistlethwaite đã nhậm chức Bộ trưởng Cộng hòa Australia. Ảnh: Financial Times. |
Có nguyên thủ quốc gia riêng là "phẩm giá"
Đối với các thành viên cộng hòa, câu hỏi liệu Australia có nên có một nguyên thủ quốc gia của chính mình hay không là điều hiển nhiên.
Nước này có quan hệ văn hóa chặt chẽ với Anh nhưng coi Mỹ là đối tác an ninh mạnh nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, châu Á là khu vực thương mại quan trọng nhất đối với nền kinh tế của nước này.
Ông FitzSimons khẳng định đây là vấn đề “phẩm giá quốc gia”. “Quyền lực nên thuộc về một cơ quan được bầu cử dân chủ của Australia, không thuộc dòng máu Hoàng gia từ thời Đế chế”, ông nói.
Ông Thistlethwaite lưu ý rằng 34 trong số 54 quốc gia trong Khối thịnh vượng chung hiện là các nước cộng hòa sau khi Barbados bỏ phiếu để loại bỏ vị trí nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh vào năm 2021.
Ông nói: “Australia vẫn là thành phần thiểu số”.
Ông Matt Thistlethwaite (trái) trong buổi tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Cộng hòa. Ảnh: ABC. |
Các nhóm theo chủ nghĩa quân chủ cho rằng cuộc tranh luận không nên bàn về sự độc lập của Australia mà nên nói về sự ổn định chính trị. Philip Benwell, người đứng đầu AML, nói rằng chế độ quân chủ lập hiến chống lại hệ thống mà tổng thống tuân theo ý chí của các chính trị gia.
“Đây không phải là về chế độ quân chủ hay các cá nhân. Đây là về hệ thống bảo vệ nền dân chủ và tự do của chúng ta. Các chế độ quân chủ lập hiến mang lại sự ổn định và ngăn chặn sự can thiệp chính trị và sự thay đổi hiến pháp liên tục”, ông Benwell chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Thistlethwaite tin rằng gần một phần tư thế kỷ sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng, đất nước đã sẵn sàng cho sự thay đổi.
“Giờ đây, người Australia thấy rằng hiến pháp không phản ánh sự thật về lịch sử và nước Australia hiện đại. Nó không phản ánh con người chúng ta là ai và đã đến lúc cần cập nhật”, ông Thistlethwaite khẳng định.