Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái chết bí ẩn của con trai Lý Tiểu Long và Kim Dung

2 biểu tượng trường tồn của nền điện ảnh Hoa ngữ đều có con trai bạc mệnh.

Huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long (Bruce Lee) và nhà văn Kim Dung đều được xem là hai biểu tượng trường tồn của lịch sử phim truyện Trung Hoa. Mỗi người phát triển một tài năng riêng, người diễn xuất, người viết văn, nhưng họ đều mang lại cho công chúng những tác phẩm kinh điển.

Cùng nổi tiếng và được ngợi ca, song cả hai người đều có con trai bạc mệnh. Người con duy nhất của Lý Tiểu Long chết đột ngột trên phim trường chỉ sau 20 năm ngày cha qua đời. Trong khi đó, con cả của nhà văn Kim Dung bất ngờ tự vẫn khi mới chỉ là sinh viên.

Con trai Lý Tiểu Long qua đời trên trường quay lúc 28 tuổi

Lý Quốc Hào là con trai đầu lòng của Lý Tiểu Long và bà xã Linda. Cái chết của ngôi sao này được xem như lời nguyền của dòng họ Lý. Đặc biệt, có nhiều điểm khá trùng hợp trong sự ra đi của hai cha con Lý Tiểu Long.

Lý Tiểu Long và cậu con trai duy nhất Lý Quốc Hào.
Lý Tiểu Long và cậu con trai duy nhất Lý Quốc Hào.

Với Lý Tiểu Long, huyền thoại võ thuật đã qua đời năm 32 tuổi tại một khách sạn ở Hồng Kông, các bác sĩ chỉ tuyên bố nguyên nhân tử vong “chết do tai nạn bất ngờ”. Không ai biết chính xác vì sao diễn viên võ thuật nổi tiếng này lại qua đời.

Con trai Lý Tiểu Long là Lý Quốc Hào cũng ra đi bất ngờ ở độ tuổi còn rất trẻ, 28 tuổi.

Trong lúc quay phim, Lý Quốc Hào bị trúng đạn. Không ai biết người nào đã thay đạn thật vào khẩu súng dùng để quay phim. Khi đó, diễn viên quay cảnh cầm súng và cũng là người bắn chết Lý Quốc Hào chính là Michael Masse đóng vai Funboy.

Chỉ có một chiếc camera đặt ngay phía sau của Michael nhằm thu lại cảnh quay bắn súng. Ngay khi bị bắn, Lý Quốc Hào đã ra dấu bằng tay nhưng mọi người tưởng rằng anh đang diễn xuất. Khi được phát hiện, Lý Quốc Hào ngay lập tức được đưa đến trung tâm y tế ở Wilmington nhưng đã trễ. Anh qua đời sau hơn 12 tiếng bị nạn.

Lý Quốc Hào mất trong một tai nạn bí ẩn như chính cái chết đã xảy ra với cha anh - Lý Tiểu Long.

Lý Quốc Hào trên poster phim Rapid Fire.
Lý Quốc Hào trên poster phim Rapid Fire.

Người ta nói rằng, con số 3 trở thành điều ám trong số phận của cha con Bruce Lee. Ngôi sao Tinh võ môn qua đời năm 1973. Con trai anh, Lý Quốc Hào, trút hơi thở cuối cùng vào 13h30 chiều ngày 31/3/1993. Cả hai cha con qua đời khi hai bộ phim điện ảnh của họ vẫn còn dang dở.

Điều đặc biệt, 2 tác phẩm cuối cùng của hai cha con đều có tựa đề mang ý nghĩa bất hạnh. Bộ phim của Lý Tiểu Long mang tên Trò chơi tử thần, còn phim của Lý Quốc Hào đóng là The Crow (Quạ đen) – một con vật ám chỉ sự chết chóc.

Nhiều người tin rằng, sự trùng hợp trong cái chết của hai cha con Lý Tiểu Long trong vòng 20 năm có liên quan tới lời nguyền xảy ra với dòng họ Lý. Khi đó, ông nội của Lý Quốc Hào có mối bất hòa với giới thương gia. Những kẻ xấu đã làm bùa ngải để trả thù gia đình, con cháu ông. Vì thế, cả hai cha con Bruce Lee đều đang khỏe mạnh bỗng bị đột tử.

Lý Quốc Hào qua đời trước 17 ngày chuẩn bị kết hôn.
Lý Quốc Hào qua đời trước 17 ngày chuẩn bị kết hôn.

Một số người khác lại cho rằng, cái chết của Lý Quốc Hào có liên quan đến một âm mưu kinh doanh phim ảnh. Ai cũng biết, bộ phim điện ảnh The Crow là tác phẩm cuối cùng anh đóng. Sau cái chết của Lý Quốc Hào, bộ phim này đã đạt doanh thu hơn 50 triệu đô - một con số lớn không tưởng với giới sản xuất phim lúc đó.

Vẫn còn những điều ngay cả cảnh sát điều tra cũng chưa lý giải chính xác về cái chết của nam diễn viên 28 tuổi này. Bác sĩ khám nghiệm thông báo tìm thấy một đầu đạn 0.44. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho rằng, nếu được bắn trực tiếp thì đầu đạn đã phải xuyên thủng và bay khỏi người nạn nhân. Họ đưa ra một giả thuyết khác rằng, có sẵn một viên đạn đã tháo ngòi nổ trong nòng súng. Do sơ suất khi kiểm tra, nhân viên vô tình lắp thêm một viên đạn giả nữa. Chính viên đạn giả thứ hai này khi nổ đã tống đầu viên đạn thứ nhất bay khỏi nòng với vận tốc chậm hơn nhiều. Vì vậy, đầu đạn 0.44 mới không xuyên thủng người.

Những người hâm mộ huyền thoại Lý Tiểu Long đến giờ vẫn ngậm ngùi khi nhìn vào tấm bia của hai cha con anh đặt cạnh nhau. Người cha qua đời ở tuổi 32, người con ra đi lúc mới 28 tuổi. Ngôi mộ của hai người được đặt cạnh nhau ở nghĩa trang Like View, nước Mỹ.

Phần mộ hai cha con Lý Tiểu Long được đặt cạnh nhau.
Phần mộ hai cha con Lý Tiểu Long được đặt cạnh nhau.

Về Lý Quốc Hào, anh sinh ngày 1/2/1965, tên tiếng Mỹ là Brandon Bruce Lee. Ngay từ năm lên 2, lên 3, anh đã được cha dạy cho những đường quyền cơ bản. Năm lên 7 tuổi, anh theo cha lên truyền hình, trở thành một ngôi sao nhí sáng giá.

Cái chết bất ngờ của cha xảy ra khi Lý Quốc Hào mới 8 tuổi. Cậu bé gần gũi với cha nên là người đau khổ nhất trước tin cha mất. Cũng từ đó, cậu sống khép kín, chỉ quanh quẩn trong phòng riêng, không nói chuyện với ai. Năm 20 tuổi, cậu con trai duy nhất của Lý Tiểu Long mới quyết định theo nghiệp cha đi đóng phim.

Con trai nhà văn Kim Dung tự vẫn ở tuổi 20

Nhà văn Kim Dung được xem là niềm tự hào của điện ảnh Trung Quốc với những bộ tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nổi tiếng trên khắp thế giới nhưng cuộc đời ông vẫn đau đáu nỗi đau về cái chết của người con trai cả.

Nhà văn Kim Dung bên con trai cả Tra Truyền Hiệp (trái) và con gái (phải).
Nhà văn Kim Dung bên con trai cả Tra Truyền Hiệp (trái) và con gái (phải).

Bản thân nhà văn Kim Dung với tư cách là một người cha, chỉ biết ôm nỗi đau đó đến hết đời mà chưa một lần lên tiếng lý giải hành động tự vẫn của con trai mình. Người con ra đi khi mới chỉ là một sinh viên đại học. Người ta phát hiện ra thi thể của anh trong tư thế treo cổ tự sát bên trong ký túc xá trường Đại học Colombia, Mỹ vào một ngày tháng 10/1976.

Có khá nhiều những giả thuyết lý giải về nguyên nhân cái chết của con trai cả nhà văn Kim Dung. Trong đó nổi lên 3 nghi vấn chính, đều liên quan đến sự suy sụp về tinh thần.

Có người nói rằng, bản tính tự kỷ, không tha thiết với cuộc sống đã âm ỉ có sẵn trong tâm hồn Tra Truyền Hiệp. Chỉ có điều ông không nhận ra.

Trong 4 người con với bà Chu Mai, Tra Truyền Hiệp được cho là người có nhiều gen giống nhà văn Kim Dung nhất. Ngay từ nhỏ, cậu đã được gọi là thần đồng đam mê văn chương. Có lần, cậu đọc cuốn tiểu thuyết Hiệp khách hành của cha quá say mê tới mức, ông đứng bên cạnh gọi liền mấy tiếng mà Tra Truyền Hiệp không hay biết.

Nhưng tới năm 14 tuổi, Tra Truyền Hiệp bất ngờ viết ra một bài văn nói rằng, cuộc đời là bể khổ. Cậu học trò trường cấp 2 thể hiện rõ ý định muốn rời bỏ trần gian. Khi đó, những người đọc được bài văn của Tra Truyền Hiệp đều thấy cần phải ngăn chặn ý nghĩ lệch lạc của cậu. Nhưng nhà văn Kim Dung lại cho rằng, con trai mình đúng. Ông khen ý tứ thể hiện tư tưởng sâu sắc.

Chính câu chuyện thuở nhỏ này khiến nhiều người tin rằng, con trai cả của nhà văn Kim Dung vốn dĩ đã không có ý thức sống.

Nghi vấn thứ hai về cái chết của Tra Truyền Hiệp có liên quan tới việc cha mẹ cậu ly hôn. Cậu là con trai cả của nhà văn Kim Dung và người vợ thứ hai tên Chu Mai. Năm 1959, khi cậu chào đời là lúc nhà văn sáng lập nên tờ Minh Báo. Trải qua những ngày tháng khó khăn, vợ chồng nhà văn đã đưa Minh Báo trở thành tờ báo có tiếng tăm.

Tuy nhiên, Chu Mai là người tham vọng. Bà dồn hết tâm sức cho sự nghiệp riêng với việc sáng lập 2 tờ báo khác của riêng mình. Chính điều đó làm rạn nứt tình cảm vợ chồng, trở thành nguyên nhân chính khiến nhà văn Kim Dung tìm đến người phụ nữ khác. Khi đó, Kim Dung đã phải lòng cô gái trẻ 16 tuổi Lâm Lạc Di.

Kim Dung đã phải lòng cô gái trẻ 16 tuổi Lâm Lạc Di sau khi tan vỡ tình cảm với người vợ thứ hai.
Kim Dung đã phải lòng cô gái trẻ 16 tuổi Lâm Lạc Di sau khi tan vỡ tình cảm với người vợ thứ hai.

Việc cha mẹ bất đồng quan điểm và cha yêu người đáng tuổi con mình đã ảnh hưởng tâm lý đến cậu con trai cả lúc đó đang học tại Mỹ. Nhiều lần Tra Truyền Hiệp viết thư mong cha mẹ tái hợp nhưng không thành. Cho dù nhà văn Kim Dung không nhắc tới điều này nhưng nhiều người hiểu rằng, việc ông và bà Chu Mai ly dị đã trở thành gánh nặng tâm lý với con trai. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến cậu rơi vào bế tắc tinh thần.

Một nghi vấn khác được nhiều người tin, đây mới chính là nguyên nhân của vụ tự vẫn. Thời điểm đó, cậu con trai cả nhà họ Tra đã cãi vã với bạn gái. Hai người lời qua tiếng lại trong điện thoại. Cô bạn gái có ý định chia tay khiến Tra Truyền Hiệp đau khổ muốn kết liễu đời mình. Vốn là một người cầu toàn, sống trong sự bao bọc của cha mẹ, lại liên tiếp gặp những chuyện đau buồn về tình cảm nên cậu quẫn trí treo cổ tự vẫn.

Nhà văn Kim Dung chưa một lần nhắc tới việc vì sao con trai cả tự sát khi mới đôi mươi. Nhưng với ông, sự ra đi bất ngờ của con trai luôn là một nỗi đau không dứt.

http://hcm.24h.com.vn/phim/cai-chet-bi-an-cua-con-trai-ly-tieu-long-va-kim-dung-c74a624227.html

Theo Khám Phá

Bạn có thể quan tâm