Theo South China Morning Post, chính quyền tỉnh Giang Tây, phía đông nam Trung Quốc, từ 6 tháng qua đã tiến hành chính sách cấm chôn cất, hướng đến chỉ cho phép hỏa táng người đã khuất. Tỉnh này cho rằng phương pháp hỏa thiêu sẽ giúp tiết kiệm quỹ đất và hạn chế tục lệ an táng lạc hậu, tốn kém.
Cải cách đám ma
Trả lời Jiangxi Daily hồi tháng 6, lãnh đạo tỉnh ca ngợi “mô hình cải cách” hình thức an táng người đã khuất tại Giang Tây giúp thúc đẩy phát triển xã hội. Nhiều thành phố tại tỉnh Giang Tây đã đặt thời hạn đến tháng 9 này chỉ cho phép hỏa thiêu người đã khuất.
Quan tài tịch thu được tập trung chờ tiêu hủy bằng xe xúc đất. Ảnh: SCMP. |
Huyện Cao An đã thuyết phục được người dân tự nguyện bàn giao lại gần 5.800 quan tài cho cơ quan chức năng, theo Thepaper.cn. Giới chức địa phương đã đến từng nhà để vận động các hộ gia đình. Một số đề nghị mức bồi thường khoảng 2.000 nhân dân tệ (gần 290 USD) cho mỗi quan tài.
Ngoài việc cấm sử dụng quan tài và chôn cất, nhiều nơi còn yêu cầu người dân không tổ chức lễ nghi ma chay truyền thống. Tại Cát An, những phong tục an táng như làm mộ đá hay rải tiền giấy đều bị cấm.
Người dân vùng nông thôn ở Trung Quốc vẫn giữ truyền thống cho đóng trước quan tài, giữ trong nhà để cầu mong may mắn và trường thọ. Họ cho biết quan tài giá thấp nhất đã đến 5.000 nhân dân tệ (hơn 730 USD). Người nghèo phải dành dụm cả đời mới có thể chuẩn bị được chỗ an nghỉ cho mình sau này.
Cưỡng chế, tịch thu quan tài
Trong khi đó, một số địa phương tại Giang Tây đã dùng biện pháp mạnh để thực hiện chính sách cấm chôn cất.
Hình ảnh và video cảnh cưỡng chế, tịch thu quan tài ở Cám Châu, Cát An và Nghi Xuân lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cuối tuần qua khiến dư luận nước này phẫn nộ. Một cụ ông vì không muốn tài sản cả đời dành dụm bị phá hủy đã vào nằm trong quan tài nhưng cuối cùng vẫn bị kéo ra.
Trả lời SCMP, một người dân ở Cát An cho biết đại diện cơ quan chức năng đến nhà vào đêm 29/7 đã tịch thu quan tài mà ông bà anh cất giữ hơn 30 năm qua. “Những quan tài này được đặt trong sảnh thờ tổ tiên, làm từ cây gỗ trồng ngay trên phần đất của gia đình”, người này cho biết.
Tháng 4, huyện Thượng Nhiêu còn cho khai quật một ngôi mộ chôn cất trái quy định.
Hình ảnh cưỡng chế quan tài tại Giang Tây đã gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Nhiều kênh truyền thông nhà nước ngày 30/7 đã mô tả chính sách tại tỉnh đông nam nước này là “man rợ và không hợp lòng dân”. People’s Daily và Guang Ming Daily đồng loạt kêu gọi giới chức tỉnh cân nhắc lại chính sách.
“Vì sao chính quyền địa phương lại tiến hành một chính sách cứng rắn, thậm chí là độc ác đến như vậy? Kể cả khi những cải cách được thực hiện thành công, chúng vẫn làm mất lòng dân và khiến họ mất uy tín, tích tụ thêm sự bức xúc và có thể dẫn đế bất ổn”, bài xã luận đăng trên People’s Daily viết.
Lu Liangbiao, một luật sư gốc Giang Tây làm việc tại Bắc Kinh, cho rằng giới lãnh đạo tỉnh nên cho người dân tham gia vào tiến trình cải cách. Cơ quan chức năng cũng cần đảm bảo người dân nhận bồi thường thỏa đáng.
“Có lẽ các cấp chính quyền muốn thúc đẩy những hình thức an táng thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, điều này đã đi quá đà và gây ra bất mãn”, anh cho biết.