"Trên thị trường bất động sản, không có kẻ thù, chỉ có bạn hoặc đối tác", Chủ tịch Trương Anh Tuấn của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân phát biểu khi được cổ đông chất vấn về mục đích cốt lõi của việc hợp tác với Novaland.
Quả thực, sau khoảng thời gian các doanh nghiệp phải chấp nhận mua bán đứt dự án để sớm thu hồi dòng tiền, thị trường mới lại nhìn thấy những cái bắt tay nghìn tỷ.
Bàn đạp để tái sinh
Trả lời cổ đông, Chủ tịch Hoàng Quân nhấn mạnh doanh nghiệp luôn mong muốn làm bạn với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành để tận dụng thế mạnh lẫn nhau.
Trong thương vụ lần này, Hoàng Quân có năng lực cốt lõi trong mảng nhà ở xã hội và đây chính là điểm mà Novaland cần. Hai bên có thể hỗ trợ cả công tác bán hàng, vốn và quản trị.
"Sản phẩm của Novaland được định vị ở phân khúc cao cấp, nếu Novaland đứng ra là chủ đầu tư trực tiếp sản phẩm nhà ở xã hội thì sẽ không đúng thương hiệu. Vì vậy, trong hợp tác hai bên, Novaland là chủ đầu tư còn Hoàng Quân sẽ là đơn vị thực hiện, làm dự án ở các quỹ đất của Novaland ở TP.HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận...", ông Trương Anh Tuấn cho biết.
Với cái bắt tay này, Hoàng Quân và Novaland sẽ cùng phát triển 250.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong đó, hai doanh nghiệp dự kiến bàn giao 3.000 căn ngay trong năm nay.
Lãnh đạo Hoàng Quân và Novaland ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội. Ảnh: NVL. |
Thực tế, từ tháng 8/2022, Novaland đã ký cam kết với Chính phủ về việc xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía Nam với trọng tâm là TP.HCM. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, "ông lớn" địa ốc này vẫn chưa thể ra mắt bất cứ dự án nào, trong khi những khó khăn về tài chính vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Do đó, hợp tác với Hoàng Quân giờ đây được kỳ vọng hỗ trợ Novaland hiện thực hóa cam kết trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cũng như phần nào làm "nóng" lại cái tên Novaland trên thị trường bất động sản và tài chính.
Trong lúc này, một dự án nghỉ dưỡng ở Nha Trang do KDI Holdings làm chủ đầu tư, có sự tư vấn, hỗ trợ của Masterise Homes, cũng đang được triển khai rầm rộ.
Libera Nha Trang tiền thân là dự án Rusalka của công ty ông Nguyễn Đức Chi, được cấp phép năm 2000 với tổng vốn khoảng 15 triệu USD. Sau nhiều năm dính lùm xùm, dự án về tay ông Kiều Hữu Dũng của KDI Holings, được đổi tên thành Champarama Resort & Spa và sau này được biết đến nhiều với tên gọi Vega City Nha Trang.
Vài tháng gần đây, sự trở lại bất ngờ của dự án này với dòng sản phẩm condotel Flex Home gây chú ý, nhất là khi có sự tham gia của "ông lớn" Masterise Homes trong vai trò đồng hành thương hiệu, tư vấn quá trình phát triển dòng sản phẩm này theo tiêu chuẩn của phân khúc cao cấp.
Theo các thông tin được công bố rộng rãi, tính đến giữa tháng 6, dự án đã nhận hơn 16.800 đặt chỗ.
Dự án Libera Nha Trang của chủ đầu tư KDI Holdings có sự hợp tác với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: KDI. |
Cũng tại Nha Trang, dự án số 04-06 Bắc Sơn được chủ đầu tư NPL hợp tác phát triển với An Phú Gia Holdings, qua đó An Phú Gia Constructions cũng là đơn vị xây dựng, và EximRS là nhà phân phối độc quyền.
Bước vào cuộc đua mới
Theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, xu hướng các doanh nghiệp chủ động hợp tác để phát huy thế mạnh, hướng đến mục tiêu chiến lược không phải mới lạ. Nhưng thay vì bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài, các chủ đầu tư nội địa giờ đây chọn hợp tác với nhau.
"Các doanh nghiệp trong nước có lợi thế am hiểu văn hóa kinh doanh, các quy định và thủ tục địa phương. Cho nên, khi doanh nghiệp trong nước bắt tay hợp tác có thể cộng hưởng các thế mạnh của nhau nhanh chóng, ít gặp các rào cản văn hóa hơn so với việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài", ông David nêu quan điểm.
Dĩ nhiên, một chuyên gia trong ngành cho rằng cũng có cả mục tiêu "đánh bóng" tên tuổi nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh và tài chính trong các thương vụ này.
Nhiều dự án bất động sản đang triển khai thời gian gần đây có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Libera Nha Trang. |
Mặt khác, chiến lược hợp tác cũng tỏ rõ mong muốn gia nhập phân khúc mới của các doanh nghiệp. Không chỉ Novaland thông qua sự hỗ trợ của Hoàng Quân để bước vào thị trường nhà ở xã hội, mà còn có Gỗ An Cường mua lại vốn góp tại Thắng Lợi Group để lấn sân sang bất động sản.
Thắng Lợi Group là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản ở phía Nam, tập trung chủ yếu tại Long An; còn Gỗ An Cường "ông lớn" trong lĩnh vực vật liệu, giải pháp và nội thất làm từ gỗ công nghiệp.
Tháng 4/2021, Gỗ An Cường chi khoảng 120 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của CTCP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group). Đến quý I/2022, doanh nghiệp gỗ tiếp tục chi gần 400 tỷ đồng để mua 30% vốn tại Công ty Bất động sản Central Hill (nay là Thắng Lợi Homes) từ Thắng Lợi Group.
Hiện ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường cũng đồng thời đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT tại Thắng Lợi Group.
Hiện tại, Gỗ An Cường và Thắng Lợi Homes đang lập liên danh đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa hơn 13 ha ở Long An. Tổng quy mô dự án hơn 5.000 căn hộ, với tổng vốn ước đạt gần 9.300 tỷ đồng.
Ông David đánh giá đây là nỗ lực chuyển đổi của bản thân các doanh nghiệp, vừa nhằm giải bài toán dòng tiền vừa góp phần tăng nguồn cung ra thị trường để đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư.
Khó khăn vẫn còn đó, nhưng thị trường đã bắt đầu có những chuyển động tích cực. Các điều chỉnh về luật sắp có hiệu lực cũng đồng nghĩa với nhiều cơ hội mới.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam
Suy cho cùng, doanh nghiệp phải tìm cách vận động để có thể tồn tại và phát triển, và một trong những cách đó là mở rộng và nâng cao năng lực liên tục.
"Ai quan sát hoạt động doanh nghiệp trong những năm qua đều hiểu khó khăn vẫn còn đó, nhưng thị trường đã bắt đầu có những chuyển động tích cực. Các điều chỉnh về luật sắp có hiệu lực cũng đồng nghĩa với nhiều cơ hội mới. Do đó, doanh nghiệp nào nhanh nhạy và chủ động vào guồng sớm sẽ có cơ hội nắm ưu thế về lâu dài", ông David Jackson nhìn nhận.
Ông kỳ vọng với việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, thị trường sẽ có thêm dự án mới và các dự án hiện hữu được tiếp tục tiến độ, góp phần khơi thông thị trường và tạo cơ hội việc làm ở các địa phương.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.