Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái bắt tay khiến cả thế giới sững sờ ở Jeddah

Tổng thống Syria Bashar al-​Assad sải bước vào Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập ở Jeddah, Saudi Arabia, hôm 19/5, trong sự đón chào của các nhà lãnh đạo Trung Đông.

Một thập kỷ trước, Saudi Arabia thậm chí còn tài trợ cho các nhóm chiến binh chống lại ông Assad. Nay Thái tử Saudi Arabia dang rộng vòng tay và ôm hôn nhà lãnh đạo Syria, hai người bắt tay và tiến vào hội nghị. Ảnh: Reuters. 

Washington Post nhận định diễn biến này đánh dấu thắng lợi lớn đối với nhà lãnh đạo Syria từng bị giới lãnh đạo trong khu vực xa lánh vì cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài cả thập kỷ.

Theo BBC, màn đón chào nồng nhiệt đó là sự công nhận rõ ràng nhất rằng ông Assad đã thắng trong cuộc chiến ở Syria.

Thái tử Saudi Arabia dang rộng vòng tay và ôm hôn nhà lãnh đạo Syria. Một thập kỷ trước, Saudi Arabia thậm chí còn tài trợ cho các nhóm chiến binh chống lại ông Assad. Nay, vị thái tử - còn được biết tới với cái tên MBS - đang ôm tham vọng hoạch định lại Trung Đông, và ông ta cần Syria đứng về phía mình. Cái bắt tay và sự thân tình của họ không khỏi gây ra sự ngỡ ngàng.

Sự trở lại gây nhiều chú ý

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh thành phố Jeddah bên Biển Đỏ, Thái tử MBS nói rằng ông hy vọng sự trở lại của Syria sẽ mang lại ổn định cho khu vực.

Về phần mình, Tổng thống Assad khẳng định Syria sẽ luôn thuộc về thế giới Ả Rập, nhưng các quốc gia khác không nên can thiệp vào những gì xảy ra bên trong biên giới của một nước.

“Điều quan trọng là để mỗi nước tự xử lý các vấn đề nội bộ vì họ có khả năng làm điều đó tốt nhất”, nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh.

“Nước” mà Tổng thống Assad đề cập trong phát biểu là lãnh đạo Syria và những người ủng hộ ông.

Bashar al-​Assad anh 1

Thái tử Saudi Arabia MBS nói rằng ông hy vọng sự trở lại của Syria sẽ mang lại ổn định cho khu vực. Ảnh: Reuters.

Còn với hàng triệu người dân Syria phải bỏ chạy ra nước ngoài vì cuộc nội chiến, những gì diễn ra ở Jeddah thực sự đáng thất vọng.

Sự trở lại của Syria với Liên đoàn Ả Rập sau 11 năm bị đình chỉ - một bước tiến tiếp theo trong quá trình tái hội nhập khu vực của nước này sau cuộc nội chiến dai dẳng - cũng làm nổi bật lên khoảng cách rõ rệt giữa Mỹ và một số đối tác Trung Đông thân cận nhất về một vấn đề hai bên từng có tiếng nói chung.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, giống như các đồng minh châu Âu, đã tuyên bố sẽ duy trì chính sách cô lập và gây áp lực chống lại ông Assad vì cuộc nội chiến dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người và một nửa dân số phải sơ tán.

Các quan chức Mỹ - trao đổi với điều kiện giấu tên do vấn đề ngoại giao nhạy cảm - cho biết họ đã tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo Trung Đông về các bước tiến tới trong quan hệ với Syria. Họ nói rằng chính quyền Biden ủng hộ các mục tiêu chung của các quốc gia đó ở Syria, bao gồm cả việc giảm bớt ảnh hưởng của đối thủ chung là Iran.

“Đang có sự bất đồng về chiến thuật và trình tự”, một quan chức cấp cao nói. “Tuy nhiên, nhìn chung có sự thống nhất về các mục tiêu cuối cùng”, trong đó Washington dự định duy trì chặt chẽ các biện pháp trừng phạt với những công ty và quốc gia làm ăn với Damascus.

Lực lượng ủng hộ ông Assad đang thắng thế và giành lại nhiều lãnh thổ trong cuộc chiến ở Syria. Giờ đây, nhà lãnh đạo Syria đã nắm quyền kiểm soát đối với gần hai phần ba đất nước, theo ước tính của Mỹ, và mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đẩy lùi.

Việc nối lại quan hệ với Syria phản ánh sự công nhận ở các nước Trung Đông rằng bất chấp những nỗ lực trước đó nhằm nuôi dưỡng sự phản đối mạnh mẽ đối với ông Assad, chính sách thay thế nhà lãnh đạo Syria do Mỹ dẫn đầu đã thất bại, tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của IS và sự mở rộng ảnh hưởng của Iran.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng sự mất kết nối về Syria giữa Washington và các đối tác quan trọng - bao gồm Saudi Arabia, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - cũng làm nổi bật động lực thay đổi trong quan hệ Mỹ - Trung Đông, khi các nhà lãnh đạo Ả Rập cáo buộc Washington bỏ mặc khu vực để tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.

Bất đồng về chiến thuật và trình tự

Ông Aaron David Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định rằng quan điểm về việc Mỹ lơ là với Trung Đông đã bị thổi phồng bởi Lầu Năm Góc vẫn duy trì các căn cứ lớn ở Bahrain và Qatar, cùng những nơi khác.

Thế nhưng, sự tập trung ngày càng mạnh của Mỹ vào “cạnh tranh quyền lực nước lớn”, bên cạnh những biến động chính trị ở Washington và tăng cường quyền tự chủ đối với nhiên liệu hóa thạch, đã thúc đẩy nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông tự phòng ngừa rủi ro.

“Các tín hiệu mà chúng ta đã gửi đi theo nhiều cách buộc các nước nhỏ hơn - những nước phụ thuộc vào chúng ta, trông đợi vào chúng ta để có sự hỗ trợ và đòn bẩy - phải điều chỉnh lại”, ông Miller nói.

Câu chuyện Trung Đông đang phản ánh những thách thức mà Tổng thống Biden phải đối mặt trong vấn đề tương tự ở khu vực khác.

Mỹ lơ là với Trung Đông

Các quan chức Mỹ đồng tình với kết luận của nhiều quốc gia Ả Rập rằng nỗ lực biến đổi Syria, bắt đầu dưới thời chính quyền Barack Obama, tác động rất nhỏ. Mỹ, cùng với một số quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia và Qatar, đã ủng hộ các sáng kiến ngay từ đầu cuộc chiến nhằm huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân nổi dậy tìm cách lật đổ ông Assad.

Tuy nhiên, chiến lược đó đã mất đà khi các nhóm cực đoan lớn hơn, mạnh hơn giành được chỗ đứng trong cuộc chiến ở Syria và sự trợ giúp của đồng minh đã mang lại bước ngoặt lớn cho ông Assad.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Assad, khẳng định rằng ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ mở ra một giai đoạn hành động mới của các quốc gia Ả Rập “vì sự đoàn kết giữa chúng ta, vì hòa bình trong khu vực của chúng ta, vì sự phát triển và thịnh vượng thay vì chiến tranh và sự hủy diệt”.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập, một sáng kiến ​​do Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dẫn đầu, không tạo nên sự bình thường hóa trên toàn khu vực với chính quyền Assad mà là sự tiếp nối của xu hướng bắt đầu vào năm 2018, khi Bahrain và UAE nối lại quan hệ quan hệ ngoại giao với Syria. Ngay trong tháng này, Saudi Arabia đã đồng ý mở lại đại sứ quán nước này ở Damascus.

Giới chức Mỹ cũng không xem trọng những ý kiến cho rằng sự xuất hiện của ông Assad giữa các nhà lãnh đạo đồng cấp trong Liên đoàn Ả Rập, vốn có quyền lực thực tế hạn chế, đại diện cho một khoảnh khắc biến đổi đối với Trung Đông. Họ bác bỏ ý kiến cho rằng việc các lãnh đạo Trung Đông nối lại quan hệ với Syria, bất chấp sự phản đối của Mỹ, chứng tỏ vai trò giảm sút của Mỹ trong khu vực.

Bashar al-​Assad anh 7

Giới chức Mỹ không xem trọng những ý kiến cho rằng sự xuất hiện của ông Assad giữa các nhà lãnh đạo đồng cấp trong Liên đoàn Ả Rập đại diện cho một khoảnh khắc biến đổi đối với Trung Đông. Ảnh: Reuters.

Một quan chức cấp cao thứ hai nhấn mạnh: “Điều này không có ý nghĩa gì đối với sự gia tăng hay giảm sút ảnh hưởng của Mỹ. Điều đó chỉ mang ý nghĩa là các quốc gia khác nhau, bao gồm các đối tác của chúng tôi, đã đánh giá tình hình và quyết định tiếp cận hướng khác để giải quyết các vấn đề. Điều đó xảy ra trong mọi chính quyền, trên toàn cầu, về nhiều vấn đề khác nhau”.

Các quan chức cho hay họ không trông đợi các quốc gia Ả Rập nối bước biện pháp trừng phạt của Mỹ, vốn được đưa ra để cấm các khoản đầu tư lớn.

Một số nước Ả Rập không mấy ủng hộ việc thắt chặt quan hệ hơn với Syria. Qatar, quốc gia có cuộc đối đầu riêng với các quốc gia vùng Vịnh khác trong những năm gần đây, nói rằng họ không đồng tình với việc Syria tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập nhưng sẽ không “cản trở" động thái được các cường quốc khu vực hậu thuẫn.

Các quan chức Mỹ cho biết họ đã làm việc với các nước Ả Rập để đưa ra một danh sách yêu cầu đối với ông Assad, nhưng vẫn hoài nghi về khả năng nhà lãnh đạo Syria sẽ đáp ứng yêu cầu đó. Ngoài việc kiểm soát ảnh hưởng của Iran và ngăn chặn việc xuất khẩu captagon của Syria - một chất kích thích bất hợp pháp - các nước láng giềng hy vọng sẽ thu xếp việc hồi hương một số trong hàng triệu người tị nạn Syria tá túc quá lâu gây căng thẳng cho nền kinh tế nước sở tại.

Theo BBC, Liên Hợp Quốc không ủng hộ việc thúc đẩy hồi hương người tị nạn Syria. Giới chức Liên Hợp Quốc khẳng định rằng người tị nạn Syria không thể trở về cho tới khi tất cả đã an toàn, và điều đó là cả một chặng đường dài và khó khăn.

Cam kết của chính quyền Biden về một chính sách nghiêm khắc đối với Syria đã được củng cố trong tháng 5 khi một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, đã đưa ra dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt và cấm chính phủ Mỹ công nhận chính quyền Assad.

Ông William F. Wechsler, cựu quan chức Lầu Năm Góc, người đứng đầu các chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng mặc dù chính quyền Biden đã thông báo không tán thành các bước khôi phục mối quan hệ với ông Assad, tới các đối tác Trung Đông, nhưng rõ ràng là Syria không còn là một ưu tiên của Mỹ.

Các quốc gia Ả Rập “đang đánh giá chính xác quan điểm của Mỹ về bình thường hóa (quan hệ với Syria), đó là Mỹ không muốn có ‘dấu vân tay’ của mình trên đó, không muốn ủng hộ điều đó, nhưng Mỹ sẽ không làm bất cứ điều gì để ngăn cản”, ông bày tỏ.

Các quan chức Mỹ nói rằng việc Trung Đông nối lại quan hệ với ông Assad sẽ ít ảnh hưởng đến sứ mệnh chống nổi dậy đang diễn ra của Mỹ ở đông bắc Syria, nơi hàng trăm binh sĩ Mỹ vẫn đóng quân để ngăn chặn sự trỗi dậy của IS. Họ đánh giá quân đội của ông Assad không có khả năng áp sát vào những khu vực do lực lượng người Kurd ở Syria kiểm soát.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Ông Assad được chào đón nồng nhiệt ở Jeddah

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã được chào đón nồng nhiệt khi tham dự hội nghị của Liên đoàn Arab ngày 19/5, gồm một cái ôm từ Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Tổng thống Assad lần đầu thăm UAE sau 11 năm

Tổng thống Syria Bashar al Assad đến thăm UAE hôm 18/3. Đây là lần đầu ông thăm một nước Arab kể từ khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011.

Trần Hoàng - Phương Linh

Bạn có thể quan tâm