Phân cảnh trong bộ phim Courtesy. Ảnh: 20TH Century Fox. |
Tôi có cô bạn làm ở phòng marketing của một công ty giải trí nọ. Mỗi lần gặp lại nhau, cô ấy lại trút hết uất ức ở cơ quan lên câu chuyện của cả nhóm. Một người đồng nghiệp khác trong nhóm cô ấy không bao giờ chịu giao tiếp với đồng nghiệp, lúc nào cũng báo cáo cấp trên một mình rồi lẳng lặng làm việc. Không những thế, trong các cuộc họp nội bộ, người này thường phê bình những thành viên khác cùng nhóm. Người đó cho rằng cô bạn tôi không chịu tập trung làm việc, không chịu lắng nghe nên bỏ sót thông tin rồi lại đổ tại không ai báo cáo gì.
Thấy bất đồng như vậy, nhiều lần cấp trên cũng khuyên nhủ bạn tôi làm sao để dĩ hòa vi quý nhưng bằng cách nào đó, cô ấy vẫn không thể chịu được con người kỳ quặc kia. Ẩn ức, chẳng biết nói với ai, cô đành dốc bầu tâm sự với đám bạn chúng tôi. Tôi nghĩ đi làm ở đâu chẳng có người này người nọ.
Một hôm, tôi lục tìm đống sách của chị gái để xem có gì hay ho không, tôi bỗng thấy một cuốn có tựa đề Lãnh đạo không dùng quyền lực của Keith Ferrazzi. Thú thực, tôi đã ngừng đọc sách self-help gần 10 năm, nay bỗng nhìn lại chẳng thấy hứng thú lắm. Thế rồi ma xui quỷ khiến kiểu gì tôi vẫn đọc bằng hết cuốn sách chỉ trong 3 ngày. Nếu nói nó thay đổi toàn bộ thế giới quan của tôi nghe chừng hơi giả dối. Nhưng kỳ thực, cuốn sách cho tôi thấy mình còn quá non nớt trong việc xử lý các mối quan hệ với đồng nghiệp.
Cuốn sách Lãnh đạo không dùng quyền lực của Keith Ferrazzi. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ. |
Có rất nhiều đoạn trích tôi lưu lại trong sách. "Để hiện thực hóa sứ mạng trao quyền cho tất cả mọi cá nhân và tổ chức trên hành tinh này làm được nhiều thứ hơn, chúng tôi muốn tất cả nhân viên đón nhận tư duy phát triển và hợp tác theo những cách mới mẻ và sáng tạo". "Khi bạn chịu trách nhiệm phát triển mối quan hệ cộng hưởng chặt chẽ với các thành viên trong đội, bạn sẽ nhận thấy mình có thể vượt qua những rào cản trước đó tưởng chừng không thể nào vượt qua".
Cuốn sách nói về quyền lực mềm, tổ chức, lãnh đạo và xử lý các mối quan hệ trong công việc. Tác giả đưa ra những lời khuyên thiết thực và thậm chí ông còn công thức hóa chúng. Chẳng hạn, thước đo trạng thái mối quan hệ của Ferrazzi gồm: phẫn uất, chống đối, đồng tồn tại, cộng tác và cộng hưởng.
Cuốn sách này tôi đọc trong một tâm thế của người biết rồi, đọc xong mới thấy, mình chẳng biết gì cả. Tôi bắt đầu suy nghĩ về việc phải điều chỉnh cách ăn nói của bản thân, đưa ra lời nhận xét vừa tự nhiên và đúng trọng tâm. Tôi nghĩ lại về việc phê bình người khác trước tập thể. Đó thực sự là một hành động kém văn minh. Nếu cấp trên phê bình mình như vậy thì sao? Tôi hẳn phải xấu hổ lắm. Tôi không nên làm vậy với người khác.
Đấy là điều tôi biết được thông qua cuốn Lãnh đạo không dùng quyền lực. Tôi đã nài nỉ cô bạn tôi đọc cuốn sách này. Tôi nghĩ rằng nó có thể giúp cô ấy tìm ra cách đối thoại thẳng thắn được với người đồng nghiệp mà cô ấy gọi là "quái thai" kia. Gần một tháng sau, cô ấy có bảo với tôi rằng, có lẽ bản thân chưa đủ tự tin để xử lý và kiểm soát công việc. Người đồng nghiệp kia giống như một biến số và cô có thể lựa chọn "giải" nó hoặc không. Bạn tôi nghĩ cuốn sách phần nào giúp cô ấy bình tĩnh lại và nhìn nhận vấn đề các mối quan hệ trên bình diện mới.
Tôi không khẳng định cuốn sách sẽ thay đổi các mối quan hệ xung quanh bất kỳ ai. Tất cả đều được quyết định bởi mỗi cá nhân. Nhưng nếu khi nào bạn cảm thấy bế tắc trong đối thoại với đồng nghiệp, hãy thử cuốn Lãnh đạo không dùng quyền lực.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.