Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ vật Nguyễn làm từ vật liệu chỉ hoàng gia được khai thác, sử dụng

Thời Nguyễn, triều đình sử dụng ngà voi để chế tác đồ ngự dụng, nhưng với việc coi trọng bảo tồn động vật này, họ chỉ lấy ngà của voi đã chết vì tuổi già hoặc chết ở chiến trường.

Co vat trieu Nguyen anh 1

Sách Vàng son một thuở. Ảnh: Tri Thức Trẻ Books.

Trong tập sách Vàng son một thuở, với mong muốn lan tỏa những thông điệp từ quá khứ qua những sản phẩm do tiền nhân trao truyền lại, nhóm tác giả Huỳnh Thanh - Huỳnh Anh Khang - Nguyễn Võ Trụ đã giới thiệu hàng trăm cổ vật triều Nguyễn được chế tác tinh xảo, đạt đến trình độ thượng thừa mà họ đã may mắn tiếp cận được.

Vật liệu còn quý hơn vàng

Được xem là thời kỳ hưng thịnh, phát triển nhất, nền mỹ thuật triều Nguyễn không chỉ vì kế thừa những tinh hoa của các triều đại trước mà còn ở thành tựu nó đã đạt được.

Những cổ vật triều Nguyễn giới thiệu trong tập sách Vàng son một thuở không chỉ thêm một lần nữa khẳng định điều này, mà nó còn giúp chúng ta hình dung về triều Nguyễn và cuộc sống vương triều xưa; một thủa vàng son nay đã trở thành ký ức.

Đặc biệt những cổ vật này còn giúp chúng ta tìm hiểu quá trình tạo tác (chất liệu - vật liệu, kỹ thuật chế tác), cũng như những câu chuyện riêng nằm trong mỗi cổ vật.

Qua hệ thống cổ vật giới thiệu trong cuốn sách, được nhóm thành các bộ sưu tập như: Đồ ngà, những món bạc chạm khắc, những món đồ sơn son thếp vàng, đồ cẩn ốc, đồ sứ, pháp lam Huế, đồ gỗ chạm, chế phong, tam khí… có thể thấy chất liệu chế tác các cổ vật là khá đa dạng. Đáng chú ý trong số này là đồ ngà - các cổ vật được chế tác từ ngà voi châu Á.

Dưới thời quân chủ Việt Nam, ngà voi được xem là một loại vật liệu còn quý hơn vàng. Cổ nhân đã xếp loại ngọc, ngà rồi mới đến châu báu… để chỉ ra giá trị và chỗ đứng của loại vật liệu này.

Theo các tác giả sách, những ngà voi có sắc hồng (phớt hồng) là loại ngà khiến cho thiên hạ phải thán phục và trầm trồ khi nhìn thấy. Và điều đặc biệt là chỉ có giống voi châu Á đủ độ tuổi mới cho ra được loại ngà mang đặc trưng như thế. Ngoài ra sau một thời gian sử dụng, ngà sẽ ửng một một màu ten phấn (ten - khái niệm chỉ tình trạng của bề mặt đồ vật đã trải qua thời gian dài sử dụng) và còn xuất hiện thêm ánh hồng xà cừ hiếm thấy. Còn ngà voi châu Phi dù có đủ tuổi thì cũng chỉ có màu trắng vàng và rất mềm, xốp, khiến cho việc chế tác khó khăn.

Những năm thế kỷ XVIII, người Pháp đã qua nước ta để tìm hiểu việc chế tác ngà. Họ nhận ra rằng chỉ có thợ An Nam lành nghề và chuyên nghiệp mới biết được đoạn ngà nào quý nhất lẫn có màu phớt hồng. Và tất nhiên cho đến mãi về sau, những người Pháp nọ vẫn không thể biết được bí quyết của việc xác định này.

Co vat trieu Nguyen anh 2

Ấn rồng của vua Tự Đức (1847-1883) được tạo tác từ ngà voi châu Á. Nguồn: Nhà sưu tập Huỳnh Thanh.

Chỉ được khai thác ngà của những con voi đã qua đời

Cũng theo các tác giả sách trong quá khứ, voi được duyệt vào hàng binh chủng của Hoàng gia, nên có thể được sánh ngang với xe tăng thiết giáp thời hiện đại. Chính vì thế mà vào thời nhà Nguyễn, triều đình đã ra những chỉ dụ chỉ được khai thác ngà của những con voi đã qua đời vì tuổi già hoặc bỏ mạng nơi chiến trường. Và chỉ riêng Hoàng gia nhà Nguyễn mới được khai thác sử dụng, nếu có bất kỳ một lương dân nào dám vượt quyền thì chắc chắn phải chịu trừng trị đích đáng.

Sự độc tôn trong việc khai thác và sử dụng ngà vào thời kỳ phong kiến đã giúp nâng cao ý thức cũng như việc bảo tồn loại động vật này.

Dưới triều Nguyễn, ngà voi được triều đình sử dụng để tạo tác những vật ngự dụng như ấn ngà, các vật phẩm trong văn phòng bảo của Hoàng đế và những chiếc thẻ, bài ngà dành cho quan lại (mỗi cấp bậc khác nhau dùng các loại ngà khác nhau).

Tiêu biểu là ấn rồng của vua Tự Đức (giới thiệu trong chương Ấn chương của cuốn sách). Ấn có chiều cao 6,5 cm, dài 5,6 cm, rộng 5,6 cm, nặng 150 g. Ấn chạm hình rồng ngồi cuộn mình đầu đối thẳng hơi ngước lên, chân choãi, toát ra được vẻ oai nghiêm, uy dũng.

Phần đầu được chạm nổi trên đỉnh đầu chữ Vương, cộng thêm chạm li ti tinh xảo của cặp sừng, đôi mắt giương to, miệng há nhẹ và đôi râu mềm mại vắt từ mũi chạm hàm dưới. Thân mình với các lớp vảy xếp đều tăm tắp bằng lối chạm nổi đặc trưng, vây lưng cũng mềm mại chạy đều từ đầu đến chóp đuôi theo đúng chiều tương tự lớp vảy…

Minh văn đề trên mặt phải và trái ấn: “ Tự Đức nhị thập lục niên” - “Nhật lục nguyệt cát nhật tạo” (Làm vào ngày tốt tháng 6 năm Tự Đức thứ hai mươi sáu).

Nội dung mặt ấn Ấn là 7 chữ trích trong Kinh thư “Duyệt mệnh”, đại ý rằng “Soi vào phép tắc mà đã thành nếp (khuôn phép) mãi mãi không lầm lỗi”. Đây là lời răn dạy quý báu về quan niệm sống của Tự Đức - vị vua văn hay, giỏi chữ.

Ngoài ra, ấn còn đi kèm với đế gỗ trắc chạm mây bồng, được sơn son thếp vàng.

Co vat trieu Nguyen anh 3

Đèn ngủ ngà chạm đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh ấn rồng của vua Tự Đức, cũng cần nhắc tới ấn Ngự tiền chi bảo (theo các tác giả ấn này là ấn ngự thời Đồng Khánh, thay thế cho Kim Bảo Ngự tiền chi bảo đúc thời Gia Long, do Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi mang đi vào năm 1885). Ấn có chiều cao 6,8 cm, chiều dài 7,6 cm, chiều rộng 6,9 cm, cân nặng 350 g. Ấn có tạo hình kỳ lân dáng thong dong, một chân co lên và ba chân chạm bệ hình bầu dục. Mặt linh vật này được điểm nhãn bằng hổ phách có màu nâu đỏ. Trên đỉnh đầu chạm chữ Vương.

Ấn Ngự tiền chi bảo dùng để đóng trên các văn bản hành chính của triều đình, ngoài ra ấn còn được đem theo khi tổ chức lễ tế Đàn Nam Giao hay tiết Thanh Minh.

Ngoài ấn của Hoàng đế, sách cũng giới thiệu ấn ngà Binh bộ Thượng thư quan phòng, ấn ngà Tuyên Quang đề đốc quan phòng, ấn ngà Thuận An phòng luyện quan phòng, Tư ấn giải trãi…

Bên cạnh đó sách cũng giới thiệu một số chiếc thẻ, bài ngà dành cho quan lại, có thể kể đến như bài ngài của Đông Các Đại học sĩ, Hà Đông Tổng đốc, Hiệp tá Đại học sĩ, Lễ Bộ Thượng thư chính sự, Nội vụ phủ Thị Lang…

Theo các tác giả sách, thẻ bài bằng ngà là một vật quan trọng bậc nhất, vừa là một tấm thẻ thông hành ra vào nơi cung cấm, vừa là thứ trang sức quý giá mà các quan viên, đại thần triều Nguyễn cần phải có. Việc đeo thẻ bài bắt đầu dưới triều Gia Long. Thông thường với các chức quan càng cao thì độ dày và diện tích bề mặt thẻ bài sẽ càng lớn, nhưng kích thước cũng được điều chỉnh theo từng thời kỳ.

Ngoài ra, sách cũng giới thiệu một số đồ ngà được chạm tinh xảo, công phu như đèn ngủ ngà chạm đầu thế kỷ XX, khay trà ngà chạm hoa sen, ống bút ngà hồng chạm mai điểu thế kỷ XIX…

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Giải mã bộ tranh quý về triều Nguyễn sau hơn thế kỷ lưu lạc

Những bức vẽ trong bộ tranh này được xem là nguồn tư liệu mới cho lịch sử trang phục Việt Nam, giai đoạn nghệ thuật tạo hình ở Huế cuối triều Nguyễn.

Sách vàng cổ nhất của triều Nguyễn

Trong 94 kim sách triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi có niên đại sớm nhất.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm