Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách xác định tầm nhìn cho một doanh nghiệp

Trái với suy nghĩ của nhiều người, bạn không thể có được những mục tiêu, chiến lược và các giá trị của doanh nghiệp từ một tầm nhìn.

Ola Kaellenius, chủ tịch của Daimler AG tham dự buổi giới thiệu Mercedes-Benz S-Class. Ảnh: Ralph Orlowski/Reuters.

Chẳng sớm thì muộn, bất cứ ai làm việc cho các tổ chức lớn cũng sẽ phải tham dự những hội thảo liên quan đến “tầm nhìn”, “sứ mệnh” hay các “Tuyên ngôn ý định”. Tuy nhiên, các khái niệm này đều sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng, nhường chỗ cho những khó khăn khó lường.

Theo chúng tôi, một tầm nhìn được cho là phù hợp với doanh nghiệp là tầm nhìn vừa thể hiện được mục tiêu tham vọng, vừa phải thực tế để có thể truyền cảm hứng cho những nhân viên và các cổ đông, cả ở hiện tại và tương lai. Nói đến đây, có lẽ bạn sẽ thấy tầm nhìn “tạo ra sự khác biệt trong vũ trụ” của Steve Jobs nghe không được thực tế cho lắm, nhưng quan trọng là nó đáng nhớ và phần lớn mọi người đều hiểu ông đang muốn nói đến điều gì.

Một doanh nghiệp loay hoay tìm ra tầm nhìn khi đang rơi vào khủng hoảng nghe có vẻ giống trường hợp thuyền trưởng hô hào các thủy thủ hãy ra boong tàu ngay giữa cơn bão cấp mười hai chỉ để ngợi ca vẻ đẹp của nơi mà họ có thể chẳng bao giờ đặt chân đến được.

Vậy nhưng những sự điên rồ như vậy chẳng hề hiếm gặp. Tại sao? “Có được tầm nhìn thích hợp thì mọi việc sẽ tự đi đúng hướng” có thể là kết luận sai lầm, ngay cả đối với những doanh nghiệp thành công có tầm nhìn truyền cảm hứng về tương lai và giá trị của họ. Tầm nhìn không chỉ đơn giản là kết quả của một buổi họp hay là những ý kiến được chắp vá một cách vội vã. Knut Bleicher, một nhà kinh tế học đồng thời là hiệu trưởng của Học viện Kinh doanh Gallen ở Thụy Sĩ cho rằng: “Những tầm nhìn không thể được tạo ra trên bảng trắng - chúng cần phải được phát triển một cách tự nhiên như một phần của quá trình không có hồi kết”.

Phải chăng ngay từ đầu Bezos đã xác định ông sẽ trở thành một lãnh đạo với phương châm tập trung vào khách hàng như những gì ông đã làm tại Amazon? Hay khi vừa bỏ học ở Harvard, Bill Gates đã mơ ước về việc đưa máy tính cá nhân đến bàn làm việc của mọi người.

Phải chăng những tầm nhìn này chỉ hình thành sau khi họ đã đạt được những thành công đầu tiên? Có bao nhiêu chiến thuật tiếp thị, xây dựng hình ảnh, bao nhiêu sự kết nối, liên tưởng ẩn sau bộ óc của những huyền thoại này? Chúng ta chẳng thể nào biết chắc mà chỉ có thể phỏng đoán.

Điều mà chúng ta biết là tầm nhìn chỉ có thể truyền cảm hứng và khích lệ người khác nếu chúng phù hợp và gợi lên được trong họ những phản ứng cảm xúc tích cực. Chúng cần phải được áp dụng ở mọi cấp bậc của công ty. Chúng cần phải trực quan, nhất quán và phản ánh đúng chuỗi DNA của công ty; bằng không, chúng sẽ chỉ dấy lên hoài nghi và giễu cợt.

Một tầm nhìn lý tưởng cần truyền đạt được bản chất cốt lõi của doanh nghiệp bằng cách gói gọn nó trong một mục tiêu tham vọng lâu dài và gợi nhiều cảm xúc. Nhân viên sẽ chỉ đặt niềm tin vào một tầm nhìn vừa mang lại nguồn cảm hứng cho những thói quen thường nhật của họ, vừa cộng hưởng với những hoạt động và kinh nghiệm của họ. Thậm chí đến cả tầm nhìn về “trật tự thế giới mới” của người Inca cũng chẳng thể dựa trên những chỉ dẫn thánh thần mà cần phải làm bật lên những thành công của họ để người Inca có thể giành được sự tín nhiệm từ các bộ tộc lân cận.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, bạn không thể có được những mục tiêu, chiến lược và các giá trị của doanh nghiệp từ một tầm nhìn. Thay vào đó, mọi thứ giống như một vòng xoáy mà ở đó các chuẩn mực, giá trị, quy tắc, thông lệ, mục tiêu kinh doanh cụ kể và một tầm nhìn toàn diện đan cài vào nhau, hỗ trợ cho nhau.

Với câu khẩu hiệu “Điều tốt nhất hoặc không có gì”, Mercedes-Benz đã kết hợp giá trị giữa chất lượng với niềm tự hào trong lĩnh vực kinh doanh của hãng. Thậm chí đến tận ngày nay, những nhân viên của Daimler ở khu vực Tây Nam nước Đức vẫn tự hào nói rằng họ là một phần của “gia tộc Daimler”. Việc Mercedes-Benz có thể duy trì được tầm nhìn của những người sáng lập công ty và lồng ghép nó vào những chiến dịch quảng cáo đã cho thấy họ có một mục tiêu dài hạn, bền vững, giúp người lao động có thể dễ dàng gắn kết với doanh nghiệp.

Dòng chữ “Điều tốt nhất hoặc không có gì” được khắc trên lối vào khu vườn của Herr Daimler, ngày nay bạn có thể được chiêm ngưỡng nó ở Bảo tàng Gottlieb Daimler tại Stuttgart. Những tầm nhìn như vậy, một khi đã gắn liền với công ty như chuỗi DNA, sẽ góp phần nâng cao tinh thần, tạo ra ý thức về mục đích và giúp mọi người vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Andreas Krebs và Paul Williams/NXB Dân trí & Tân Việt Books.

SÁCH HAY