“Trái tim của chúng tôi hướng về những người Afghanistan dũng cảm, những người đang gặp nguy hiểm”, Tổng thống Biden nói vào cuối ngày 14/8, khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan, theo Washington Post.
Tuy nhiên, tổng thống sau đó vẫn kiên quyết với kế hoạch rút hết quân Mỹ về nước, kết thúc xung đột kéo dài 20 năm đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người Mỹ.
Ông Biden nói: “Sự hiện diện của quân đội Mỹ thêm một hay năm năm nữa cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt nếu quân đội Afghanistan không thể nắm giữ đất nước của mình. Sự hiện diện bất tận của người Mỹ giữa cuộc nội chiến của một quốc gia khác là không thể chấp nhận được đối với tôi”.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 16/8, ông Biden thừa nhận chậm trễ về việc sơ tán thường dân Afghanistan là đồng minh của Mỹ, nhưng vẫn bảo vệ quyết định rút quân.
"Sau 20 năm, tôi đã học được rằng không bao giờ có một thời điểm thích hợp để rút quân Mỹ về. Đó là lý do chúng tôi phải ở đó. Chúng tôi hiểu rõ các mối nguy", tổng thống nói.
Cũng trong bài phát biểu này, tổng thống Mỹ cũng cho biết quân đội nước này sẽ ở lại trong thời gian cần thiết để thực hiện việc sơ tán, để ngỏ khả năng có thể kéo dài hơn thời hạn rút quân cuối cùng là 31/8 như tuyên bố trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với phó tổng thống, đội an ninh, và các quan chức cấp cao để cập nhật thông tin về tình hình ở Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
Trong một bài viết đăng ngày 16/8, báo Washington Post đã nhận xét những bước đi của Tổng thống Biden trong cuộc chiến tại Afghanistan một mặt dường như thể hiện con người biết “đồng cảm”, mặt khác lại cho thấy sự “lạnh lùng” của nhà lãnh đạo 78 tuổi.
“Đó là một đánh giá cứng rắn từ vị tổng thống vốn nổi tiếng với sự thấu cảm luôn hiện lên trong đôi mắt ướt”, Washington Post viết về phát biểu ngày 14/8 của ông Biden.
Cứng rắn trước quan điểm trái chiều
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael Waltz, một sĩ quan dự bị của quân đội Mỹ từng có nhiều chuyến công tác tại Afghanistan, cho rằng việc ông Biden không muốn tiếp tục hỗ trợ Afghanistan, bao gồm việc không bảo vệ các thông dịch viên và người từng giúp đỡ binh sĩ Mỹ, cho thấy một nét khác của tổng thống.
Ông Waltz tin rằng hành động này của tổng thống sẽ khiến Mỹ khó có thêm đồng minh nếu tham gia vào một cuộc chiến nào khác.
"Ai sẽ tin tưởng chúng tôi một lần nữa? Ai sẽ đủ tin tưởng vào chúng tôi để mạo hiểm tính mạng của họ và gia đình để sát cánh cùng Mỹ. Điều này sẽ để lại điều tiếng trong nhiều năm”, ông nói.
Ông Biden đã theo dõi cuộc khủng hoảng ở Afghanistan vào ngày 15/8 thông qua một cuộc họp trực tuyến với các cố vấn an ninh quốc gia của mình từ Trại David ở Maryland, nơi ông và gia đình đang nghỉ dưỡng. Các quan chức Nhà Trắng đã thông báo tóm tắt về cuộc họp giữa các nhà lập pháp lưỡng đảng vào cùng ngày.
Các thủ lĩnh của Taliban đặt súng và vây quanh bàn làm vệc của tổng thống ở Kabul. Ảnh: AP. |
Đường lối của Nhà Trắng về Afghanistan dường như khá vững chắc và cứng rắn. Các quan chức Mỹ cho biết sẽ không có giải pháp quân sự nào ở Afghanistan và ông Biden sẽ không cho phép có thêm người Mỹ nào chết vì cuộc xung đột ở đó.
Quan điểm đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các cuộc thăm dò dư luận, và nó mang âm hưởng của tư tưởng “America First” (tạm dịch: Nước Mỹ là trên hết) của cựu Tổng thống Donald Trump.
Các quan chức Mỹ nói rằng ông Trump đã khởi xướng việc rút quân khỏi Afghanistan với cùng một lý do với ông Biden là không muốn có thêm lính Mỹ phải bỏ mạng ở chiến trường.
Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 15/8 cho biết ông Biden đã từ chối gia hạn việc rút quân khỏi Afghanistan, khi mà cuộc chiến ở đó là một sứ mệnh vô ích và thiếu sự ủng hộ của công chúng Mỹ, theo Washington Post.
“Cuộc chiến ở Afghanistan không mang lại lợi ích cho quốc gia”, ông nói trên chương trình “State of the Union” của CNN.
Khi Taliban kiểm soát Kabul, Mỹ đã phải điều trực thăng đến để sơ tán nhân viên của đại sứ quán - một kịch bản mà trước đây ông Biden từng nói sẽ không bao giờ xảy ra - và cờ Mỹ ở Kabul đã được hạ xuống. Lầu Năm Góc đã phải 3 lần điều thêm binh sĩ đến để hỗ trợ việc sơ tán, nâng tổng số lính Mỹ cho nhiệm vụ này lên 6.000 người.
Trực thăng Chinook đến tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul, Afghanistan, để sơ tán nhân viên của đại sứ quán. Ảnh: AP. |
Taliban tuyên bố sự trở lại của liên minh Hồi giáo, đánh dấu sự tái kiểm soát của nhóm này ở Afghanistan sau 20 năm kể từ vụ tấn công ngày 11/9 ở Mỹ.
Không ít người Afghanistan đã đổ xô đến sân bay để rời khỏi đất nước. Quyền đại sứ Mỹ tại đây cũng đã lên đường.
“Thấu cảm” hay “lạnh lùng”?
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng đã nhanh chóng rời khỏi quốc gia ngay trong ngày 15/8, khi Kabul thất thủ. Trong chuyến thăm vào tháng 6 tới Nhà Trắng, ông đã cảm ơn nồng nhiệt Tổng thống Biden vì sự hy sinh của người Mỹ ở Afghanistan.
“Người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của mình”, ông Biden khi đó nói, đồng thời cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính và các sự trợ giúp khác.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hết mức để hỗ trợ những công cụ cần thiết”, ông nói.
Ban đầu, ông Biden ủng hộ cuộc chiến ở Afghanistan nhưng đã đổi ý khi nó đi vào bế tắc với Taliban. Ông phản đối việc mở rộng chiến tranh khi còn là phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama, và từ đó luôn quyết tâm chấm dứt cuộc chiến.
“Tôi muốn hỏi những người muốn chúng tôi ở lại: Bao nhiêu người nữa, các anh sẵn sàng mạo hiểm bao nhiêu nghìn đứa con nữa của nước Mỹ? Các anh sẽ bắt họ ở lại trong bao lâu? Nhiều thành viên trong quân đội từng chứng kiến cha mẹ họ phải đến Afghanistan để chiến đấu từ 20 năm trước. Các anh định đưa con cháu họ đi nữa à? Hay các anh sẽ đưa con cái của mình đi?”, ông Biden phát biểu vào tháng trước.
Con trai cả của Tổng thống Biden, Beau Biden, là thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Quân đội Delaware, đã được triển khai tới Iraq năm 2008.
Tổng thống thường đề cập đến nỗi lo của mình về sự an toàn của Beau, và nỗi đau về cái chết vì bệnh ung thư của con trai vào năm 2015 ở tuổi 46, khi nói về ảnh hưởng của cuộc chiến ở Afghanistan.
Một nhóm tay súng Taliban tại thành phố Herat, Afghanistan, ngày 14/8. Ảnh: Reuters. |
Ông phát biểu vào năm 2008: "Tôi không muốn con đi. Tôi không muốn chờ 15 năm để các cháu của mình trở lại. Vì vậy, cách chúng ta rời đi sẽ tạo nên sự khác biệt”.
Tổng thống Biden thường xuyên bày tỏ tình cảm với những người đã mất người thân trong các thảm kịch, và dường như đặc biệt xúc động trước thảm họa từ chiến tranh hiện đại, cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, năm ngoái, với tư cách là ứng cử viên tổng thống, khi ông Biden được hỏi liệu Mỹ có trách nhiệm đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan nếu Taliban kiểm soát đất nước hay không, ông trả lời: “Không. Tôi không có trách nhiệm”.
“Việc sử dụng các lực lượng vũ trang của mình để giải quyết mọi vấn đề tồn tại trên thế giới không nằm trong khả năng của chúng ta. Điều cần làm rõ là lợi ích sống còn của Mỹ có đang bị đe dọa không, hay lợi ích của một trong các đồng minh của chúng ta bị đe dọa”, ông nói rõ.