Trong bối cảnh Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, những người Afghanistan mắc kẹt tại thủ đô lo lắng về tương lai phía trước, đặc biệt là giới phóng viên và những người từng cộng tác với phương Tây.
"Cả thành phố chìm trong sợ hãi và hoảng loạn. Lệnh giới nghiêm đã được ban bố. Đường phố Kabul giờ vắng lặng và yên ắng. Rất nhiều phóng viên đang liên lạc với tôi. Tôi rất lo ngại cho tính mạng của họ. Đây có lẽ là đêm tồi tệ nhất cuộc đời tôi, hàng nghìn người khác có lẽ cũng cảm thấy như vậy", một nhà báo giấu tên viết trên Politico.
Những gì xảy ra trong một tháng qua đi ngược lại dự đoán của nhiều người ở thủ đô Kabul. Dù Mỹ rút quân là một thực tế, không nhiều người hình dung chính quyền Afghanistan sẽ sụp đổ mà không có bất cứ trợ giúp nào về quân sự từ Washington.
Một tay súng thuộc lực lượng Taliban. Ảnh: AFP. |
Một số người Afghanistan cho biết họ đã đặt niềm tin vào các giá trị Mỹ và liều mạng hoạt động thúc đẩy các giá trị phương Tây. Giờ đây, quá khứ hoạt động xã hội biến họ trở thành mục tiêu săn đuổi của Taliban.
"Nếu tôi biết trước cam kết của người Mỹ chỉ là tạm thời, tôi sẽ không liều mạng mình như thế. Tôi đã có thể rời khỏi Kabul", một phóng viên cho biết.
Nhiều người tin rằng khi chính quyền Afghanistan sụp đổ, số người từng cộng tác với Mỹ và phương Tây bị trả thù có thể lên đến hàng nghìn. Việc Mỹ rời khỏi Afghanistan, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, giống như đặt người dân nước này trước bầy sói.
"Tôi không quan tâm việc này do chính quyền Trump hay chính quyền Biden gây ra. Tôi đã tin vào nước Mỹ. Nhưng hóa ra đó là một sai lầm lớn", nhà báo giấu tên cho biết.
Lúc này, các phóng viên Afghanistan vẫn có thể phát sóng, nhưng không còn nhiều như thông thường. Nhiều hãng truyền thông đã dóng cửa. Người dân đã trở về nhà và không ra ngoài.
"Giờ đây tôi đặt số phận mình vào tay đấng toàn năng, bởi tôi không còn có thể tin bất cứ ai được nữa", nhà báo giấu tên nói.