Trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tăng cao do mọi người hạn chế ra đường, chuyển sang học tập và làm việc tại nhà.
Nhiều người mua thực phẩm để dự trữ trong tủ lạnh suốt 10-15 ngày, còn máy lạnh được sử dụng nhiều hơn cho nhu cầu làm mát không khí. Nếu không sử dụng đúng cách, tủ lạnh và máy lạnh có thể tiêu thụ nhiều điện hoặc bị hỏng, gây khó khăn cho người dùng do việc giãn cách xã hội khiến sửa chữa, bảo hành gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với Zing, TS Đỗ Hữu Hoàng, Trưởng khoa Công nghệ Cơ khí, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chia sẻ một số cách sử dụng tủ lạnh, máy lạnh hiệu quả, giảm nguy cơ hỏng hóc.
Tủ lạnh là một trong những thiết bị điện quan trọng của gia đình. Ảnh: CNET. |
Nguyên nhân khiến tủ lạnh tiêu tốn nhiều điện
Theo TS Hoàng, các loại tủ lạnh hiện nay thường chia làm 2 loại: tủ lạnh có dàn ngưng đối lưu tự nhiên (không quạt), được sử dụng phổ biến trong gia đình, còn tủ lạnh có dàn ngưng đối lưu cưỡng bức (có quạt) xuất hiện trên một số ít tủ lạnh gia đình và thương nghiệp (dùng cho mục đích thương mại trong siêu thị, nhà hàng...).
Có nhiều cách khác nhau để sử dụng tủ lạnh hiệu quả, tiết kiệm điện. Ảnh: SELF. |
Với tủ lạnh không quạt, một số nguyên nhân có thể khiến tủ tốn nhiều điện như đóng mở cửa tủ quá nhiều, cho thức ăn dạng lỏng vào tủ với nhiệt độ cao, đổ nước đầy khay làm đá, điều chỉnh nhiệt độ chưa phù hợp hoặc quá thấp, không xả đá/tuyết bám trong tủ.
Theo TS Hoàng, người dùng cần hạn chế số lần đóng mở cửa tủ lạnh, làm nguội thực phẩm trước khi đặt vào tủ, chỉ đổ nước đến khoảng 85-90% dung tích khay đá, chỉnh nhiệt độ tủ cho phù hợp với lượng thực phẩm bên trong và xả đá/tuyết định kỳ bằng tay. Những lớp tuyết bên trong tủ sẽ ngăn cản quá trình trao đổi nhiệt khiến hiệu quả làm lạnh kém, thời gian vận hành tủ tăng lên và tiêu hao điện nhiều hơn.
Còn có một số nguyên nhân khiến tủ lạnh tốn nhiều điện như vị trí lắp đặt chưa phù hợp, dùng chung ổ cắm điện với những thiết bị khác, không sử dụng ổn áp riêng cho tủ lạnh... Theo Mental Floss, người dùng không nên đặt tủ lạnh gần lò nướng hoặc máy rửa chén bởi nhiệt từ những thiết bị trên có thể khiến tủ hoạt động nhiều hơn để duy trì nhiệt độ.
Với loại tủ lạnh có quạt, khi sử dụng cần lưu ý dùng các ngăn trong tủ cần đúng chức năng, bố trí thực phẩm hợp lý, không cho thực phẩm còn nóng vào tủ, bọc kín thực phẩm “chết”, lắp đặt tủ tại nơi thoáng khí, không dùng chung ổ cắm với những thiết bị điện khác.
Để tủ lạnh luôn sạch sẽ, trang tin công nghệ CNET cũng đưa ra một số lời khuyên như sử dụng rổ, hộp để đựng thức ăn, đặt giấy lót dưới rau củ để hút ẩm. Một số thực phẩm không cần bảo quản trong tủ lạnh mà vẫn có thể giữ độ tươi trong thời gian trên một tuần như khoai tây, hành tây, trái bơ, bánh mì, mật ong, táo, các loại thực phẩm khô...
Cách bảo quản thực phẩm không để bốc mùi
Theo TS Hoàng, thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh có thể chia thành 2 nhóm: thực phẩm "chết" và thực phẩm "sống".
Thực phẩm “chết” là các loại gia súc, gia cầm và thủy hải sản, không cần hô hấp trong quá trình bảo quản. Để tránh bốc mùi và bảo quản được lâu hơn, người dùng cần đặt những thực phẩm này trong hộp kín, để vào ngăn đông của tủ lạnh (nhiệt độ thấp hơn -20 độ C).
Trong khi đó, thực phẩm “sống” là thực phẩm hô hấp lúc bảo quản như rau, củ, quả. Để tránh hiện tượng cháy lạnh (thực phẩm bị khô, hơi ẩm thoát ra ngưng tụ thành tinh thể băng), người dùng cần bảo quản chúng trong ngăn lạnh thông thường (nhiệt độ bảo quản cao hơn thực phẩm “chết”) và bọc bằng túi nylon.
Nếu muốn bảo quản thực phẩm nóng như canh hoặc súp, người dùng cần làm nguội trước khi cho vào tủ lạnh. Một số loại tủ lạnh có ngăn đông mềm dành cho thực phẩm “chết”, mục đích để bảo quản trong 1-2 ngày. Do đó, người dùng cần lưu ý bởi bảo quản thực phẩm trong ngăn đông mềm quá lâu có thể dẫn đến hư hỏng, gây bốc mùi.
Một số nguyên nhân có thể khiến máy lạnh hỏng như máy nén làm việc quá tải, nhiệt độ quá thấp hoặc cúp điện đột ngột. Ảnh: ACSIS. |
Cách phòng tránh hỏng tủ lạnh, máy lạnh
Theo TS Hoàng, một số nguyên nhân có thể khiến tủ lạnh bị hỏng như làm việc quá tải do chứa nhiều thực phẩm, nhiệt độ quá thấp (với loại tủ không quạt), cúp điện đột ngột, sử dụng chung ổ điện và vị trí đặt tủ chưa phù hợp. Người dùng có thể điều chỉnh những chi tiết trên để giảm khả năng hỏng tủ lạnh, có thể gây khó khăn cho việc bảo quản lương thực mùa dịch.
Có một số lỗi cơ bản của tủ lạnh mà người dùng có thể tự kiểm tra. Nếu thiết bị không hoạt động, cần kiểm tra nguồn điện và dây dẫn có bị đứt hay không. Nếu hoạt động nhưng kém lạnh, người dùng cần kiểm tra cách bố trí thực phẩm bên trong, xem lại cài đặt nhiệt độ, kiểm tra lớp tuyết bám bên trong với tủ lạnh không quạt, kiểm tra quạt trên loại tủ có dùng quạt.
Đối với máy lạnh, một số nguyên nhân có thể khiến thiết bị hỏng như máy nén làm việc quá tải, cài đặt nhiệt độ thấp dẫn đến máy lạnh hoạt động liên tục và cúp điện đột ngột. Nếu máy lạnh hoạt động nhưng kém lạnh, người dùng cần kiểm tra, vệ sinh lưới lọc không khí trên dàn lạnh, xem không gian phòng đặt máy lạnh đã kín hay chưa. Những nhà có nhiều cửa kính nên thả rèm trong lúc bật máy lạnh để đảm bảo hiệu quả hoạt động.