Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách sử dụng bình chữa cháy xách tay

Bình chữa cháy xách tay là phương tiện chữa cháy ban đầu sử dụng để dập tắt các đám cháy mới phát sinh rất hiệu quả.

Có nhiều loại bình chữa cháy khác nhau như: Bình bột chữa cháy, bình khí chữa cháy (CO2, N2…), bình bọt chữa cháy. Tuy nhiên, chúng ta thực tế thường sử dụng loại bình bột chữa cháy (Hình 18a) và bình khí CO2 (Hình 18b) để chữa cháy.

binh chua chay anh 1

Hình 18. Bình chữa cháy xách tay bột và khí.

Thao tác sử dụng các loại phương tiện này khá giống nhau, thông thường quy trình sử dụng các bình chữa cháy xách tay được tiến hành theo các bước cơ bản sau (Hình 19):

Bước 1: Khi phát hiện có đám cháy, nhanh chóng di chuyển đến vị trí đặt bình chữa cháy, lấy bình và chạy đến khu vực đang có đám cháy; nếu là bình dạng bột thì trong quá trình di chuyển đến đám cháy nên lắc, đảo bình vài lần cho bột tơi ra trước khi phun vào đám cháy (nếu là bình khí CO2 thì không cần lắc, đảo bình).

Bước 2: Di chuyển đến đám cháy, khi cách từ 3 mét đến 4 mét thì dừng lại, đặt bình xuống đất (hoặc sàn) rồi rút chốt hãm có kẹp chì ra khỏi van bóp. Sau đó một tay cầm van bóp, một tay cầm loa phun di chuyển đến gần đám cháy ở khoảng cách từ 1,5 m đến 2 m. Chọn vị trí đứng đầu hướng gió hoặc vị trí ít bị ngọn lửa tạt nhất, gần lối ra vào (để có thể rút lui khi cần thiết).

Bước 3: Hướng vòi phun vào đám cháy và tiến hành bóp van để đưa chất chữa cháy vào vùng cháy. Quá trình bóp van phải giữ liên tục và đưa loa phun di chuyển qua lại để chất chữa cháy bao trùm lên đám cháy. Khi ngọn lửa cháy yếu dần thì di chuyển lại gần hơn và tiếp tục phun đến khi đám cháy tắt hẳn mới dừng.

binh chua chay anh 2

Hình 19. Tổng hợp quy trình sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay.

Một số lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy xách tay

- Cần chọn vị trí và khoảng cách phun cho phù hợp với từng loại bình chữa cháy khác nhau. Đối với bình khí CO2 thì càng đứng gần càng tốt để lượng khí chữa cháy đi vào vùng cháy nhiều nhất; đối với bình bột thì cần đứng ở khoảng cách phù hợp (khoảng 2 m) sao cho dòng bột chữa cháy phun ra bao trùm lên toàn bộ vùng cháy.

- Khi bóp van để phun chất chữa cháy vào đám cháy phải dứt khoát và liên tục, không được ngừng phun khi đám cháy chưa tắt.

- Khi sử dụng các bình khí chữa cháy, chỉ được cầm vào phần nhựa hoặc cao su trên vòi và loa phun, không cầm vào phần kim loại trên vòi phun đề phòng bị bỏng lạnh trong quá trình chữa cháy.

- Nếu đám cháy xảy ra trong phòng kín, trước khi phun chất chữa cháy, phải yêu cầu mọi người ra khỏi phòng, để tránh hít phải bột hoặc khí chữa cháy. Đồng thời, người đứng phun phải chọn vị trí phù hợp sao cho lưng quay ra cửa để sẵn sàng thoát ra nơi an toàn khi cần thiết.

- Nếu đám cháy ngoài trời, người chữa cháy phải đứng đầu hướng gió để tránh ngọn lửa tạt và tránh hít phải bột hoặc khí chữa cháy.

- Trong trường hợp dập các đám cháy chất lỏng (xăng, dầu, hóa chất lỏng...), phải phun chất chữa cháy bao phủ lên bề mặt đám cháy, không được phun sục xuống mặt chất lỏng, vì sẽ làm chất lỏng bắn tung ra ngoài gây cháy lan ra khu vực xung quanh.

Nguyễn Minh Khương/Thaihabooks/NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY