Từ giữa tháng 12/2022 tới khoảng tháng 2-3 là thời điểm dâu tây vào mùa chính vụ. Theo đó, trên thị trường Hà Nội, dâu tây xuất xứ Mộc Châu, Sơn La được rao bán rầm rộ từ kênh chợ truyền thống đến chợ mạng.
Đáng chú ý, năm nay giá bán mặt hàng ở mức rẻ, chỉ dao động 60.000-100.000 đồng/kg, tức chỉ 30.000-50.000 đồng/hộp khiến không ít người tiêu dùng lo ngại dâu tây giá rẻ là hàng Trung Quốc trà trộn.
Thực tế, theo tìm hiểu của Zing, song song với dâu tây Sơn La, trên thị trường vẫn có sự xuất hiện của dâu tây xuất xứ từ Trung Quốc với mức giá tương đương. Đa số những đầu mối dâu này đều ở Lào Cai.
Dâu tây Trung Quốc giá rẻ
Anh Hiếu, chuyên kinh doanh sỉ hoa quả từ Lào Cai cho biết đang bán sỉ dâu tây cho nhiều dân buôn theo thùng 9-10 kg và chậu 8,5 kg với mức giá rẻ. "Đa số người mua đều lấy loại chậu có giá lẻ 450.000 đồng/chậu, tương đương hơn 50.000 đồng/kg, nếu mua sỉ từ 5 chậu giá sẽ rẻ hơn", anh nói.
Chủ cửa hàng này cho biết đây là loại dâu tây Trung Quốc, có vị ngọt hơn dâu tây Đà Lạt. "Một ngày, tôi nhập cả mấy xe về đều bán hết sạch", anh khẳng định.
Tương tự, một người chuyên bán dâu tây từ Lào Cai cũng báo giá dâu tây Trung Quốc ở mức 350.000-400.000 đồng/chậu 8,5 kg và 450.000 đồng/thùng 10 kg. "Dâu tây loại này để được lâu, hàng đi xa thoải mái không sợ hỏng", người này nói và cho biết vừa nhập về 120 chậu dâu tây Trung Quốc.
Xe hàng, bao bì, hộp đựng của các sản phẩm dâu tây của đầu mối ở Lào Cai đều in chữ Trung Quốc. Ảnh: T.T. |
Theo quan sát, bao bì, hộp đựng của các sản phẩm này đều in chữ Trung Quốc, thường được nhập về trong chậu nhỏ hoặc thùng xốp. Thực tế, theo ghi nhận của Zing, tại Hà Nội, một số xe bán hàng rong trên đường đã bán loại dâu tây này với giá lên tới 250.000 đồng/kg.
Một số người bán cho biết lợi dụng thời điểm dâu tây Trung Quốc giá rẻ trộn hoặc gắn mác thương hiệu dâu Mộc Châu, Sơn La để bán kiếm lời.
Theo nhiều tiểu thương kinh doanh dâu tây lâu năm, cách phân biệt dâu tây chủ yếu qua hình dáng, kích thước. Thông thường dâu tây Mộc Châu quả to, nhỏ không đều, người bán thường phân thành nhiều loại theo kích thước để bán theo hộp.
Về kích thước quả, dâu tây Mộc Châu quả tròn mọng, vừa phải, trong khi đó dâu tây Trung Quốc quả to, đều và dài hơn. Đặc biệt, dâu tây Trung Quốc có cuống dài, lá thường héo. Ngoài ra về mùi vị, dâu tây Mộc Châu có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt và chua thanh nhẹ còn dâu tây Trung Quốc ăn nhạt, không có vị tươi, xốp.
Đáng chú ý, dâu tây Sơn La không bảo quản được lâu, nhanh hỏng, nếu để 2 ngày sẽ bị thâm, lá héo và cuống thâm lại. Trái ngược với dâu Trung Quốc để 7-10 ngày vẫn còn tươi.
Sản lượng dâu tây Sơn La tăng tới 20 tấn/ha
Ngày 17/3, chia sẻ với Zing, Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết theo báo cáo tại, huyện Mai Sơn, hiện đã cuối vụ nên dâu loại 1 hầu như không có; loại 2 đang bán tại vườn giá 70.000-80.000 đồng/kg; dâu tây bi loại to giá 40.000-50.000 đồng/kg, dâu tây bi loại nhỏ giá 25.000-30.000 đồng/kg.
Tại huyện Mộc Châu, các vườn bắt đầu chín rộ, giá bán dâu loại 1 dao động 90.000-120.000 đồng/kg, dâu loại 2 dao động 80.000-90.000 đồng/kg, dâu tây bi khoảng 35.000-60.000 đồng/kg.
"Theo thông tin của một số chủ vườn, hiện có nhiều hộ gia đình tự phát trồng, mở rộng diện tích dâu tây dẫn tới sản lượng dâu tây tăng cao, một số vườn đã mang dâu tây xuống tiêu thụ tại chợ Long Biên, Hà Nội (mức giá 30.000-100.000 đồng/kg giao tại chợ); có các tiểu thương bao vườn thu mua với mức giá rẻ hơn", Trưởng phòng quản lý thương mại nói.
Mặt khác, có tình trạng thiếu hộp nhựa do nhà máy bị hỏng thiết bị, sản lượng hộp đáp ứng khoảng 40%; sản lượng tăng 12-13 tấn/ha tới 20 tấn/ha.
"Tuy nhiên, chủ vườn cho biết là hiện đã hoàn vốn nên các thông tin về giá rẻ, dâu Trung Quốc (mặc dù không có) ảnh hưởng tới doanh thu không lớn, chủ yếu là ảnh hưởng tại Mộc Châu do đang vào mùa chín rộ", lãnh đạo Sở Công Thương chia sẻ với Zing.
Dâu tây Trung Quốc (trái) sẽ có phần quả cứng và dài hơn còn dâu tây Sơn La (phải) có quả mọng, tròn nhỏ hơn. Ảnh: Q.T. |
Chia sẻ với Zing, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Sơn La, cũng cho biết diện tích trồng dâu tây tăng liên tục qua các năm. Hiện loại cây này được trồng chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Mộc Châu và Yên Châu với diện tích hơn 300 ha.
Hiện, dâu tây nằm trong danh mục sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm của huyện, thành phố.
Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có trên 230 ha dâu tây, trồng tập trung ở 4 xã Cò Nòi, Nà Bó, Hát Lót, Chiềng Sung. Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, những năm gần đây, nhiều nhà vườn, HTX đã chuyển hướng canh tác dâu tây hữu cơ.
Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn tập trung rà soát, xây dựng vùng dâu tây ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh việc áp dụng các giống mới, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu tây theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm. Triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dâu tây hữu cơ Mai Sơn gắn với mã số vùng trồng, tem mác và các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.