Pep cho phép các cầu thủ ở nhà cho tới vài giờ trước trận đấu trên sân nhà hay chỉ di chuyển trong ngày diễn ra trận đấu nếu phải đá sân khách, qua đó giúp họ tránh được quãng thời gian vô vị trong khách sạn và sự ngắt quãng đột ngột của mạch sống gia đình. Đó là quyết định được hoan nghênh khác của Pep.
Anh cho rằng chẳng việc gì phải nghĩ về bóng đá mọi lúc mọi nơi, nên các cầu thủ, qua việc dùng bữa với gia đình trong buổi tối trước ngày diễn ra trận đấu, thậm chí có thể tạm quên đi việc hôm sau mình phải ra sân thi đấu. Guardiola cho rằng các cầu thủ chỉ cần chuyển sự tập trung của mình trở lại với bóng đá vài tiếng trước giờ bóng lăn là đủ.
Dần dần, báo chí cũng bị hạn chế. Những cuộc phỏng vấn cá nhân với các cầu thủ bị cắt giảm và thậm chí còn bị cấm hẳn trong một thời gian dài. Pep sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để bao bọc đội bóng. Không hẳn là cô lập họ, mà giữ cho an toàn và ấm áp trong mái nhà chung của mình. Anh muốn chăm sóc, nuôi dưỡng họ, nhưng không phải kiểm soát.
Anh từng một lần bị từ chối sự bảo vệ như thế - khi phải một mình chiến đấu để bảo vệ thanh danh trước những cáo buộc sử dụng doping - và nó đã để lại trong anh một vết sẹo lớn.
Pep Guardiola và Lionel Messi ăn mừng khi Barcelona giành chức vô địch Champions League 2009. Ảnh: Times. |
Anh biết là Deco và Ronaldinho đã sinh hoạt một cách rất bừa bãi, và sự bừa bãi ấy như một thứ dịch bệnh đe dọa lây lan ra toàn thể đội bóng. Ngay từ khoảnh khắc trở thành huấn luyện viên của đội một, Pep đã cố gắng tìm cách kiểm soát dinh dưỡng, thời gian biểu và sự chuẩn bị của các cầu thủ.
Hầu hết cầu thủ trong đội đều là những người mỏng manh về mặt thể chất, nên họ càng cần sự chăm sóc đặc biệt. Đúng hơn là mọi kiểu chăm sóc. Nếu cần thiết, anh có thể biến hình thành người khác, đổi vai trò từ huấn luyện viên sang bạn bè, anh trai, thậm chí cả mẹ của các cầu thủ.
Thực tế, cách Pep đầu tư tình cảm vào cầu thủ chính là yếu tố tách biệt anh với phần lớn các huấn luyện viên còn lại. José Mourinho hay Sir Alex Ferguson thường làm quen với họ hàng hay bạn gái của các cầu thủ để có thể hiểu về họ nhiều hơn.
Vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha thường mời những cầu thủ giàu ảnh hưởng nhất trong đội cùng gia đình của họ đi ăn trong những bữa tối nhiều rượu chỉ để xem con của anh ta bị ốm thế nào hay vợ anh ta có hài lòng với ngôi nhà mới hay không. Nhưng với Guardiola, ranh giới giữa quan hệ cá nhân và công việc còn bị làm mờ hơn nữa.
Pep biết rằng anh không thể đối xử với một cầu thủ mười tám hay mười chín tuổi như với một siêu sao. Với những cầu thủ trẻ, anh thường gọi họ vào văn phòng để nói chuyện trực tiếp bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết. Còn với các ngôi sao, anh chọn cách mời họ ra ngoài ăn tối. Thierry Henry là một trong những cầu thủ đầu tiên anh áp dụng biện pháp này.
“Henry không phải là một vấn đề”, Guardiola nhắc đi nhắc lại câu này trong các buổi họp báo, nhưng trong giai đoạn khởi đầu khó khăn của Guardiola, cầu thủ người Pháp là người bị chỉ trích nhiều nhất. Giá chuyển nhượng, lương, danh tiếng, và thái độ thiếu hợp tác với báo chí, khiến anh lãnh đủ.
Và ngay cả khi đội bóng đã chơi tốt hơn, phong độ của cựu ngôi sao Arsenal cũng không cải thiện là mấy. Có hai yếu tố khiến Henry chơi không tốt: Chấn thương lưng của anh và vị trí mới mà anh bị ép phải chơi.
Trong mùa hè, khi Eto’o đang bị rao bán sau khi Pep nói với anh ta, cũng như Deco và Ronaldinho, rằng anh không cần tiền đạo người Cameroon nữa, vị huấn luyện viên người Tây Ban Nha đã hứa với Henry, người dưới thời Rijkaard tỏ ra không thoải mái bên cánh trái, anh sẽ được trở lại với vị trí trung phong.
Nhưng cuối cùng Eto’o nhất quyết đòi ở lại, nên Thierry lại phải tiếp tục chơi như một tiền đạo cánh, một vị trí không còn phù hợp với anh do anh không còn tốc độ và sức bền như thời còn sung sức.
Khi phong độ và tinh thần Henry chạm đáy, Pep đã mời riêng anh đi ăn tối, cố gắng làm cho anh phấn chấn hơn, và khẳng định anh hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của cầu thủ người Pháp. Henry đánh giá cao hành động ấy của Pep. Trong trận đấu tiếp theo với Valencia, “Titi” đã chơi với một phong độ bùng nổ, lập hat-trick trong chiến thắng 4-0 của Barcelona.
Sau cùng, anh, Messi và Eto’o đã hợp thành mũi đinh ba hủy diệt, góp công lớn trong cú ăn ba lịch sử của Barcelona (Cúp Nhà Vua, La Liga và Champions League). Bộ ba ấy đã cùng nhau ghi 100 bàn - Messi 38 bàn, Eto’o 36 còn Henry, người đã ra sân tổng cộng 51 trận trong mùa giải đó, có 26 bàn. Khi Henry bước vào kỳ nghỉ hè 2009, anh biết rằng mình đã có một mùa giải ấn tượng.
Nhưng trong mùa hè tiếp theo, sau một mùa giải thất vọng, không thể trở lại vị trí dẫn dắt ở trung tâm hàng tiền đạo cũng như không thể tìm lại phong độ từng làm kinh hãi biết bao hàng thủ ở Premier League, Henry quyết định chia tay Barcelona để chuyển tới MLS, ở tuổi 32.