Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách nào phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả ở Việt Nam?

Nhiều chương trình nuôi cấy nhân tạo đông trùng hạ thảo được công bố ở Việt Nam, nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang về chất lượng cũng như cách phân biệt loại “thần dược” này.

Trên thị trường, giá 100 gram đông trùng hạ thảo tự nhiên lên đến hơn 100 triệu đồng, nên chỉ có giới đại gia mới đủ tiền tỷ săn lùng loại này. Hiện khách hàng bình dân thường mua đông trùng hạ thảo nuôi cấy từ phòng thí nghiệm dạng sinh khối hình sợi về dùng. Nhưng theo giới chuyên gia và cả người có kinh nghiệm buôn bán loại này, bằng mắt thường, khách hàng khó có thể phân biệt được thật, giả.

Anh Nguyễn Văn Nhu ở quận 12, TP HCM, chủ một đại lý phân phối thuốc đông y, cho biết, trên thị trường, đông trùng hạ thảo nuôi cấy chủ yếu được bán dưới dạng bột, viên có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Loại này có mức giá khoảng 600.000 đồng/200 gram, rẻ hơn nhiều so với đông trùng hạ thảo tự nhiên. Song về chất lượng thì người tiêu dùng rất mơ hồ, chỉ đặt niềm tin vào nguồn gốc hàng hóa từ những nước có công nghệ nuôi cấy nhân tạo phát triển. 

Sinh khối nhộng trùng thảo nuôi cấy từ phòng thí nghiệm được nhiều người tiêu dùng nhìn nhầm là đông trùng hạ thảo. Ảnh: NVCC.

Tại Việt Nam, gần đây công trình nghiên cứu nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo được công bố liên tục. Song việc các doanh nghiệp sản xuất được giống, chi nào của đông trùng hạ thảo thì chỉ có nhà khoa học mới biết. Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam, đông trùng hạ thảo thuộc chi nấm Cordyceps có đến 350 loài khác nhau. Đến nay các nhà khoa học chỉ nghiên cứu được 2 loài, là Cordyceps Sinensis (đông trùng hạ thảo) và Cordyceps Militaris (nhộng trùng thảo). Trên thế giới chưa có nước nào nuôi cấy thành công quả thể đông trùng hạ thảo (cấy nấm ký sinh trên côn trùng).

Cũng theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, người tiêu dùng thường lẫn lộn nhộng trùng thảo là dược liệu quý hiếm. Thực tế loại này cũng là dược liệu, nhưng có giá rất rẻ và công dụng không bằng đông trùng hạ thảo. Môi trường nuôi cấy nhộng trùng thảo rất rẻ, chỉ cần trộn gạo với nước theo tỷ lệ 1:1 rồi phân vào bình thí nghiệm, cấy giống trong môi trường vô trùng. Phòng nuôi có nhiệt độ 20-25 độ C, độ ẩm không khí 75-80%, sau 20 ngày, bào tử chuyển sang vàng da cam là có thể thu hoạch. 

"Cũng có doanh nghiệp thu mua nhộng trùng thảo khô ở Trung Quốc, nghiền bột đổi tên thương phẩm thành đông trùng hạ thảo, để tiện bán về Việt Nam", GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết.

TS Trương Bình Nguyên vừa công bố quy trình nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo chi Cordyceps Sinensis tại Việt Nam. Ảnh: Zen Nguyễn.

Tiến sĩ khoa học Trương Bình Nguyên, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Đại học Đà Lạt) cùng hai cộng sự là TS Đinh Minh Hiệp và PGS. TS Lê Huyền Ái Thúy vừa cho biết, đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy sinh khối hệ sợi, đồng thời khảo sát một số hoạt tính sinh học của các cao chiết từ sinh khối nấm đông trùng hạ thảo, chi Cordyceps Sinensis.

Trước đây chỉ có 4 nước đã nghiên cứu và sản xuất thành công chi nấm này, là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Để đánh giá chương trình nghiên cứu, hội đồng khoa học gồm 7 thành viên đã được thành lập bởi Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM. Sau khi căn cứ vào bảng phân tích AND và các thành phần lý hóa, hội đồng đã xác định sản phẩm thu được từ công trình nghiên cứu chính là sinh khối đông trùng hạ thảo được nuôi cấy từ nguồn gen Cordyceps Sinensis.

Ông Đinh Minh Hiệp, thành viên nghiên cứu công trình này, cho biết, bằng mắt thường người tiêu dùng cũng có thể phân biệt được 2 loại này. Sinh khối nhộng trùng thảo được nuôi cấy khá nhiều ở Việt Nam có màu vàng cam. Đông trùng hạ thảo lại có màu nâu vàng hoặc vàng kim. Ưu điểm của loại nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là giá thành chỉ bằng 1% so với đông trùng hạ thảo tự nhiên.

Đông trùng hạ thảo 1 tỷ bán vài chục triệu đồng ở Việt Nam

Giá trên các trang web bán hàng uy tín quốc tế là hơn 1 tỷ đồng/kg, nhưng tại một số cửa hàng ở Việt Nam, đông trùng hạ thảo chỉ được chào vài chục triệu đồng.

Zen Nguyễn

Bạn có thể quan tâm