Nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa công bố nghiên cứu mới cho thấy mật độ khí ô nhiễm NO2 ở một số vùng trong giai đoạn cách ly xã hội tăng so với với cùng kỳ 2019. Kết quả vừa được công bố tại tọa đàm "Ô nhiễm không khí và tác động của Covid-19" do Đại sứ quán Mỹ tổ chức chiều 7/5.
Trước đó, cuối tháng 4, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường, đã tiến hành phân tích chất lượng không khí trong 4 tháng đầu năm 2020 dựa vào hệ thống mạng lưới quan trắc ở Việt Nam với 6 trạm trên toàn quốc. Kết quả cho thấy nồng độ bụi mịn PM 2.5 và CO trung bình ngày có xu hướng giảm so với cùng kỳ từ 20/3 đến 10/4 - khi bắt đầu có lệnh giãn cách xã hội.
Ô nhiễm NO2 không giảm tại đồng bằng sông Cửu Long
Tại nghiên cứu vừa công bố, TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, nhà khoa học máy tính, chuyên gia viễn thám tại Đại học Quốc gia Việt Nam, chỉ ra diễn biến mật độ NO2 trong thời gian dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Biểu đồ NO2 toàn quốc và theo khu vực hành chính. Đồ họa nhóm nghiên cứu cung cấp. |
So sánh giai đoạn 4 tháng đầu năm của 2019 và 2020, nhóm nghiên cứu nhận thấy mật độ NO2 xu hướng giảm tại Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, con số này lại tăng 2% tại Tây Nguyên và 5% tại đồng bằng sông Cửu Long. TS Thanh nêu vấn đề tại sao ô nhiễm không khí lại không giảm ở hai vùng này và cho rằng đây là câu hỏi mở cho các nhà nghiên cứu.
Để làm rõ hơn vấn đề, nhóm nghiên cứu tiếp tục so sánh NO2 trước và sau thời gian cách ly xã hội với giả định rằng điều kiện khí hậu của tháng 3 và tháng 4 tương đồng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy NO2 giảm đáng kể trong thời gian cách ly xã hội.
Khảo sát riêng tại TP.HCM, mật độ NO2 giai đoạn 1-22/4 giảm 14,81% so với cùng kỳ năm 2019; và giảm 13,14% so với tháng 3/2020. Trong đó, càng xa trung tâm, mật độ NO2 càng giảm.
Biến động mật độ NO2 tại TP.HCM trong 3 giai đoạn (màu cam - NO2 cao; màu xanh - NO2 thấp). Đồ họa nhóm nghiên cứu cung cấp. |
Lý giải nguyên nhân chọn NO2 làm chất ô nhiễm chính để nghiên cứu, chuyên gia cho rằng đây là chất tác động lớn đến sức khỏe và có nguồn phát thải chính từ giao thông, các hoạt động công nghiệp. Chuyên gia lưu ý thêm dữ liệu vệ tinh từ đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Bắc khá hạn chế do khí hậu đặc trưng nhiều mây, mưa. Còn Nam Trung Bộ và Nam Bộ có điều kiện khí hậu lý tưởng để quan sát từ vệ tinh nên TP.HCM được chọn làm đối tượng thống kê riêng.
Vấn đề "con gà quả trứng" giữa ô nhiễm không khí và Covid-19
Ở khía cạnh sức khỏe, tiến sĩ dịch tễ học Nguyễn Thị Trang Nhung, Đại học Y tế Công cộng, đặt ra giả thuyết về việc ô nhiễm không khí làm giảm chức năng miễn dịch của hệ hô hấp, khiến con người dễ mắc Covid-19 và có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Bản đồ mật độ NO2 giai đoạn 1-22/4 năm 2020 (trước) và 2019 (sau). Đồ họa nhóm nghiên cứu cung cấp. |
"Có Covid-19 nên ô nhiễm không khí giảm (do cách ly xã hội) hay vì ô nhiễm không khí nên khả năng mắc Covid-19 sẽ cao hơn?", TS Nhung đặt câu hỏi và cho rằng đây là vấn đề "con gà có trước hay quả trứng có trước".
Dẫn lại nhiều nghiên cứu quốc tế, bà Nhung chỉ ra rằng tâm dịch của châu Á và châu Âu đều xuất phát từ những khu vực ô nhiễm cao như Vũ Hán (ô nhiễm NO2 cao) hay Lombardy (thủ phủ công nghiệp của Italy). Hoặc Iran và Ấn Độ, 2 nước chịu sự tàn phá nặng nề của Covid-19 cũng được điểm danh trong top 10 nước ô nhiễm không khí trên thế giới.
Cụ thể hơn, TS Nhung dẫn một nghiên cứu mới công bố phân tích số ca tử vong của Italy theo nơi ở cho thấy tỷ lệ tử vong 83% xảy ra ở vùng có nồng độ NO2 trên 100 µmol/m2. Con số này ở nơi có NO2 dưới 50 µmol/m2 chỉ là 1,5%. Một loạt các nghiên cứu mới công bố khác cũng chỉ ra mối quan hệ định tính giữa vùng có nồng độ ô nhiễm cao và số ca nhiễm được phát hiện tại Trung Quốc, Mỹ, Anh.
Vấn đề thứ 2 được bà Nhung đặt ra là sự phong tỏa trong dịch Covid-19 dẫn tới sự đi xuống của chất lượng không khí trong nhà và sự gia tăng của một số chất ô nhiễm. Chuyên gia dẫn ví dụ tại Sao Paulo (Brazil), khi các chất ô nhiễm như CO, NO, NO2 giảm từ 50-70% thì O3 lại tăng 30%.
Chuyên gia nhận định trong khi cách ly chống dịch, người dân sử dụng khẩu trang, túi ni lon dùng 1 lần... nhiều hơn, dẫn đến tăng lượng rác thải nhựa. Từ đó gây ra tình trạng một số chất ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, giao thông giảm nhưng xử lý rác thải lại tăng.
Các chuyên gia cho rằng đây là những nghiên cứu ban đầu để chỉ ra sự thay đổi của ô nhiễm không khí với từng chất và chưa thể đưa ra kết luận về việc cách ly xã hội khiến ô nhiễm không khí tăng hay giảm. Sự thay đổi nồng độ của từng chất ô nhiễm không khí trong và sau giai đoạn cách ly xã hội là những số liệu khoa học quan trọng để tính toán lộ trình hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam trong tương lai.