Ảnh: Mashed. |
Tuổi của nguyên liệu, cách bảo quản và chuẩn bị nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến lợi ích sức khỏe và giá trị dinh dưỡng của nước ép.
Nên mua khi nào?
Trái cây và rau củ được thu hoạch lúc chín hoặc gần chín sẽ có hương vị và dinh dưỡng cao nhất. Hầu hết các cửa hàng tạp hóa có cả các loại trái cây/rau củ được trồng gần hoặc tại địa phương, cũng như các loại được vận chuyển nội địa hay nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới.
Để tối đa hóa dinh dưỡng và hương vị cũng như giảm chi phí, hãy tận dụng các loại nông sản được trồng tại địa phương hoặc theo mùa. Nếu bạn có sẵn không gian, tự trồng rau xanh cho phép bạn thu hoạch và làm nước ép ngay lập tức.
Ngoài ra, hãy cân nhắc thời điểm bạn định làm nước ép để chuẩn bị trái cây và rau củ được tươi nhất. Rau cũ không tạo ra nước ép ngon! Lên kế hoạch cho các loại nước ép bạn định làm và mua vừa đủ nguyên liệu để tránh lãng phí.
Làm sạch như thế nào?
Điều quan trọng là phải rửa nguyên liệu đúng cách để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn cũng như giảm dư lượng thuốc trừ sâu. Rửa trái cây và rau củ dưới vòi nước chảy, chà bằng tay hoặc bàn chải rau củ sẽ loại bỏ 99% vi khuẩn và 80% dư lượng thuốc trừ sâu.
Nhiệt độ nước càng gắn với nhiệt độ của trái cây/rau củ càng tốt. Nếu muốn loại bỏ nhiều thuốc trừ sâu hơn, bạn có thể ngâm các loại nông sản cứng trong chậu đầy nước lạnh cùng 4 thìa canh baking soda (hoặc một bát lớn chứa nước pha 1 thià cafe baking soda) trong 5 đến 15 phút.
Sau khi rau củ đã được “tắm” kỹ, hãy rửa sạch chúng dưới vòi nước chảy đồng thời chà xát. Đối với rau ăn lá, thời gian ngâm ngắn hơn, từ 1 đến 2 phút, sau đó rửa sạch dưới vòi nước chảy là đủ. Có thể rửa nhanh các loại quả mọng bằng nước có pha baking soda, sau đó rửa lại dưới vòi nước chảy.
Cách chuẩn bị nguyên liệu
Trước khi ép, hãy cắt bỏ phần đuôi của các loại củ như cà rốt và củ dền vì những phần này có thể chứa vi khuẩn. Luôn loại bỏ phần vỏ có màu bên ngoài cùng của trái cam, bưởi và quýt. Chúng chứa tinh dầu dễ bay hơi rất khó tiêu hóa. Giữ lại phần vỏ trắng càng nhiều càng tốt vì phần này chứa các chất dinh dưỡng có giá trị.
Bạn có thể để lại vỏ của chanh vàng và chanh xanh, mặc dù một số người thấy vỏ chanh xanh rất đắng. Nạo vỏ củ dền có thể làm giảm mùi đất và làm cho nước ép ngon miệng hơn nhưng việc này là không bắt buộc. Loại bỏ tất cả lá úa/nhũn, các phần bị dập hoặc các chỗ bị hỏng trên trái cây và rau củ.
Làm gì với bã nghiền?
Bạn có thể tự hỏi nên làm gì với phần bã còn lại sau khi làm nước ép. Phần bã có thể được thêm vào bánh nướng và xúp hoặc sấy khô thành bánh quy giòn. Tôi sẽ cung cấp các mẹo tái sử dụng phần bã với một số công thức nước ép.
Nhưng nếu bạn không có thời gian hoặc không muốn sử dụng lại nó, vậy cũng không sao cả. Hầu hết dinh dưỡng đã được giải phóng khỏi chất xơ không hòa tan và có trong ly nước ép của bạn. Nếu có thể, bạn nên ủ chúng làm phân bón hoặc tìm một người hàng xóm hoặc trang trại có thể làm việc đó, hoặc sử dụng chúng cho một mục đích khác.
Cách bảo quản nước ép
Nước ép được làm bằng máy ép ly tâm nên được uống ngay, hoặc sớm nhất có thể sau khi ép. Máy ép ly tâm thổi không khí vào nước ép thành phẩm, đẩy nhanh quá trình oxy hóa và phân hủy các chất dinh dưỡng thực vật có lợi.
Nước ép được làm bằng máy ép chậm hoặc máy ép trục kép thường có thể được bảo quản an toàn trong 24 đến 48 giờ. Tùy thuộc vào loại máy ép và điều kiện làm nước ép, bạn có thể bảo quản sản phẩm lên đến 72 giờ. Liên hệ với nhà sản xuất để biết thêm các khuyến nghị.
Uống nước ép ngay khi mới làm xong là tốt nhất, nhưng nếu phải bảo quản nước ép, hãy làm theo các hướng dẫn sau: Oxy là kẻ thù. Tôi sử dụng các lọ, bình có nắp đậy, có vòng siết, đổ đầy tới miệng hoặc sử dụng máy hút chân không để loại bỏ không khí.
Bảo quản nước ép của bạn ở nơi lạnh nhất trong tủ lạnh. Bạn cũng có thể đặt các lọ nước ép đầy ắp của mình vào tủ động trong 10 đến 15 phút để đẩy nhanh quá trình làm lạnh trước khi chuyển chúng vào tủ lạnh. (Nhớ hẹn giờ để không bỏ quên chúng!). Thêm một ít chanh vàng hoặc chanh xanh vào hỗn hợp nước ép của bạn để giúp duy trì độ tươi của chúng.