Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách dạy con của vợ chồng tỷ phú Rockefeller

Giữa cám dỗ ở Manhattan, Mỹ, ngôi nhà của Rockefeller là một hòn đảo thanh bình với các buổi họp phản đối rượu.

Bị bủa vây bởi nỗi sợ hãi trước sự trụy lạc của thành phố lớn và quyết tâm tránh tiếp xúc với rượu, thuốc lá, cờ bạc và khiêu vũ, gia đình Rockefeller chỉ giao thiệp với những tâm hồn đồng điệu. Càng có nhiều tranh cãi xung quanh Standard Oil bao nhiêu, cuộc sống gia đình của họ càng đúng mực bấy nhiêu.

Tích cực phản đối sản xuất và buôn bán rượu

Nhà Rockefeller cũng tìm ra cách giải đáp câu đố mà John Adams từng đặt ra cho Thomas Jefferson vào năm 1819: “Anh có thể cho tôi biết làm cách nào để ngăn người giàu tiêu xài hoang phí không? Anh có thể cho tôi biết làm cách nào để ngăn sự xa xỉ dẫn tới yếu ớt, say sưa, lãng phí, trụy lạc và điên rồ không?”.

Lo ngại sự giàu có sẽ phá hủy giá trị của bản thân càng thúc đẩy John và Cettie tham gia tích cực vào hoạt động của nhà thờ và phong trào phản đối rượu.

Năm 1883, John đã tham gia ban cố vấn của Liên hiệp Phụ nữ Cơ Đốc phản đối rượu, vận động sửa đổi Hiến pháp của bang Ohio nhằm cấm sản xuất và buôn bán rượu.

Dù sáng kiến này thất bại, sau đó, ông đã trở thành nhà hảo tâm lớn của Hiệp hội phản đối quán rượu Ohio và ngày càng kiên định đấu tranh cho mục đích này.

Ông từng nói lớn: “Tôi sợ rằng nếu không có một cuộc cải cách phản đối rượu vĩ đại quét qua nước Mỹ, bản thân nền Cộng hòa này có thể gặp nguy hiểm”.

Trong số những hoạt động thiện nguyện khác của giai đoạn này, ông quyên góp một khoản tiền lớn cho nhà phục hưng Dwight L. Moody và kêu gọi Henry Flagler làm theo.

Rockefeller anh 1

Rockefeller và vợ là những người tích cực tham gia các hoạt động phản đối sản xuất và buôn bán rượu. Ảnh: Nydailynews.

Cách dạy con của John D. Rockefeller

Sau nhiều năm được dạy dỗ tại nhà, đám trẻ nhà Rockefeller bắt đầu mò mẫm bước ra khỏi tổ kén gia đình ngột ngạt. Rockefeller nói rằng ông giáo dục con cái tại gia bởi đã phải đi lại giữa Cleveland và New York trong nhiều năm, nhưng có lẽ cũng vì muốn tách chúng khỏi những mối tiếp xúc bị cấm đoán.

Bessie, Alta và Edith theo học trường nữ sinh Rye ở quận Westchester, được quản lý bởi bà Life, cựu quản lý của Susan La Monte, người từng dạy kèm Rockefeller thời niên thiếu ở Owego.

Dù là con của người đàn ông giàu có bậc nhất nước Mỹ, ba cô gái trẻ thừa kế dường như phiêu diêu trong trạng thái khao khát bất diệt.

Một người bạn thân của họ kể lại: Họ nhận được rất ít tiền tiêu vặt. Một lần khi đi mua sắm, Edith tâm sự với tôi rằng ước muốn sâu thẳm nhất của cậu ấy là có một vài bộ đồ lót lụa, nhưng “Mẹ không hiểu được điều đó”.

Alta thì khao khát sở hữu chiếc mũ cao để mặc với bộ quần áo cưỡi ngựa, và sau nhiều tháng năn nỉ, cuối cùng cậu ấy cũng có được chiếc mũ và chụp bức ảnh…

Sau đó, giấc mơ của cuộc đời cậu ấy là có một đôi bốt cưỡi ngựa. Edith cuồng si quần áo, thèm khát trang sức và những bộ đồ thời trang bất chấp nguyên tắc của cha mẹ.

Bằng cách tránh nhắc đến tiền bạc, vốn được coi là điều không thích hợp, Rockefeller giấu bọn trẻ về sự đồ sộ của khối tài sản mà ông sở hữu.

Khi Bessie đăng ký học trường Vassar vào giữa những năm 1880 - bà là con gái duy nhất của Rockefeller học đại học - bà cùng bạn bè đi mua quà Giáng sinh để tặng cho một giáo viên mà họ yêu quý. Trong một cửa hàng ở Manhattan, họ tìm được món quà thích hợp: Một chiếc bàn làm việc trị giá 100 USD.

Bởi Bessie và bạn bè chỉ có 75 USD nên họ đề nghị người bán chờ vài ngày để họ kiếm được 25 USD còn lại. Người bán hàng chỉ đồng ý nếu có một doanh nhân ở New York bảo đảm cho họ.

Bessie ngoan ngoãn nói: “Cha cháu đang kinh doanh. Ông ấy sẽ bảo đảm cho bọn cháu”.

Người bán hàng hỏi lại: “Cha cháu là ai?”.

Bessie trả lời: “John D. Rockefeller; ông ấy đang kinh doanh dầu mỏ”.

Người bán hàng giật mình: “John D. Rockefeller là cha cháu à!”.

Khi người bán hàng chấp nhận vận chuyển đồ đạc cho họ, Bessie vẫn tưởng ông ấy đã thay đổi suy nghĩ để làm hài lòng họ.

Đến thời điểm John, Jr. không cần gia sư riêng nữa, ông đã theo học trường Ngoại ngữ New York; tiếp đến là một ngôi trường do C. N. Douglass điều hành; sau đó là trường Cutler thời thượng, nơi có những học sinh như Albert Milbank, Cornelius N. Bliss và Cornelius Vanderbilt.

John, Jr. rảo bước trên vỉa hè đến trường mỗi sáng trong lúc nhìn thấy những người bạn cùng lớp nghèo hơn đi trên những chiếc xe ngựa tốt.

Dù xem nhẹ trí thông minh của mình, cậu bé sáng dạ và ngoan ngoãn này luôn đạt điểm cao và sắp xếp cuộc sống có mục đích, chỉ để chừa lại rất ít thời gian nhàn rỗi.

Khi không phải làm bài tập về nhà, cậu thường tập violin, và dành ra tám năm trời để học violin với Richard Arnold, nghệ sĩ violin đầu tiên của dàn nhạc Philharmonic. Dù không bao giờ bị đánh đòn hay chịu phạt, John, Jr. phải chịu đựng sự thuyết giáo không ngừng từ Cettie.

Trái lại, cha cậu lại thường hay vui đùa. Khi cố gắng làm vui lòng cha mẹ và những người lớn, John, Jr. cư xử rất nghiêm túc và cảm thấy bất an khi mắc lỗi.

Chương trình sách quốc gia sẽ được thực hiện trong 5 năm

Chương trình sách mang tầm quốc gia, bao quát tinh hoa của dân tộc và thế giới, hướng đến mọi tầng lớp bạn đọc, sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Sách về gia tộc tài chính hùng mạnh của Mỹ

“Gia tộc Morgan” của Ron Chernow không chỉ kể câu chuyện của gia tộc lẫy lừng, mà còn cho thấy lịch sử nền tài chính Mỹ.

Ron Chernow / Alpha Books và NXB Thế giới

SÁCH HAY