Tại buổi góp ý cho đề án Chương trình sách quốc gia tại TP.HCM vào sáng 19/3, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, cho biết bộ đang xây dựng đề án Chương trình sách quốc gia.
Nhiều người làm công tác xuất bản bày tỏ sự vui mừng khi Việt Nam có một chương trình sách mang tầm quốc gia, đúc kết được tinh hoa tri thức của thế giới và Việt Nam.
Ông Nguyễn Nguyên thông tin về đề án Chương trình sách quốc gia sắp được triển khai. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cần có Chương trình sách quốc gia
Ông Nguyễn Nguyên cho biết việc xây dựng đề án đã được Ban Bí thư giao nhiệm vụ tại Chỉ thị số 42-CT/TW và thông báo kết luận số 19-TB/TW.
Đề án này sẽ được xây dựng trên cơ sở tích hợp 4 đề án đã được xây dựng trước đây, Chính phủ đồng thuận về mặt chủ trương: Chương trình sách quốc gia; phát triển xuất bản phẩm điện tử; quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài; chương trình quốc gia xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị - xã hội và văn hóa.
Một thực tế không thể phủ nhận là việc xuất bản sách góp phần nâng cao dân trí, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, con người Việt Nam thời kỳ mới.
Dù trong lĩnh vực xuất bản đã có một số chương trình, dự án về sách được triển khai, các chương trình này chỉ tập trung một số đối tượng nhất định, còn một số nội dung và đối tượng chưa được đáp ứng.
Đến nay, nước ta chưa có chương trình tổng thể, đồng bộ ở tầm quốc gia về xuất bản sách chất lượng cao, sách cho đông đảo tầng lớp nhân dân và sách phục vụ thông tin đối ngoại.
Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới đã xây dựng các chương trình sách quốc gia, giúp họ giới thiệu, phổ biến đặc trưng, cốt lõi của quốc gia ra toàn thế giới. Đến lúc này, Việt Nam cần có chương trình sách mang tầm quốc gia, bao quát được nội dung và hướng đến mọi tầng lớp bạn đọc.
Dự kiến Chương trình sách quốc gia được thực hiện trong 5 năm (2022-2026), xuất bản 500 đầu sách. Sau khi tổng kết giai đoạn đầu, đơn vị thực hiện tiếp tục kiến nghị, triển khai theo từng giai đoạn từ 2027 đến 2031. Nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa.
Ông Dương Thành Truyền, quyền Giám đốc NXB Trẻ, góp ý cho đề án. Ảnh: Chí Hùng. |
Phải tập hợp được tinh hoa của Việt Nam và thế giới
TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cho biết bà mong những người làm đề án sách quốc gia bỏ lối tư duy và cách làm xưa cũ để tạo nên bước đột phá giúp nâng cao dân trí, với tinh thần khai sáng, tạo động lực bứt phá từ lãnh đạo, cán bộ viên chức đến giới trẻ để có hội nhập, thích nghi với nền kinh tế tri thức và công nghệ 4.0.
"Đề án mang tên chương trình sách quốc gia nên cần xác định tầm dự án quốc gia. Chương trình sách quốc gia sẽ không làm thay, không giẫm chân những công việc mang tính trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn, kinh doanh của gần 60 nhà xuất bản và hàng trăm công ty sách tư nhân đang làm", TS Nguyệt nêu quan điểm.
Theo bà Nguyệt, mục tiêu cần xác định rõ đây là chương trình sách mang tính khai sáng, nhằm giúp nhân dân tiếp cận tri thức tinh hoa của thế giới, tri thức của dân tộc Việt. Qua đó, chúng ta có thể rút ngắn được khoảng cách với bè bạn thế giới.
Mặt khác, thông qua đề án này, bạn bè thế giới hiểu đúng và sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam trong lịch sử, hiện tại và tương lai.
Chương trình sách quốc gia sẽ không làm thay, không giẫm chân những công việc mang tính trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn, kinh doanh của gần 60 nhà xuất bản và hàng trăm công ty sách tư nhân đang làm.
TS Quách Thu Nguyệt
Bà Nguyệt đề nghị những người làm đề án tuyển chọn sách và dịch chính xác, khoa học những tác phẩm kinh điển, cũng như hiện đại, mang tính khai sáng dưới nhiều thể loại như khảo cứu, kinh tế, lịch sử, chính trị, văn học nghệ thuật, khoa học chuyên ngành, ý tưởng sáng tạo, phát minh khoa học, nhân vật, câu chuyện truyền cảm hứng.
Bên cạnh đó, đề án phải tuyển chọn, giới thiệu, dịch thuật những tác phẩm đất nước, con người, lịch sử văn hóa của Việt Nam ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
Về hình thức, bà đề xuất sách thực hiện dưới nhiều phiên bản như sách giấy, điện tử, sách nói với thiết kế, trình bày thẩm mỹ, hiện đại, chỉn chu.
TS Nguyệt cũng lưu ý quá trình tổ chức thực hiện đề án sẽ rất khó khăn, cần đảm bảo sự công khai, công minh, tránh lợi ích nhóm trong tuyển chọn, đấu thầu in ấn thực hiện.
Ông Dương Thành Truyền, quyền Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng chương trình sách quốc gia không phải làm sách. Ông đồng tình với ý kiến của TS Quách Thu Nguyệt, rằng chương trình này sẽ không làm thay công việc của nhà xuất bản. Chương trình sách quốc gia chính là tạo ra nguồn lực, bệ phóng, nền tảng để sách thực sự góp phần vào sự phát triển đất nước.
Mục tiêu của chương trình sách quốc gia là tạo ra nền tảng khoa học, văn hóa để trở thành nguồn lực phát triển đất nước. Có 2 chiều là nhập khẩu (tập hợp tinh hoa thế giới để gửi đến người Việt) và xuất khẩu (tổng hợp tinh hoa của Việt Nam để giới thiệu với người Việt và cộng đồng quốc tế).
Để làm được điều đó, ông Truyền đề xuất 3 nhiệm vụ và 5 công việc cần làm.
Ba nhiệm vụ là tổng kết và tuyển chọn những gì đặc sắc, tinh hoa của Việt Nam và thế giới; tổ chức dịch thuật, trong đó lưu ý kho Hán Nôm chứa đựng tinh hoa mà cha ông để lại; lập danh mục sách cần thiết cho từng lĩnh vực, đối tượng thụ hưởng.
Năm công việc cần làm là: Tổ chức hội thảo khoa học để các nhà khoa học từ khắp nơi được đóng góp ý kiến; tổ chức dịch thuật kho Hán Nôm của dân tộc; xây dựng quỹ quốc gia để thực hiện đề án sách; tài trợ cho các dự án sách phù hợp chương trình sách quốc gia của các nhà xuất bản; thiết kế kênh truyền thông.
Với việc xây dựng quỹ, ông Truyền cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt sẵn sàng tài trợ cho chương trình sách quốc gia nếu chúng ta làm tốt và uy tín.
Nâng cao văn hóa đọc
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết đề án Chương trình sách quốc gia lẽ ra phải được triển khai từ 15 năm trước nhưng vướng khó khăn, đến nay mới có thể thực hiện. Đề án được triển khai sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc, khai minh, khai sáng dân trí.
"Việc vận hành quỹ tài chính khi thu hút nguồn vốn xã hội hóa là điều rất quan trọng. Để đề án được triển khai, chất lượng sách tốt hay không, quỹ xã hội hóa là vô cùng quan trọng. Ngân sách cấp cho các đề án một phần rất nhỏ, để triển khai được đề án này không hề dễ. Nếu đề án tổ chức được ban chỉ đạo, hội đồng thẩm định bản thảo uy tín, chất lượng, nhiều doanh nghiệp tâm huyết với đất nước, sẵn sàng hỗ trợ", bà Linh đánh giá.