Theo Guardian, các dấu hiệu hoá học và địa chất được phát hiện trong một lớp vỏ đại dương cổ đại đã khiến các nhà khoa học cho rằng Trái Đất từng có thời điểm không tồn tại các lục địa.
Nếu phát hiện này được xác nhận bởi các nghiên cứu khác trong tương lai, nó sẽ giúp các nhà khoa học điều chỉnh giả thuyết về việc sự sống đơn bào đã hình thành trên Trái Đất như thế nào, và xác định xem có thể có sự sống ở các hành tinh khác hay không.
"Trái Đất buổi sớm không có các lục địa có thể đã giống như một 'thế giới nước', và điều này là hạn chế quan trọng về mặt môi trường đối với nguồn gốc và sự tiến hoá của sự sống trên Trái Đất, cũng như sự tồn tại của sự sống ở những nơi khác", tác giả nghiên cứu viết trên tạp chí khoa học Nature Geosciene.
Tiến sĩ Boswell Wing từ Đại học Colorado, Boulder và cựu nghiên cứu sinh của ông là Benjamin Johnson, hiện làm việc ở Đại học Iowa, đã khởi động một dự án nghiên cứu nhằm làm rõ các tranh luận về bề mặt của Trái Đất cổ đại.
Nhà nghiên cứu Benjamin Johnson xem xét các mẫu đá tại khu khảo cổ địa chất Panorama ở Australia. Ảnh: CNN. |
Công việc của họ tập trung vào một khu vực địa chất được gọi là quận Panorama ở phía tây bắc Australia, một vùng hẻo lánh nơi một lớp vỏ địa chất 3,2 tỷ năm tuổi của bề mặt đại dương được đẩy lên bờ. Bên trong lớp vỏ này là những manh mối về nước biển bao phủ Trái Đất khi đó.
Các nhà khoa học tập trung vào những loại đồng vị oxy khác nhau mà nước biển đã mang vào lớp vỏ này. Cụ thể, họ phân tích số lượng tương đối của hai đồng vị oxy-16, và oxy-18 nặng hơn một chút, trong số hơn 100 mẫu thu thập được từ lớp vỏ địa chất 3,2 tỷ năm tuổi.
Kết quả cho thấy nước biển chứa nhiều oxy-18 hơn khi lớp vỏ địa chất này được hình thành cách đây 3,2 triệu năm, và lời giải thích hợp lý nhất là Trái Đất đã không có một lục địa lớn nào trong giai đoạn này, vì nếu có, lớp đất sét khi đó sẽ hấp thụ các đồng vị oxy nặng của đại dương.
"Khi không có những lục địa cao hơn các đại dương, giá trị oxy sẽ khác so với ngày nay, và đó chính xác là những gì chúng tôi đã phát hiện", ông Johnson cho biết.
Tuy nhiên phát hiện này không có nghĩa là cách đây 3,2 tỷ năm Trái Đất không có một chút đất liền nào. Các nhà khoa học cho rằng vào thời điểm đó, vẫn có một số lục địa siêu nhỏ nhô lên khỏi bề mặt đại dương, nhưng không có nhiều đất liền như 5 châu lục hiện tại.
Khi nào các lục địa đầu tiên hình thành trên Trái Đất vẫn là một bí ẩn. Khoảng nửa tỷ năm trước, Trái Đất tồn tại siêu lục địa Gondwana, tồn tại cho đến tận kỷ Jura cách đây 180 triệu năm.