Các nhà khoa học hôm 27/2 cho biết vụ nổ lóe lên từ một hố đen trong cụm thiên hà cách Trái Đất 390 triệu năm ánh sáng.
Vụ nổ lớn đến nỗi nó đã tạo ra khối cầu khí nóng có thể chứa 15 dải Ngân Hà, tác giả chính Simona Giacintucci thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington cho biết. Vụ nổ mạnh hơn 5 lần so với vụ nổ kỷ lục trước đó, theo AP.
Các nhà thiên văn học đã sử dụng Đài quan sát tia X Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cùng với Đài Thiên văn châu Âu và kính viễn vọng mặt đất để thực hiện khám phá này.
Họ tin rằng vụ nổ xảy ra ở trung tâm cụm Ophiuchus gồm hàng nghìn thiên hà. Hố đen khổng lồ ở trung tâm một thiên hà lớn. Hố đen không chỉ hút vật chất vào trong, mà nó còn phát ra luồng tia khí và năng lượng.
Hình ảnh do NASA cung cấp ngày 27/2 cho thấy hình ảnh cụm thiên hà Ophiuchus được kết hợp bởi tia X Chandra, sóng vô tuyến và hồng ngoại. Ảnh: NASA/NSF via AP. |
Thông tin đầu tiên về vụ nổ khổng lồ này đã xuất hiện vào năm 2016. Hình ảnh Chandra của cụm thiên hà Ophiuchus cho thấy một cạnh cong bất thường, nhưng các nhà khoa học đã loại trừ khả năng của một vụ nổ khối khí nóng lớn như vậy.
Hình ảnh từ hai đài thiên văn cùng với sóng vô tuyến từ kính viễn vọng ở Australia và Ấn Độ đã xác nhận rằng độ cong thực sự là một phần của hố đen.
“Sóng vô tuyến khớp với dữ liệu của Đài quan sát tia X Chandra như bàn tay trong găng tay”, đồng tác giả Maxim Markevitch của Trung tâm nghiên cứu Space Center Goddard NASA ở Maryland (Mỹ) cho biết. “Đây là dữ liệu quan trọng cho chúng ta biết một vụ nổ quy mô lớn chưa từng có xảy ra ở đây”.
Vụ nổ được tin là đã kết thúc. Vì hiện tại không có dấu hiệu nào của tia khí phun ra từ hố đen.
Nhóm nghiên cứu cho biết cần quan sát kỹ hơn các bước sóng khác để hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra.
Phát hiện mới được công bố trên Tạp chí Vật lý thiên văn Astrophysical Journal.