Theo CNN, những hình ảnh vệ tinh cho thấy đảo Đại bàng ở phía đông bắc châu Nam cực đã mất đi khoảng 20% lượng tuyết bao phủ sau một đợt nắng nóng kéo dài 9 ngày. Hầu hết phần đất của hòn đảo đã lộ ra sau khi tuyết tan chảy, và nhiều hồ nước được hình thành bởi lượng tuyết này.
Châu Nam cực ghi nhận ngày nóng nhất từng được ghi lại trong lịch sử, diễn ra vào đầu tháng này, khi nhiệt độ đạt mốc 18,3 độ C, tương đương với nhiệt độ ở Los Angeles cùng ngày hôm đó.
Chỉ trong vòng hơn một tuần, lớp tuyết dày trung bình 10 cm trên đảo Đại bàng đã tan chảy, tương đương với 20% lượng tuyết bao phủ bề mặt hòn đảo, theo số liệu bởi Đài quan sát Trái Đất của NASA.
"Tôi chưa từng thấy những hồ nước được hình thành nhanh như vậy do tuyết tan. Bạn có thể thấy những sự kiện như thế này ở Alaska hoặc Greenland, nhưng không thường xảy ra điều đó ở châu Nam cực", ông Mauri Pelto, nhà địa chất học từ Đại học Nichols ở Massachusetts, nhận định.
Hình ảnh vệ tinh trước và sau đợt sóng nhiệt kéo dài 9 ngày cho thấy đảo Đại bàng ở Nam cực đã mất đi khoảng 20% lượng tuyết bao phủ. Ảnh: NASA. |
Nhà khoa học khí hậu Xavier Fettweis là người đang ước tính lượng nước chảy xuống đại dương từ bán đảo Nam cực. Theo ông, những đợt sóng nhiệt như thế này đóng góp rất nhiều vào mức độ dâng lên của nước biển trong mùa hè năm nay.
Như chuyên gia Pelto cho biết, những sự kiện tan chảy như xảy ra ở đảo Đại bàng là rất hiếm gặp ở châu Nam cực, vì vùng này là nơi lạnh nhất trên Trái Đất.
Sóng nhiệt xảy ra khi có nhiệt độ cao được duy trì trong nhiều ngày, và điều này gần như chưa từng xảy ra trên châu Nam cực cho đến thế kỷ 21. Tuy nhiên sự kiện thời tiết này được cho là sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng.
Tháng này, khối áp cao ở phía trên mũi Horn của Chile cho phép nhiệt độ cao tích tụ và di chuyển. Bán đảo phía bắc của châu Nam cực thường được bảo vệ khỏi những khối khí nóng này do gió mạnh đi qua Nam bán cầu, nhưng những cơn gió như vậy đã yếu đi một cách bất thường, và không thể ngăn chặn nhiệt độ cao di chuyển đến Nam cực.
Các khối băng ở Nam cực đang tan chảy nhanh chóng do ô nhiễm không khí tạo ra hiệu ứng nhà kính (nhiệt lượng từ mặt trời bị kẹt lại trong bầu khí quyển). Tình hình sẽ càng tệ đi vì khi các khối băng mất dần, ánh nắng từ mặt trời sẽ không còn bị phản chiếu (màu trắng phản lại ánh sáng), thay vào đó Trái Đất sẽ hấp thụ nhiệt nhiều hơn từ mặt trời khiến nó càng trở nên nóng hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, các khối băng từ Nam cực chứa đủ lượng nước để nâng mực nước biển toàn cầu lên 60 mét.