Giải thích về việc trai chết hàng loạt ở Northland, tiến sĩ Andrew Jeffs, nhà khoa học biển tại Đại học Auckland, nói chính thời tiết ấm áp bất thường kết hợp với thủy triều thấp vào giữa ngày đã khiến những con trai lộ ra sớm và bị thiêu chết khi ánh nắng mặt trời đang gay gắt nhất.
Vị chuyên gia cũng cho rằng nhiều sinh vật biển tại đây sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, và việc bảo vệ những loài động vật giáp xác sẽ rất khó khăn, ngoài những cách thủ công như dùng tấm che nắng, vốn khó áp dụng và “không thực tế”.
“Những khu vực thủy triều này vốn đã là nơi khá căng thẳng để sinh sống, việc ánh nắng mặt trời gay gắt suốt mùa hè vừa qua chỉ làm mọi chuyện nặng nề hơn. Chỉ những những loài động thực vật kiên cường nhất mới tồn tại được”, ông Jeffs nói.
Hàng trăm nghìn trai chết trôi dạt lên bờ biển tại Đảo Bắc, New Zealand. Ảnh: Guardian. |
Đảo Bắc, hay Northland đang trải qua thời kỳ khô hạn, với nhiều nơi trong khu vực không thấy mưa trong hơn 40 ngày, một thời gian dài kỷ lục.
Ảnh hưởng của hạn hán là rất nghiêm trọng khi nhiều chim Kiwi chết trên đường tìm nước, trong khi các tàu chở nước ngọt khẩn cấp liên tục được chở tới những vùng hẻo lánh để lấp đầy các bể chứa nước mưa.
Các nhà khoa học đã quan sát khả năng chịu đựng của trai biển trước những thay đổi thời tiết trong một thập kỷ, nhưng điều kiện thời tiết đang trở nên tàn khốc và đe dọa sự sống còn của loài vật.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sắp chứng kiến toàn hệ sinh thái biển thay đổi", ông Jeffs cho biết.
Theo Brandon Ferguson, một cư dân địa phương tại Northland, mùi trai chết rất nặng và nồng nặc. Dù trai hầu hết đã bị cuốn đi hoặc ăn mất và chỉ còn lại vỏ, vẫn còn hàng trăm con trai đã hoặc đang chết dạt vào bờ hoặc trôi quanh bờ biển trong những cơn thủy triều.
“Thật xót xa khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Hơn 500.000 chiếc vỏ rỗng được tìm thấy, nhiều con nữa vẫn đang dạt vào bờ, chúng tôi không dám chạm vào chúng vì không biết chuyện gì đã xảy ra”.
Bộ Công nghiệp New Zealand đang điều tra vụ việc và kêu gọi người dân không thu thập hoặc ăn trai trôi dạt.
Tiến sĩ Andrew Jeffs cho biết trai đóng vai trò rất quan trọng về mặt sinh thái đối với môi trường ven biển New Zealand, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ biến mất hoàn toàn khỏi các khu vực rạn san hô vì điều kiện môi trường sống ngày càng trở nên bất lợi, đặc biệt vào mùa hè.
“Việc này đang xảy ra trên quy mô lớn, toàn bộ hệ thống rạn san hô đang khô và chết dần. Chúng ta sắp mất chúng”.