Khi kinh tế rơi vào suy thoái, vẫn có những phương pháp đầu tư giúp nhà đầu tư tận dụng tốt lợi thế trong giai đoạn này. Ảnh: Việt Linh. |
Theo Investopedia, khi suy thoái kinh tế, nhiều người mất bình tĩnh và bán tháo các danh mục đầu tư trong cơn hoảng loạn. Số khác tỉnh táo hơn, họ tiếp tục nắm giữ các khoản đầu tư, chờ thị trường hồi phục và tiếp tục gia tăng giá trị. Có rất nhiều bài học dành cho các nhà đầu tư vào thời kỳ suy thoái kinh tế và bạn hãy yên tâm rằng vẫn còn những chiến lược đầu tư hiệu quả trong giai đoạn này.
Chiến lược “trung bình giá”
Có thể nhà đầu tư không dự đoán trước được đợt suy thoái sẽ đến lúc nào. Nhưng luôn có một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán trước khi xảy ra suy thoái kinh tế. Khi điều đó diễn ra, hãy nhớ bài học đầu tiên: Thị trường chứng khoán thường chạm đáy trước khi kết thúc suy thoái kinh tế.
Biết được điều đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng lợi thế của thị trường đang suy giảm thông qua chiến lược “trung bình giá”.
Chiến lược trung bình giá: Nhà đầu tư khi áp dụng chiến lược này sẽ chia nhỏ nguồn vốn ra và đầu tư ở các thời điểm khác nhau thay vì chỉ giải ngân đầu tư một lần.
Cách thức: Nhà đầu tư sau khi theo dõi biến động thị trường, xem xét yếu tố giá cả của các loại hình tài sản... và chia số vốn thành các phần bằng nhau. Sau đó, giải ngân đầu tư vào tài sản đã chọn theo từng giai đoạn.
Chiến lược này được đánh giá là dễ thực hiện nhưng hiệu quả rất vượt trội. Trung bình giá giúp giảm thiểu rủi ro trong những giai đoạn biến động thị trường chứng khoán, đồng thời giúp nhà đầu tư kiếm được nhiều lợi nhuận hơn khi thị trường đi lên.
Ví dụ, nhà đầu tư giải ngân 500 USD/tháng vào một cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá 25 USD, số lượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ nhà đầu tư nắm giữ sẽ là 20 đơn vị. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống còn 20 USD, khoản giải ngân trong tháng tiếp theo sẽ mua được 25 cổ phiếu và tài khoản của nhà đầu tư hiện có 45 cổ phiếu với giá bình quân là 22 USD/đơn vị.
Khi giá cổ phiếu giảm, khoản giải ngân 500 USD của nhà đầu tư sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn và giảm giá bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Ngược lại, khi giá cổ phiếu phục hồi, khoản giải ngân sẽ mua được ít cổ phiếu hơn mỗi tháng, nhưng giá cổ phiếu hiện tại luôn cao hơn giá bình quân trong danh mục đầu tư.
Phương pháp trung bình giá này hoạt động tốt nhất trong thời gian dài đối với các nhà đầu tư không muốn lo lắng về hiệu quả đầu tư.
Chiến lược tập trung vào cổ tức
Nếu nhà đầu tư dự định nắm giữ cổ phiếu trong thời kỳ suy thoái, những cổ phiếu tốt nhất nên sở hữu là từ các công ty có vốn hóa lớn, lâu đời với dòng tiền mạnh.
Các công ty này không chỉ có tiềm lực tốt để vượt qua suy thoái kinh tế so với các công ty nhỏ có dòng tiền kém, mà còn có nhiều khả năng chi trả cổ tức hơn.
Đối với các nhà đầu tư, cổ tức phục vụ một số mục đích. Một là, nếu một công ty có lịch sử chi trả và tăng cổ tức ổn định trong thời gian dài, nhà đầu tư có thể yên tâm rằng công ty đó có tài chính vững mạnh và có thể tồn tại trong hầu hết biến động của kinh tế.
Ưu tiên những cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao là một phương pháp đầu tư an toàn trong giai đoạn thị trường đi xuống. Ảnh: Việt Linh. |
Hai là, cổ tức cung cấp một bộ đệm hoàn vốn cho nhà đầu tư. Ngay cả khi giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư vẫn nhận được tiền lãi từ khoản đầu tư.
Chính những lý do này mà cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao có diễn biến tốt hơn cổ phiếu không trả cổ tức trong thời kỳ thị trường suy thoái.
Cách tốt nhất để sở hữu cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao là thông qua các quỹ đầu tư hoặc quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư vào nhóm công ty trả cổ tức cao sẽ không phải lựa chọn tốt nhất khi thị trường phục hồi. Bởi do các loại quỹ này đầu tư vào các công ty mang lại lợi nhuận ổn định qua từng thời kỳ chứ không phải cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro lớn. Do đó, khi thị trường phục hồi, nhà đầu tư có thể phân bổ lại khoản đầu tư, nhưng vẫn nên duy trì một phần danh mục tại đây như một biện pháp phòng thủ.
Đầu tư vào các công ty hàng tiêu dùng
Ngay cả trong thời kỳ suy thoái, người tiêu dùng vẫn cần mua thực phẩm, thuốc, sản phẩm vệ sinh và vật tư y tế... Đây là những mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng, cũng chính là những mặt hàng cuối cùng bị cắt khỏi ngân sách chi tiêu khi khó khăn.
Vì vậy, trong khi các công ty bán đồ điện tử cao cấp và các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ khác bị suy giảm doanh thu thì nhóm công ty bán thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản vẫn “sống tốt”, thậm chí là phát triển mạnh hơn.
Do đó, việc đầu tư vào nhóm công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu được gọi là “cổ phiếu phòng thủ” vì chúng có xu hướng duy trì khả năng phục hồi ngay cả khi nền kinh tế suy thoái.
Tại thị trường Mỹ, cổ phiếu các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu thậm chí còn hoạt động tốt hơn chỉ số S&P 500 trong một số giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua. Có thể kể tới một số cái tên như Johnson & Johnson, Procter & Gamble, Conagra và Walmart.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.