Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách cốc uống nước dùng một lần đi vào đời sống

Năm 1911, vì sức khỏe cộng đồng, Mỹ bắt đầu có các quy định cấm “việc sử dụng bừa bãi các loại cốc uống nước dùng chung”, cốc uống nước dùng một lần dần trở nên phổ biến.

Ảnh: Packaging Europe.

Hầu như bao giờ cũng vậy, những ý tưởng đổi mới sáng tạo không dễ lan tỏa ở quy mô lớn ngay lập tức. Hãy lấy ví dụ là chính bản thân chiếc cốc giấy. Nó được vị luật sư Lawrence Luellen ở Boston phát minh ra vào năm 1907, khi ông đọc được những kết quả nghiên cứu khoa học mới chỉ ra rằng dịch tả, lao và bạch hầu, những căn bệnh đang gieo rắc rất nhiều nỗi kinh hoàng vào thời điểm đó, bị lây lan chủ yếu qua những người sử dụng “những chiếc cốc dùng chung” bằng thủy tinh và kim loại đặt ở các vòi nước uống và thùng ướp lạnh công cộng.

bao ve moi truong anh 1

"Hãy cứu lấy các em nhỏ". Từ báo Kansas City Post.

Luellen gọi giải pháp của mình là Health Kup (chiếc cốc sức khỏe) và thành lập Công ty Cốc uống nước cá nhân. Ông sáng chế ra một chiếc máy bán hàng đặt ngay bên cạnh các vòi nước uống công cộng, và chỉ cần thả vào máy một xu, nó sẽ nhả ra một chiếc cốc nhỏ, chỉ đựng vừa hai ngụm nước. Luellen giới thiệu kỳ công của mình ra thị trường vào năm 1910, nhưng mặc dù đã có một chiến dịch giáo dục công chúng trên quy mô lớn về tác hại của những chiếc cốc dùng chung, với những hình ảnh minh họa khủng khiếp cùng những lời cảnh báo khẩn thiết như “Tử thần nằm trong những chiếc cốc uống nước ở trường học”, phần lớn công chúng vẫn kiên quyết phản đối việc phải trả tiền mua cốc.

Để bắt người dân phải tuân thủ, các tiểu bang bắt đầu ban hành các quy định cấm “việc sử dụng bừa bãi các loại cốc uống nước dùng chung”, theo cách diễn đạt trong một đạo luật của Texas vào năm 1911.

Ban đầu, những quy định này gây ra nhiều sự phản đối dữ dội. Một phóng viên viết: “Cách làm luật ngớ ngẩn đã được đẩy lên một mức độ đáng kể ở New York trong tuần qua khi luật cấm sử dụng cốc uống nước công cộng có hiệu lực".

Khi cốc dùng chung dần dần biến mất và các máy bán nước tự động mọc lên ngày càng nhiều ở khắp nơi, từ ga tàu hỏa và điểm dừng xe buýt cho đến cửa hàng bách hóa sang trọng Lord & Taylor trên Đại lộ Số 5 xa hoa ở New York, nhiều người bắt đầu bướng bỉnh mang theo những chiếc cốc kim loại bên mình, và những chiếc cốc này được thiết kế theo nhiều phong cách khéo léo, có thể gấp gọn lại được. Một số còn được đựng trong những chiếc hộp làm bằng da tuyệt đẹp để tiện di chuyển, bây giờ chúng ta vẫn có thể tìm thấy chúng được rao bán trên eBay.

Mặc dù cho đến bây giờ, rất nhiều mẫu mã cốc dạng này vẫn đang được sản xuất, nhưng lối tư duy vứt bỏ đã được nhồi nhét liên tục vào đầu công chúng đã khiến cho những chiếc cốc đó hầu như không còn hữu dụng nữa.

Còn đối với cốc giấy, phải đến năm 1918 chúng mới được tiếp nhận rộng rãi do sự kinh hoàng mà đại dịch cúm bùng phát vào năm này gieo rắc làm thiệt mạng khoảng 675.000 người Mỹ và 50 triệu người trên khắp thế giới. Chúng ta có thể phần nào hình dung được sự khẩn trương vào thời đó từ chính trải nghiệm hiện nay của mình với đại dịch coronavirus và việc phần lớn mọi người đều nhanh chóng tiếp nhận việc sử dụng khẩu trang. Luellen đột nhiên trở thành một vị anh hùng.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

SÁCH HAY