Tính năng ẩn trên iPhone sẽ cho ra những bức ảnh như trên camera chuyên dụng. Ảnh: Techradar. |
Smartphone hiện đại ngày nay đều có camera rất tốt, giúp người dùng chụp những bức ảnh đẹp mà không cần tới máy ảnh chuyên dụng. Tuy vậy, ảnh chụp trên điện thoại hầu hết đã được phần mềm tự động xử lý khiến chất lượng kém đi phần nào.
Vì vậy, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp từ lâu đã sử dụng định dạng RAW và phần mềm chỉnh sửa để biến các tệp hình ảnh thành những bức ảnh tuyệt đẹp. Ảnh RAW cho phép người chụp tùy biến hơn ánh sáng và màu sắc trong ảnh, cũng như sở hữu chi tiết sắc nét hơn nhiều.
Ảnh RAW là gì
Ảnh RAW (hay ảnh thô) là ảnh được thu trực tiếp từ cảm biến máy ảnh sau khi chụp mà không thông qua chỉnh sửa. Thông thường những bức ảnh được chụp trên điện thoại đều được qua chỉnh sửa bằng thuật toán cho phù hợp với bối cảnh, sau đó được nén lại và cho ra ảnh cuối cùng.
Ảnh RAW và ảnh JPG đã được smartphone xử lý và nén. Ảnh: Youtube. |
Đối với chế độ chụp RAW, tất cả thông số trên ảnh đều được giữ nguyên. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp dùng chế độ này khi muốn chỉnh sửa ảnh sau khi chụp, chỉnh sửa thủ công trên ảnh RAW sẽ dễ dàng hơn và cho ra chất lượng cao hơn so với ảnh PNG hay JPEG.
Ảnh RAW thường thông dụng trên những máy cao cấp, nhưng gần đây một số điện thoại đã có được khả năng chụp ảnh RAW. Người dùng cần lưu ý rằng ảnh RAW có dung lượng rất lớn.
Cách chụp ảnh RAW trên iPhone
Từ iPhone 12 Pro trở đi, người dùng có thể chụp và lưu trữ tệp RAW bằng tính năng ProRAW được Apple thêm vào iOS 14.3. Để bật chế độ chụp ảnh RAW, người dùng truy cập Cài đặt > Camera > Định dạng, sau đó bật Apple ProRAW.
Trong ứng dụng Camera, người dùng cần chọn tính năng RAW ở trên cùng bên phải màn hình. Trên các mẫu iPhone 14 Pro, người dùng còn có thể chọn độ phân giải để lưu trữ các tệp RAW của mình: 12 megapixel hoặc 48 megapixel.
Cách bật tính năng chụp ảnh và vị trí của phím RAW trên iPhone. |
Tệp 48 megapixel cho phép chụp ảnh có chi tiết tốt, nhưng kích thước tệp của mỗi ảnh có thể lên tới 75 MB hoặc lớn hơn. Vì vậy, người dùng cần lưu ý nếu sử dụng thiết bị có bộ nhớ trong thấp.
Ngoài ra, chỉ những hình ảnh được chụp bằng camera chính của iPhone mới có thể được lưu ở độ phân giải 48 megapixel. Những bức ảnh được chụp bằng camera góc rộng hoặc camera tele sẽ tự động được lưu ở độ phân giải 12 megapixel.
Cách chỉnh sửa ảnh RAW
Thoạt nhìn, ảnh RAW có vẻ mờ và cồng kềnh. Tuy nhiên, do chưa qua chỉnh sửa trên phần mềm nên các thông số trên ảnh RAW sẽ dễ dàng được thay đổi trong quá trình chỉnh ảnh sau khi chụp.
Người dùng có thể sử dụng trực tiếp ứng dụng Ảnh của Apple để chỉnh sửa tệp RAW. Ứng dụng Ảnh sẽ giúp điều chỉnh cân bằng trắng của hình ảnh, trung hòa các sắc thái màu; thay đổi độ phơi sáng; điều chỉnh màu sắc và nhiều hơn nữa.
Các nhiếp ảnh gia thường xử lý tệp RAW bằng các công cụ chuyên nghiệp như Adobe Lightroom. Để chỉnh sửa ảnh trên máy tính, người dùng có thể lưu trữ tệp trên iCloud hoặc các dịch vụ đám mây bên thứ ba như Google Drive, OneDrive. Người dùng có thể tìm hướng dẫn sử dụng các phần mềm này trên Internet.
Ảnh RAW sẽ giúp người dùng dễ dàng chỉnh sửa bằng các phần mềm chuyên dụng như Adobe Lightroom. Ảnh: Youtube. |
Một số ứng dụng như Snapseed cũng hỗ trợ chỉnh sửa ảnh RAW hoàn toàn miễn phí. Những ứng dụng chụp ảnh chuyên dụng trả phí trên App Store như VSCO hay ON1 Photo RAW cũng hỗ trợ chỉnh sửa tệp RAW.
Đối với những người sử dụng iPhone và iPad để chỉnh sửa, một số ứng dụng như Snapseed, Halide Mark II, Darkroom và RAW Power cũng hỗ trợ chỉnh sửa ảnh RAW hoàn toàn miễn phí.
Khi chỉnh sửa xong hình ảnh RAW, người dùng có thể lưu ảnh dưới dạng JPEG hoặc các định dạng phổ biến khác để chia sẻ.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn