Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách Be giải bài toán thị trường đi chợ hộ

Không đơn thuần mang bó rau, con cá đến tận tay người tiêu dùng, Be Đi chợ đáp ứng thói quen mua sắm truyền thống của người Việt.

Theo số liệu từ ABI Research, thị phần của Be trong nửa đầu năm 2020 tiếp tục đứng thứ hai trên thị trường gọi xe công nghệ. Trong khi đó, theo TechInAsia, BeGroup đang trên đường hòa vốn và kỳ vọng có lãi trong năm 2021. Bên cạnh beBike, beCar, beDeliveryBe Đi chợ ra mắt quý I/2020 góp phần giúp tập đoàn này đứng vững trong đại dịch.

Ra mắt khi thị trường “khát” dịch vụ

Từ năm 2018, dịch vụ “đi chợ hộ” ra đời dưới sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn. Tuy nhiên thời điểm này, các ứng dụng không nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng do thói quen mua sắm trực tiếp tại chợ, cửa hàng vẫn duy trì. Đến năm 2020, khi Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy và giãn cách xã hội, “đi chợ hộ” trở thành dịch vụ được nhiều người lựa chọn để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

be di cho,  ung dung di cho ho anh 1

Be Đi chợ chính thức gia nhập mảng dịch vụ đi chợ hộ đầu năm 2020, tạo cú hích cho thị trường đi chợ hộ.

Sớm nhận thấy sự chuyển hướng trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đầu tháng 3/2020, BeGroup ra mắt dịch vụ Be Đi chợ nhằm đáp ứng nhu cầu đi chợ trực tuyến của khách hàng. Thời điểm đó, dịch vụ “đi chợ hộ” vẫn chưa phát triển rầm rộ, Be Đi chợ ra đời đã nhanh chóng lấp vào khoảng trống của thị trường. Đó là lý do ngay sau Be Đi chợ, hàng loạt ứng dụng gọi xe và giao hàng khác cũng đẩy mạnh triển khai dịch vụ tương tự. Việc ra mắt đúng thời điểm thị trường đang "khát" dịch vụ khiến Be có một vị thế nhất định.

Dịch vụ Be Đi chợ dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ - thông qua nguồn lực sẵn có từ đối tác khắp cả nước để kết nối người dùng và tài xế. Hãng tận dụng tính năng giao hàng (beDelivery) và phát triển lên thành dịch vụ đi chợ hộ. Dịch vụ cho phép khách hàng tự chọn điểm mua hàng quen thuộc như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, kể cả tạp hóa, chợ, nhà thuốc… và thông qua ứng dụng để chọn tài xế có vị trí phù hợp. Sau khi nhập điểm mua, người dùng tự tay chọn món hàng theo nhu cầu và được giao hàng tận nhà.

Đại diện Be cho biết trong tuần đầu tiên ra mắt, mỗi ngày Be Đi chợ nhận được khoảng 100 đơn hàng và hiện tại, con số này là hàng ngàn đơn hàng. Sau một năm triển khai và hoạt động, dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dịch vụ Be Đi chợ được khách hàng hưởng ứng, nhất là khu vực Hà Nội và TP.HCM. Dịch vụ này của hãng đang hoạt động trên phạm vi các tỉnh, thành phố có mặt dịch vụ beBike như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Nha Trang. Dù thị phần Be Đi chợ vẫn đang đóng góp khá nhỏ trong toàn bộ dịch vụ của ứng dụng Be, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, Be đi chợ đã góp phần bù đắp sự sụt giảm của mảng gọi xe và đem lại thu nhập cho tài xế.

Anh Lê Anh Kiệt, tài xế beBike tại TP.HCM chia sẻ, thời điểm trước có nhiều khách hàng đặt giao hàng nhưng thực ra là nhờ mua hộ các món đồ. Anh Kiệt dù nhiệt tình hỗ trợ nhưng lại không biết cách tính phí hợp lý cho khách. “Từ khi Be ra mắt tính năng Be Đi chợ, tôi có thêm nhiều cuốc xe hơn. Đặc biệt tôi an tâm nhận chuyến vì có công ty hỗ trợ tính chi phí, gợi ý địa điểm mua hàng”, anh Kiệt cho biết.

Chiến lược “cá nhân hóa điểm mua” khác biệt

Là người thường xuyên sử dụng dịch vụ Be Đi chợ, chị Ánh Dương (Nhân viên văn phòng, quận 3, TP.HCM) nhận xét điểm khác biệt lớn nhất của dịch vụ này là cho phép người dùng mua hàng ở địa điểm tùy chọn.

“Tôi có thói quen mua ở ‘mối quen’. Be Đi chợ cho phép tôi chọn mua thực phẩm ở sạp hàng trong chợ gần nhà hay tại cửa hàng yêu thích, trong khi các ứng dụng khác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này. Tài xế thân thiện và nhiệt tình khi chọn hàng, đảm bảo độ tươi ngon thực phẩm khi đến tay khách”, chị Ánh Dương nói.

Yếu tố tạo nên ưu thế cạnh tranh cho Be Đi chợ là chiến lược “cá nhân hóa điểm mua hàng”. Trong khi các ứng dụng khác chỉ cho phép một số địa điểm cố định, Be chấp nhận địa chỉ mua hàng tùy chọn do khách hàng tự nhập. Đó có thể là quán ăn, tiệm trà sữa, chợ, cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc tây, thậm chí là những điểm bán nhỏ lẻ, một số điểm mua sắm trong bán kính nhất định. Điều này đặc biệt phù hợp với thói quen mua sắm tại cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam.

Chiến lược này của hãng dựa trên việc thấu hiểu tâm lý và nhu cầu người dùng. Nhiều nghiên cứu cho thấy người Việt vẫn duy trì thói quen mua sắm ở các điểm bán lẻ truyền thống. Theo báo cáo của Deloitte, các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống có doanh thu tăng trưởng 4% năm 2019 là một trong những phân khúc chiếm thị phần chủ chốt và chi phối toàn thị trường bán lẻ. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Be nhanh nhạy cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tạo ưu thế lớn cho thương hiệu. Thông qua chiến lược “cá nhân hóa điểm mua”, Be đã có bước nhảy vọt về doanh thu sau một năm Be Đi chợ ra mắt. Theo số liệu được BeGroup cung cấp, cứ 10 đơn hàng Be Đi chợ thì đến 8 đơn là địa điểm thuộc chợ truyền thống hoặc các điểm bán ngoài danh sách giới thiệu.

be di cho,  ung dung di cho ho anh 2

Cá nhân hóa điểm mua hàng là chiến lược giúp Be Đi chợ tối ưu doanh thu, tạo ưu thế riêng biệt so với các ứng dụng khác.

Tối ưu thời gian và chi phí

Cộng hưởng vào sự thành công của Be Đi chợ là chiến lược tối ưu chi phí cho người dùng cuối. Nếu thời gian mới ra mắt, ứng dụng có phí mua hộ là 50.000 đồng/đơn thì hiện nay phí đi chợ hộ đã giảm nhiều. Đơn cử, với dịch vụ Be Đi chợ tại TP.HCM, hãng áp dụng giá cước tối thiếu 13.000 đồng, giá giao hàng mỗi km tiếp theo giảm từ 5.500 đồng đồng còn 4.500 đồng. Trong giai đoạn dịch bệnh, Be còn tặng nhiều mã khuyến mãi cho dịch vụ này để kêu gọi khách hàng hạn chế đi lại, góp phần chung tay cùng cộng đồng chống dịch. Gần đây, dịch vụ Be Đi chợ còn áp dụng miễn phí mua hộ và khách hàng chỉ cần trả tiền theo giá cước giao hàng thông thường.

Tận dụng mạng lưới đối tác lên đến 150.000 tài xế, Be Đi chợ không ngừng nỗ lực rút ngắn thời gian giao hàng. Theo thống kê của hãng, thời gian hoàn thành một đơn hàng trên Be Đi chợ dao động khoảng 15-45 phút tùy theo quãng đường, trong khi sàn TMĐT, siêu thị mini, siêu thị lớn… có tốc độ trung bình 2-3 tiếng. Đây cũng là cách thương hiệu giải bài toán quan trọng của dịch vụ đi chợ hộ - đảm bảo độ tươi ngon cho thực phẩm khi mua qua ứng dụng.

Một điểm cộng cho dịch vụ Be Đi chợ chính là cách tài xế sẵn sàng tỉ mỉ lựa từng miếng thịt, bó rau, thậm chí không ngại trả giá để tối ưu chi phí “đi chợ” cho khách hàng của mình.

Giang Chi Anh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm