Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Các VĐV Việt Nam rất thiếu kiến thức về doping'

Chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Minh mang tới bức tranh toàn cảnh về thực trạng và khó khăn trong công tác phòng - chống doping tại Việt Nam.

Nhân việc một số VĐV Việt Nam có kết quả dương tính với doping tại SEA Games 31, Zing có cuộc trao đổi với nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh. Là lãnh đạo lâu năm của ngành thể thao, ông Minh hiểu rõ tác động tiêu cực và lâu dài của doping tới thể thao.

Doping SEA Games 31 anh 1

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh, chia sẻ về câu chuyện doping của thể thao Việt Nam. Ảnh: Quốc Bảo.

- PV: Chào ông, hôm nay, chúng ta phải nói về một chủ đề không vui là việc nhiều VĐV Việt Nam bị phát hiện dương tính với chất cấm tại SEA Games?

- Ông Nguyễn Hồng Minh: Năm 2000, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế lúc bấy giờ Juan Antonio Samaranch có chỉ ra ở thế kỷ này, thể thao thế giới sẽ gặp hai nguy cơ lớn. Đó là sử dụng doping và chuyển nhượng, mua bán VĐV. Hai xu hướng đó mà phát triển mạnh sẽ cản trở sự tiến bộ của thể thao chân chính. Dự đoán của ông Samaranch nay đã thành hiện thực khi cả hai vấn nạn ấy đang phát triển mạnh mẽ.

Với riêng doping, nó đã trở thành một vấn nạn toàn cầu. Nó không còn là chuyện tự phát từ các cá nhân mà có sự tham gia của các tổ chức, các quốc gia. Họ đã bao che, dung túng, thậm chí tổ chức sử dụng doping ở quy mô lớn để đạt thành tích cao, điển hình là sự việc đoàn thể thao của một cường quốc như Nga bị cấm dự Olympic Tokyo 2020.

- Còn ở Việt Nam thì sao? Vấn nạn doping đã phát triển tới mức đó chưa?

- Khi thể thao Việt Nam hội nhập với thế giới, ta cũng chịu ảnh hưởng cả ở mặt tích cực và tiêu cực. Tiêu cực là chúng ta cũng có những VĐV dùng doping để cải thiện thành tích. Nhưng rất may, vi phạm doping ở Việt Nam còn manh nha, chưa trở thành vấn nạn vì ba nguyên nhân.

Thứ nhất, hiểu biết về lĩnh vực này của các VĐV và nhà quản lý thể thao là rất sơ khai. Thứ hai, trình độ khoa học về doping của chúng ta còn thấp. Thứ ba, chưa có cá nhân hay tổ chức nào ở Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được các chất cấm.

Bởi vậy từ khoảng năm 2000 tới nay, Việt Nam mới rải rác có vài VĐV vi phạm doping. Doping là một nguy cơ nhưng chưa phải vấn nạn của Việt Nam.

Doping SEA Games 31 anh 2

Cơ quan Phòng, chống Doping Thế giới (WADA) là đơn vị thông báo về vi phạm doping tại SEA Games 31 vừa qua.

- Dù vậy, Việt Nam vẫn phải có những sự chuẩn bị chứ?

- Đúng vậy, để đề phòng, Ủy ban Olympic Việt Nam trước đây đã ký một công ước với quốc tế, quy định về việc học tập, phòng chống doping và cam kết không cho phép VĐV sử dụng doping. Việt Nam cũng đã thành lập trung tâm doping và y học thể thao để tham mưu cho các cơ quan quản lý.

Về phần thế giới, Ủy ban Olympic Quốc tế đã thành lập Cơ quan Phòng, chống Doping Thế giới (WADA) vào đầu những năm 2000. Họ đã ban hành luật chống doping và được Trung tâm Doping và Y học Thể thao của Việt Nam dịch ra, gửi tới những người làm thể thao trên cả nước.

Quan trọng hơn, ngành thể thao Việt Nam đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền VĐV ở hai khía cạnh. Thứ nhất là đạo đức thể thao, là sự trung thực, ngay thẳng. Ta phải làm cho VĐV, HLV, thậm chí cả những nhà quản lý thể thao và giới truyền thông hiểu rằng giá trị chân chính sẽ tới khi ta thi đấu bằng chính sức của mình chứ không phải khi ta chiến thắng bằng mọi giá.

Thứ hai, ta cần VĐV hiểu những nguy cơ, tác động xấu của doping tới sức khỏe lâu dài và đạo đức của họ trong tương lai.

- Nhưng thực tế cho thấy việc tuyên truyền chưa mang lại nhiều hiệu quả. Nhiều VĐV dường như chẳng có chút kiến thức về doping?

- Đúng, tình trạng VĐV Việt Nam thiếu kiến thức là cực kỳ phổ biến nếu không muốn khẳng định là hầu như toàn bộ. Không chỉ VĐV, kể cả HLV thể thao, các nhà quản lý thể thao thành tích cao và các nhà quản lý khác cũng thiếu hiểu biết về lĩnh vực này. Cần lưu ý, nhiều nhà quản lý thể thao ở Việt Nam hiện nay không xuất thân từ lĩnh vực thể thao nên hiểu biết càng hạn chế hơn.

Ví dụ tại nhiều địa phương, các giám đốc trung tâm, giám đốc sở địa phương đều không phải là dân thể thao. Họ không biết doping là gì thì họ không thể có khái niệm phòng chống và không thể quan tâm, hướng dẫn VĐV của mình.

Cũng bởi vậy, việc kiểm soát VĐV khi họ sinh hoạt, ăn uống, sử dụng thuốc men và mua bán chất cấm là điều ta chưa làm được.

Doping SEA Games 31 anh 3

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 31.

- Một khó khăn khác cũng được nói tới nhiều là kinh phí và công nghệ?

- Để tôi kể một ví dụ. Chuẩn bị cho SEA Games 31, tuyển thể hình quốc gia đã kiểm tra nội bộ trước các VĐV xem họ có sử dụng doping không. Nếu các môn đều tiến hành như thế, VĐV Việt Nam khi tham gia thi đấu quốc tế sẽ không gặp vướng mắc.

Tuy nhiên, việc kiểm tra này gặp nhiều khó khăn vì Việt Nam không có phòng kiểm tra và phải đưa mẫu thử ra nước ngoài. Chi tiêu cho thử doping quá tốn kém nên các cơ sở đào tạo VĐV từ trung ương tới địa phương vẫn e ngại và không thực hiện. Tổng hợp lại, biện pháp quan trọng và phù hợp nhất vẫn là tuyên truyền, giáo dục và xử phạt.

- Trở lại với câu chuyện hai VĐV điền kinh Việt Nam dính doping ở SEA Games, điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới uy tín của thể thao Việt Nam?

- Nếu các vi phạm trong môn điền kinh là chính xác, đó rõ ràng là những vi phạm doping, vi phạm đạo đức thể thao. Và đương nhiên, danh dự của VĐV sẽ bị ảnh hưởng, chiến thắng của VĐV sẽ bị nghi ngờ. Người ta có quyền cho rằng anh chiến thắng không trung thực và phải trả lại chiến thắng ấy cho người khác. Kết quả là họ sẽ phải trả lại huy chương. Thể thao Việt Nam từng hưởng lợi vì điều đó khi ở Olympic 2012, Trần Lê Quốc Toàn đứng thứ 4 nhưng VĐV đứng thứ ba dương tính doping nên Quốc Toàn được đôn lên giành HCĐ.

Đấy là hình thức xử phạt về huy chương thôi, còn những hình thức cấm thi đấu khác và lớn hơn nữa là danh dự của cá nhân anh ta và quốc gia có anh ta.

Sự việc ở tuyển điền kinh Việt Nam có hay không còn phải chờ kết quả kiểm tra sau cùng. Nhưng nếu mọi thứ thực sự như vậy, vị thế của điền kinh Việt Nam và lớn hơn là uy tín của thể thao Việt Nam với bạn bè quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.

- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.

Nhiều VĐV dương tính với doping ở SEA Games 31?

Một lãnh đạo của ngành thể thao Việt Nam cho biết cá nhân chưa nắm được thông tin xác thực về việc vận động viên (VĐV) Việt Nam dương tính với doping ở SEA Games 31.

Các VĐV Việt Nam bị phạt thế nào nếu dính doping?

Vận động viên (VĐV) có kết quả xét nghiệm dương tính với doping có thể bị tước huy chương và cấm thi đấu tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Minh Chiến

Bạn có thể quan tâm