Các tỉnh duyên hải tập trung toàn lực chống bão Jebi
Những địa phương ảnh hưởng trực tiếp của bão Jebi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định đang tập trung toàn lực để chống bão sắp đổ bộ.
Hải Phòng: khẩn trương di dân
Tại Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 2. Ngay sau khi công điện của thành phố, huyện Cát Hải đã khẩn trương tổ chức họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, khẩn trương triển khai nhiệm vụ.
Thực hiện công điện của chủ tịch UBND huyện, các địa phương đều chủ động lên các phương án phòng tránh đối phó. Bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đảo Cát Hải vào ngày 3/8, giữa lúc triều cường dâng cao đỉnh điểm 3,1m đến 3,5m, sóng biển dâng cao từ 4 đến 4,5m.
Người dân Hải Phòng di dời khỏi vùng bão. |
Để chủ động đối phó với cơn bão số 5, chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền tới người dân về việc phòng chống bão, bám sát diễn biến của cơn bão, đảm bảo thông tin liên lạc, lên phương án sơ tán nhân dân tại chỗ, và di dân sang khu vực đảo Cát Bà, nội thành Hải Phòng.
Đến thời điểm 15h hôm nay 2/8, tổng số nhân dân được sơ tán tại chỗ là 1.022 người, tập trung ở thị trấn Cát Hải, xã Hoàng Châu, Văn Phong , số di dân sang các xã khu vực Cát Bà là 129 người, di dân đi Hải Phòng tính được trên 800 người, còn lại di dân tại chỗ ở các khu vực cao hơn như trường học, nhà cao tầng, nhà văn hoá.
Việc di dời nhân dân sẽ thực hiện xong trước 18h ngày 2/8. Công tác hậu cần, lương thực thực phẩm nước uống cho người dân được chuẩn bị chu đáo.
Quảng Ninh: cấm hoạt động trên biển
UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh dừng tất cả các cuộc họp để thường trực chống bão số 5. Đồng thời, yêu cầu toàn bộ lãnh đạo các thành phố, huyện thị phải trực 24/24 để thực hiện công tác phòng, chống cơn bão số 5.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức cuộc họp khẩn phòng chống bão. Yêu cầu tất cả các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung toàn bộ nhân lực phòng chống bão số 5.
Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, sáng nay, ngày 2/8, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.
Quảng Ninh cấm mọi tàu thuyền hoạt động. |
UBND tỉnh đã yêu cầu, tất cả các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh dừng tất cả các cuộc họp để thường trực chống bão số 5. Đồng thời, yêu cầu toàn bộ lãnh đạo các thành phố, huyện trên địa bàn tỉnh phải trực 24/24 để thực hiện công tác phòng, chống cơn bão số 5.
Ông Đọc cũng cho hay, tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống cơn bão số 5 đang được dự báo là sẽ đổ bộ vào địa bàn tỉnh.
Trong đó, đặc biệt chú trọng điểm sung yếu. Đối với TX Quảng Yên cử ngay người túc trực 24h/ngày trên hệ thống tuyến đê biển Hà Nam, rà soát tất cả các vị trí xung yếu, sẵn sàng vật tư, lực lượng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra và chuẩn bị các phương án di dời dân và thông báo cho các hộ dân sinh sống ở khu vực đảo Hà Nam chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết để đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra do mưa bão.
Ông Đọc cũng cho hay, UBND tỉnh yêu cầu cảng tàu thông báo cho toàn bộ tàu thuyền trên vịnh dừng mọi hoạt động, vào nơi trú ẩn trước 14h ngày 2/8.
Đối với các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà, ông Đọc yêu cầu phải đặc biệt lưu ý các tuyến đê biển, đê ở các xã đảo. Các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều rà soát toàn bộ các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, sẵn sàng di dời dân.
Thái Bình: Di dời các hộ lao động nuôi ngao
Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão sớm hơn dự báo, từ sớm ngày 3/8, vùng ven biển có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng tâm bão gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ ngày 3/8 có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông. Bão vào đất liền lúc triều cường, nước sông cao vùng ven biển đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.
Khẩn trương di dời các hộ nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản. |
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh Thái Bình ra công điện yêu cầu tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn, hoàn thành trước 19 giờ ngày 2/8/2013; thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện về Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.
Nam Định: đảm bảo mạng lưới điện ổn định
Ban chỉ huy phòng chống bão lụt đã ra thông báo, yêu cầu các chủ đầm nuôi trồng thủy sản, hải sản vào nơi tránh trú; triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê, người ở trong đê tại các điểm xung yếu di dời người ở các khu nhà xuống cấp, hư hỏng, du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn xong trước 09 giờ ngày 03-8-2013; kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, người trên tàu thuyền đánh cá.
Kiểm tra, đôn đốc các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, chuẩn bị vật tư, phương tiện chống bão, đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, tài sản, công trình. Tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình, đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển và các công trình khác để có biện pháp đảm bảo an toàn; phát hiện xử lý kịp thời những hư hỏng, sự cố theo phương châm bốn tại chỗ.
Tiếp tục tiêu rút nước đệm; củng cố bờ vùng, bờ bao; kiểm tra máy móc, thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm để chủ động phòng chống úng, ngập khi mưa lớn. Điện lực Nam Định kiểm tra lưới điện, có phương án chủ động cấp đủ điện, đảm bảo chất lượng nguồn điện phục vụ yêu cầu tiêu úng.
Tuấn Long - Ngọc Tú
Theo Infonet