Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Các siêu thị, cửa hàng trên thế giới hoạt động ra sao thời đại dịch?

Các siêu thị và chuỗi cửa hàng lớn trên thế giới đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến trong đại dịch. Những nhân viên tuyến đầu được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Sieu thi thoi dich anh 1

Theo BBC, khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát tại châu Âu, người tiêu dùng khu vực vội vàng đến các siêu thị để tích trữ, những người khác tìm kiếm đến sự trợ giúp của Internet. Vào tháng 4, số lượt tìm kiếm trên Google toàn cầu cho "giao đồ ăn" và "đồ ăn gần đây" đã đạt mức cao kỷ lục.

Riêng tại Anh, người tiêu dùng tìm kiếm "hộp rau củ" cao hơn 6 lần so với một năm trước đó. Khi chính phủ siết chặt hạn chế, các siêu thị và gã khổng lồ trong lĩnh vực giao hàng Ocado và Amazon Fresh nhanh chóng quá tải.

Chỉ trong hai tháng, hơn 500 nhà cung cấp hộp rau củ ở Anh, bao gồm Farmdrop và Riverford, đã giao 3,5 triệu hộp nông sản tươi đến tận nhà khách hàng. Con số cao hơn gấp đôi so với doanh số bán hàng thông thường.

Sieu thi thoi dich anh 2

Người tiêu dùng Anh tìm kiếm "hộp rau củ" cao hơn 6 lần so với một năm trước đại dịch. Ảnh: AP.

Giao hàng trực tuyến tăng vọt

Giáo sư Moya Kneafsey tại Đại học Coventry nhận định các siêu thị "rất hiệu quả" trong việc cung cấp thực phẩm cho khách hàng. Tuy nhiên, những sáng kiến địa phương như chương trình "hộp thực phẩm" và chợ nông sản giúp đa dạng nguồn cung với người tiêu dùng.

Nhờ đó, người tiêu dùng có thể mua sắm dễ dàng, an toàn và có nhiều lựa chọn hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Một số chợ bán hàng trực tuyến cũng kết hợp với những nông dân dễ tổn thương. Chẳng hạn, iTradeNetwork đã cung cấp nền tảng trực tuyến cho những công ty đang gặp khó trong việc bán hoặc mua thực phẩm.

Những hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Wall Street Journal, vào ngày lễ Black Friday của năm 2020, khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại Mỹ, anh Jayl’in Clark - một nhân viên bán hàng 23 tuổi - thức dậy vào 6h sáng và bắt đầu đi đến trung tâm mua sắm lúc 7h15. Anh làm việc cho Dick’s Sporting Goods ở trung tâm mua sắm.

Nhóm của anh gồm 6 người. Tất cả đều phải tập làm quen với việc đeo khẩu trang và đập tay chào hỏi từ xa. Khi đại dịch bùng phát mạnh, công việc của anh Clark chuyển sang chuẩn bị đơn đặt hàng trực tuyến cho khách hàng.

Sieu thi thoi dich anh 3

Amazon mở thêm nhà kho và tuyển dụng hàng trăm nghìn nhân viên khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt. Ảnh: AP.

Trong quý III/2020, doanh số thương mại điện tử của cửa hàng tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào kỳ nghỉ lễ bận rộn, anh Clark thường làm việc qua trưa và cầm hơi bằng đồ ăn nhẹ.

Vào tháng 9/2020, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon.com đã mở thêm 100 nhà kho và địa điểm hoạt động mới. Tập đoàn cũng thông báo tuyển 33.000 người cho các vị trí làm việc tại văn phòng công ty và nhân viên kỹ thuật.

Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4, Amazon thông báo tuyển dụng lần lượt 100.000 và 75.000 nhân viên để làm việc trong các kho hàng. Nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng vọt giúp Amazon trở thành một trong những tập đoàn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo Bloomerbg, tập đoàn rất cần nhân viên để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng. Các nhân viên của Amazon tại những cơ sở hậu cần phải đeo khẩu trang bất kể đã tiêm vaccine hay chưa.

Công ty cũng thúc đẩy các nhân viên tuyến đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19, bao gồm những người lao động làm việc ở nhà kho, trung tâm hậu cần, nhân viên làm việc theo giờ tại chuỗi siêu thị Whole Foods Market, các cửa hàng tạp hóa Amazon Fresh và trung tâm dữ liệu Amazon WebServices.

Chương trình xổ số Max Your Vax dành cho những nhân viên đã tiêm chủng của Amazon bao gồm 18 giải thưởng với tổng trị giá lên đến gần 2 triệu USD, trong đó có 2 giải thưởng tiền mặt 500.000 USD, 6 giải thưởng 100.000 USD, 5 chiếc xe và 5 kỳ nghỉ.

Ngoài đẩy mạnh giao hàng trực tuyến, các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Mỹ cũng thực hiện nhiều biện pháp khác để ngăn ngừa dịch bệnh. Nhiều siêu thị và cửa hàng cung cấp khăn lau khử trùng cho khách hàng khi họ cầm vào giỏ.

Các cửa hàng bán lẻ cũng ngăn ngừa khả năng virus lây lan bằng cách chia giờ bán hàng hoặc sử dụng máy tự thanh toán. Họ cũng yêu cầu nhân viên rửa tay thường xuyên, sử dụng chất khử trùng và làm sạch bề mặt.

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Mỹ, các chuỗi siêu thị cũng thay đổi giờ mở cửa để phục vụ người cao tuổi và người có bệnh nền. Chẳng hạn, Whole Foods mở cửa sớm một giờ cho khách hàng trên 60 tuổi ở Mỹ và Canada.

Chuỗi cửa hàng Target cũng chỉ phục vụ người già và những người có bệnh nền trong giờ mua sắm đầu tiên vào thứ 4 hàng tuần. Walmart tổ chức một sự kiện mua sắm kéo dài một giờ cho khách hàng từ 60 tuổi trở lên.

Giao hàng không tiếp xúc

Hồi đầu năm 2020, khi Vũ Hán (Trung Quốc) bị phong tỏa, người dân không được phép ra khỏi khu dân cư của mình. Mọi liên lạc đều được thực hiện qua Internet. Cư dân đặt hàng qua mạng với nông dân, tiểu thương hoặc các siêu thị. Sau đó, nhân viên cộng đồng nhận hàng từ người chuyển phát rồi giao tới từng nhà.

Hàng sáng, ông Liu Yilin, một giáo viên về hưu, gửi một mảnh giấy ghi tên, số điện thoại và mã đặt hàng của mình cho nhân viên cộng đồng. Người này sau đó nhận hàng từ nhân viên chuyển phát tại cổng khu dân cư rồi giao tới ông Liu và những cư dân khác.

Dịch vụ giao hàng không tiếp xúc cũng ra đời vào tháng 2/2020, thời điểm dịch bùng phát nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc. Trong Nhật ký Bắc Kinh, nhà báo Tetsushi Takahashi - Trưởng văn phòng Nikkei Asian Review tại Trung Quốc - viết: "Thứ tư, ngày 26/2, tôi nhìn thấy những chiếc kệ màu đỏ trong một khu dân cư cũ cách khu trung tâm thương mại Bắc Kinh 3 km".

"Những chiếc kệ có dán dòng chữ 'giao hàng không tiếp xúc'. Đó là điểm nhận đơn hàng trực tuyến của siêu thị T11 Food Martket", ông mô tả. Việc giao hàng trở thành một vấn đề lớn đối với cư dân Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Siêu thị T11 Food Market đã đặt những kệ hàng tại cổng của hơn 100 khu dân cư. Khi hàng hóa được vận chuyển đến, khách hàng sẽ được thông báo qua điện thoại. Như vậy, người mua hàng không cần phải tiếp xúc với nhân viên giao hàng.

Các công ty chuyển phát nhanh thậm chí còn thiết kế những tủ đựng đồ tại các khu dân cư, nhất là chung cư, nhằm đảm bảo mỹ quan, tránh tình trạng lấy nhầm đồ hoặc ăn cắp hàng hóa của người khác.

Tại Bắc Kinh, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan còn sử dụng xe tự lái để giao thực phẩm cho khách hàng. Hãng cũng dùng bìa các tông chắn giọt bắn khi khách hàng dùng bữa ở nơi làm việc. Ở Thượng Hải, hãng Ele.me sử dụng máy bay không người lái giao hàng cho khách tại những khu vực bị cách ly nghiêm ngặt.

Theo New York Times, các nhóm tình nguyện viên cũng giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, người già và trẻ nhỏ không quen với việc sử dụng điện thoại và mua hàng trực tuyến.

Theo South China Morning Post, dĩ nhiên, việc Trung Quốc áp dụng thành công giao hàng không tiếp xúc là nhờ mạng lưới giao hàng tận nhà quy củ và phát triển. Đất nước 1,4 tỷ dân có mật độ dân số cao ở các khu đô thị, lực lượng lao động dồi dào và người tiêu dùng cởi mở với Internet.

Các công ty công nghệ cũng rót vốn đầu tư vào phần cứng, phần mềm và cải thiện hệ thống dữ liệu. "Giao bưu phẩm, đồ ăn hay thuốc men, Trung Quốc sở hữu một hệ thống giao hàng cực kỳ phát triển, hơn nhiều nơi khác trên thế giới", South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Mark Greeven thuộc IMD Business School (Lausanne, Thụy Sĩ) nhận định.

Các thành phố lớn mở cửa kinh tế như thế nào trong dịch Covid-19?

Các thành phố lớn trên thế giới đang tìm cách chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19 và xem đây là căn bệnh có thể tồn tại vĩnh viễn trong cộng đồng.

Đằng sau sự bùng nổ của thương mại toàn cầu trong thời dịch

Thương mại toàn cầu phát triển mạnh mẽ dù các chuỗi cung ứng chịu nhiều sức ép. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, giá cả tăng cao cũng là một phần nguyên nhân của sự gia tăng.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm