Vào hai tuần gần kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn năm 2019, có khoảng 3,21 triệu người đi qua sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ), tương đương 80% cư dân thành phố. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi hoạt động thường ngày của cảng hàng không bị ảnh hưởng, nếu không muốn nói là gián đoạn, bởi hoạt động của các hãng gọi xe công nghệ như Uber và Lyft.
Mức độ phổ biến của các ứng dụng gọi xe, cộng hưởng với sự gia tăng của số lượng khách bay, khiến việc di chuyển bằng ôtô ở sân bay trở nên khó khăn. Để đối phó với tình trạng này, sân bay quốc tế Los Angeles - cũng như nhiều sân bay khác trên thế giới - mở một khu vực đón khách dành riêng cho các tài xế công nghệ, được gọi là LAX-it.
Giờ đây, thay vì đợi tài xế bên lề đường, hành khách phải di chuyển bằng xe đưa đón đến bãi đậu xe LAX-it cách nhà ga 7-15 phút.
Các khách bay tại sân bay quốc tế Los Angeles từng mất 1 giờ để đợi xe Uber hoặc Lyft khi mới sân bay quy định điểm đón khách mới cho tài xế công nghệ. Ảnh: Getty Images. |
Hỗn loạn
Sự bùng nổ của dịch vụ gọi xe công nghệ khiến nhiều hoạt động của sân bay Los Angeles đảo lộn. Theo thống kê, 15% lượt đặt xe trong năm 2018 của Uber là đưa hoặc đón khách sân bay. "Lý do hành khách sử dụng ứng dụng gọi xe là chúng rẻ hơn taxi và rất đáng tin cậy", bà Karina Hermawan, chuyên gia nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu và Công nghệ Singapore-MIT, nhận xét.
Việc sử dụng các ứng dụng gọi xe cũng giúp hành khách tiết kiệm thời gian hơn phương tiện giao thông công cộng, nhất là khi ở nhiều sân bay, hành khách không thể di chuyển đến tàu điện ngầm dễ dàng như sân bay Los Angeles.
Vấn đề đặt ra là sự phổ biến của taxi công nghệ đe dọa nguồn doanh thu lớn của các sân bay. Theo một báo cáo của hãng tư vấn LEK Consulting, doanh thu bãi đỗ xe chiếm 23% doanh thu của những sân bay ở Bắc Mỹ.
Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia chỉ ra rằng kể từ khi dịch vụ gọi xe ra đời, doanh thu bãi đỗ xe trên mỗi hành khách của sân bay giảm 3-7% mỗi năm. Nếu xu hướng này tiếp tục, nhu cầu đỗ xe tại sân bay có thể sụt giảm đến 50%.
Sự ra đời của các hãng xe công nghệ khiến doanh thu bãi đỗ xe tại sân bay sụt giảm. Ảnh: Getty Images. |
Thêm vào đó, khi càng nhiều ôtô ra vào sân bay, trải nghiệm của hành khách sẽ càng tồi tệ hơn. "Các hành khách liên tục than vãn với chúng tôi về sự khó chịu của hệ thống đưa đón hiện tại", Keith Wilschetz, Phó giám đốc điều hành sân bay Los Angeles, tiết lộ trước khi áp dụng LAX-it.
Tuy nhiên, vào những tuần đầu áp dụng LAX-it, tình hình cũng rất hỗn loạn. Nhiều khách bay phải đợi ở điểm đón mới trong vòng 1 giờ, trong khi các tài xế chật vật chen qua dòng xe đông đúc.
Để giải quyết vấn đề này, sân bay phải mở rộng diện tích, đặt nhiều biển báo hơn và tăng gấp đôi số lượng xe đưa đón. Cuối năm 2019, lãnh đạo sân bay báo cáo rằng thời gian chờ đợi của hành khách hiếm khi vượt quá 10 phút, ngay cả vào thời điểm bận rộn nhất.
Tìm cách xoay xở
Ngoài sân bay Los Angeles, các cảng hàng không lớn khác có nhiều cách để giúp khách bay sớm thích nghi với khu vực đón mới. Chẳng hạn, sau khi chuyển điểm đưa đón của những ứng dụng gọi xe đến bãi đỗ xe của sân bay, sân bay quốc tế Seattle-Tacoma (bang Washington, Mỹ) tiến hành cải tiến phân làn giao thông và bố trí thêm nhân viên cho khu vực này.
Trong khi đó, tại điểm đón mới dành cho các tài xế công nghệ ở sân bay quốc tế Austin-Bergstrom (Austin, bang Texas), có 3 làn đường của taxi công nghệ được sơn màu xanh, đỏ, vàng với số tương ứng từ 1 đến 4. Mục đích là giúp hành khách và tài xế dễ dàng tìm vị trí của nhau.
Sân bay này cũng bố trí thêm xe điện và cung cấp dịch vụ thuê xe điện để đưa hành khách đến điểm đón. Trong khi đó, sân bay quốc tế Boston Logan (Boston, bang Massachusetts) còn cung cấp dịch vụ xe đẩy hành lý, dịch vụ xe lăn và dịch vụ kiểm tra hành lý tại điểm đón mới dành cho taxi công nghệ.
Nhiều hãng xe công nghệ cũng phối hợp với các cảng hàng không để giúp khách bay sớm thích nghi với quy định mới. Chẳng hạn, khi sân bay quốc tế Changi (Singapore) cấm taxi công nghệ đón hành khách ở khu vực xếp hàng của taxi hoặc khu đi, Grab đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về những điểm đón mới tại từng nhà ga của sân bay.
Ở điểm đón mới của sân bay Austin-Bergstrom, làn đường dành riêng cho taxi nằm ở bên trái, còn bên phải là 3 làn đường màu xanh, đỏ, vàng được đánh số dành cho taxi công nghệ. Ảnh: Getty Images. |
Cuối năm 2019, ứng dụng gọi xe Gojek thậm chí còn phối hợp với Angkasa Pura II (AP II) để ra mắt GoCar Instan. Tính năng gọi xe tại chỗ của Gojek cho phép khách hàng dễ dàng tìm thấy tài xế mà không làm tắc nghẽn giao thông. Tính năng mới đi cùng với điểm đón riêng dành cho GoCar Instan tại khu đi của nhà ga 2D và 2F. Gojek cũng đặt mục tiêu sớm có thêm điểm đón ở nhà ga 1A và 3.
Tổng giám đốc điều hành Soekarno-Hatta Agus Haryadi khẳng định rằng sự ra đời của GoCar Instan phù hợp với sáng kiến “sân bay thông minh”. Trong khi đó, ông Febri Toga Simatupang, Giám đốc pháp lý và truyền thông của AP II, bày tỏ sự hoan nghênh khi hãng gọi xe tích hợp công nghệ mới với sân bay.
"Chúng tôi tin rằng tính năng mới của Gojek sẽ cải thiện việc di chuyển của khách hàng tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta. Chúng tôi hy vọng tính năng này cũng sớm được triển khai ở các sân bay khác", ông nhấn mạnh.