Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các quốc gia tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nối lại chuỗi cung ứng

Việt Nam cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp tham gia mới, nâng cao giá trị trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dịch Covid-19, căng thẳng thương mại leo thang và tình hình địa chính trị diễn biến phức tạp là những nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới bị đình trệ trong giai đoạn 2020-2022. Các yếu tố này không chỉ khiến việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên khó khăn hơn, mà còn gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu toàn cầu.

Như ngành sản xuất ôtô, số liệu của AutoForecast Solutions cho biết tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đã ảnh hưởng tới nền công nghiệp sản xuất ôtô thế giới, khiến sản lượng sản xuất năm 2021 giảm hơn 10,5 triệu xe. Năm 2022, sản lượng sản xuất xe ô tô cũng sụt giảm khoảng 4,5 triệu chiếc và trong năm 2023 là khoảng 3 triệu chiếc.

Hàng loạt chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới đã phải tạm dừng giai đoạn này.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nối lại chuỗi cung ứng

Sau khi đại dịch cơ bản được khống chế, hoạt động thương mại được nối lại, các quốc gia đã nhanh chóng đưa ra chính sách thích ứng mới để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tình trạng thiếu chip toàn cầu từng ảnh hưởng lớn tới ngành sản xuất ô tô Nhật Bản khiến một loạt doanh nghiệp như Toyota, Honda, Nissan… phải cắt giảm sản lượng giai đoạn 2021-2022.

Đến giữa năm 2023, chính phủ Nhật Bản đã phải đề ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, chính phủ nước này đã công bố mục tiêu trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều mặt hàng chiến lược, quan trọng như chất bán dẫn.

Theo đó, Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn và các mặt hàng chiến lược quan trọng khác để phát triển năng lực cung ứng và xuất khẩu. Các biến động của nền kinh tế thế giới đã làm gia tăng mức độ cấp thiết của việc xây dựng lại chuỗi cung ứng giữa các nước có cùng quan điểm. Tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 tại Nhật Bản hồi tháng 5/2023 cũng nhấn mạnh các nước nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng tài nguyên, khoáng sản và chất bán dẫn.

chinh sach ho tro anh 1

Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường đầu tư dài hạn cho lĩnh vực chất bán dẫn. Ảnh: AP.

Tại Trung Quốc, để khôi phục sản xuất và hỗ trợ các doanh nghiệp nối lại chuỗi cung ứng, nhiều chính sách hỗ trợ đã được chính phủ nước này đưa ra như kéo dài thời gian miễn phí giao thông toàn quốc; giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng; giảm phí quản lý; hoãn nộp thuế; trợ cấp chi trả tiền lãi cho các khoản vay mới và hoàn lại khoản đóng góp cho an sinh xã hội…

Tại ASEAN, Thái Lan được coi là trung tâm sản xuất ô tô của khu vực, các chuyên gia cho rằng rất khó để một quốc gia khác trong khu vực có thể cạnh tranh vì Thái Lan có ngành công nghiệp ôtô định hướng xuất khẩu lâu đời.

Tuy vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, chính phủ Indonesia đã đề ra mục tiêu trở thành trung tâm pin xe điện toàn cầu, từ đó thu hút các nhà đầu tư và nhà sản xuất xe hơi lớn như Toyota, Hyundai mở rộng cơ sở sản xuất xe điện tại đây.

chinh sach ho tro anh 2

Chính sách hỗ trợ quy mô lớn được chính phủ Ấn Độ đưa ra để thu hút đầu tư từ các công ty công nghiệp, công nghệ cao như pin và chất bán dẫn.

Tương tự, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Maeil Business (Hàn Quốc) cuối năm 2023, ông Rajesh Kumar Singh, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ấn Độ đã tiết lộ về những chính sách hỗ trợ quy mô lớn mà quốc gia này đưa ra để thu hút đầu tư từ các công ty công nghiệp, công nghệ cao như pin và chất bán dẫn.

Thực tế, các chính sách hỗ trợ này đã được Ấn Độ áp dụng từ lâu và coi đây là một trong những lợi thế trong việc thu hút các nhà sản xuất công nghiệp, công nghệ lớn trên thế giới vào quốc gia này. Kết quả từ những chính sách hỗ trợ quy mô lớn này là Apple, Google cùng một loạt tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới như Samsung, LG, Hyundai, Kia… đều đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư vào quốc gia Nam Á này.

Thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI

Trong bối cảnh các quốc gia đều có các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nối lại, tham gia mới các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đòi hỏi đặt ra với Việt Nam cũng rất cấp thiết khi khu vực ASEAN, mà trọng tâm là Việt Nam, đang là điểm đến của nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới.

Hiện tại, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Việt Nam làm điểm “dừng chân” với các chuỗi sản xuất, cung ứng giá trị hàng chục tỷ USD. Điển hình trong đó là các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Canon, Kia, Honda, Toyota, Coca-Cola...

chinh sach ho tro anh 3

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh.

Năm ngoái, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất tại tỉnh Bình Dương với tổng vốn hơn 1,3 tỷ USD. Cùng năm, Tập đoàn Amkor đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn; Foxconn đầu tư 1,8 tỷ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất iPad, AirPods; LG Innotek đầu tư 1 tỷ USD

Chia sẻ tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết năm 2023, tập đoàn này đã đầu tư bổ sung 1,2 tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư lên 22,4 tỷ USD. Tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam.

Để thu hút hơn nữa nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao giá trị trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sử dụng vốn FDI.

chinh sach ho tro anh 4

Hạ tầng giao thông ở Khu công nghiệp Thaco Chu Lai. Ảnh: Việt Linh.

Đồng thời cần chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối các tỉnh, vùng kinh tế; mở rộng các Khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao…

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng để tăng cường tính bền vững của doanh nghiệp Việt trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, bản thân doanh nghiệp cần tiếp cận chuỗi giá trị theo hướng định vị làm sao để nâng cao giá trị gia tăng của cấu phần Việt Nam trong các chuỗi.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về vốn, miễn giảm thuế cho các ngành trọng điểm. Từ đó giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực…

Phạm Mỹ

Bạn có thể quan tâm