Theo Guardian, trái ngược với sự khởi đầu thuận lợi và kỳ vọng một năm mới tăng trưởng ổn định, khu vực châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và nguy cơ chia rẽ vì dịch virus corona chủng mới có nguồn gốc ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Đầu năm 2020, thương chiến Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt, sản xuất của EU tăng mạnh trong tháng 1, niềm tin tiêu dùng tăng mạnh. Ngày 13/2, Ủy ban châu Âu (EU) dự báo nền kinh tế trong khối “sẽ tăng trưởng ổn định” dù cảnh báo về loại virus mới đang bùng lên ở Trung Quốc.
Brussels dự tính dịch virus corona chủng mới sẽ đạt đỉnh trong 3 tháng đầu năm và chỉ có tác động "hạn chế" với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mọi thứ đảo lộn chỉ trong vài tuần.
Nền kinh tế toàn cầu lao đao và đối mặt suy thoái, thị trường chứng khoán rơi tự do. Tại nhiều quốc gia, dịch Covid-19 khiến các cửa hàng, nhà hàng và quán bar đóng cửa, chuỗi cung ứng toàn cầu tê liệt, các trận bóng bị hủy bỏ, các nhà hát và rạp chiếu phim cũng ngừng hoạt động.
Italy là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19. Chính quyền nước này sẽ chi 27,7 tỷ USD chống dịch. Ảnh: Getty. |
37 tỷ euro để chống dịch
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen mô tả dịch Covid-19 là cú sốc lớn với nền kinh tế châu Âu. Bà cho biết EU sẽ huy động ít nhất 37 tỷ euro (41 tỷ USD) để chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng trách nhiệm bảo vệ các quốc gia ngập trong nợ thuộc về chính phủ từng nước, chứ không phải ECB.
Tâm điểm của sự chú ý là cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro hôm nay 16/3 sau khi ECB khiến thị trường thất vọng vì không cắt giảm lãi suất cơ bản. Câu hỏi lớn hiện nay là các nhà lãnh đạo EU sẽ làm gì để bảo vệ nền kinh tế trước mối đe dọa của đại dịch.
Italy hiện là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giáo sư Lorenzo Codogno thuộc Trường Kinh tế London dự báo sản xuất của Italy sẽ sụt giảm 3,1-6,5% trong năm 2020. Chính quyền Italy cho biết sẵn sàng chi 25 tỷ euro (27,7 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế.
Giới chuyên gia nhận định các ngân hàng Italy hiện có sức khỏe tốt hơn nhiều so với năm 2011, tuy nhiên vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Giáo sư Codogno cho rằng EU cần hỗ trợ một hạn mức tín dụng nhất định cho Italy.
Khi dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát ở Italy, các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu chưa có những hành động hỗ trợ thiết thực và kịp thời. Ảnh: AP |
Tại Pháp, chính phủ cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Pháp cắt giảm dự báo tăng trưởng trong quý đầu tiên xuống còn 0,1%, thấp hơn so với ước tính trước đó là 0,3%.
Đức không chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 như Italy và Pháp, nhưng xuất khẩu nước này cũng lao đao vì tình trạng tê liệt ở Trung Quốc. Khảo sát của tổ chức ifo Institut cho thấy 56% công ty Đức nhận thấy “tác động tiêu cực” của dịch bệnh khi nhu cầu sụt giảm 44% và 52% nhà sản xuất cho biết nguồn cung đang bị thiếu hụt.
Để bảo vệ nền kinh tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẵn sàng đảo ngược quy tắc duy trì ngân sách cân bằng. Chủ tịch ifo Institut Clemens Fuest mô tả việc Berlin đảm bảo hạn mức tín dụng "không giới hạn" là "quyết định đúng đắn".
Kỳ vọng phục hồi "chữ V"
Dịch virus corona chủng mới tác động không đồng đều lên các ngành kinh tế. “Các nhà sản xuất giấy vệ sinh sẽ sống khỏe trong khi nhà hàng và khách sạn đối mặt với suy thoái”, Guardian dẫn lời nhà kinh tế Christian Odendahl thuộc Trung tâm Cải cách Châu Âu.
Nhà kinh tế Odendahl cho biết các nhà sản xuất châu Âu hi vọng nền kinh tế khu vực sẽ phục hồi theo mô hình "chữ V”, nghĩa là tăng trưởng sẽ bật lên rất nhanh sau quãng thời gian suy giảm và chạm đáy.
“Nếu không thể mua một chiếc kính bây giờ vì tình trạng gián đoạn nguồn cung, bạn có thể chờ một thời gian. Nhưng với nhà hàng hay du lịch, khách hàng chỉ đơn giản là hủy đặt bàn hay hủy chuyến”, ông Odendahl giải thích.
Do đó, nhiều khả năng nền kinh tế Đức với sức mạnh sản xuất sẽ phục hồi nhanh chóng so với các nước phụ thuộc vào du lịch như Tây Ban Nha hay Italy. Dù vậy, nhà kinh tế Odendahl cho rằng điều đó không nên ngăn cản các nhà hoạch định chính sách châu Âu hành động quyết liệt.
“Mọi công ty đều cần vốn để tồn tại khi các hoạt động kinh tế đóng băng", ông nhấn mạnh. Ông cũng muốn châu Âu hỗ trợ các quốc gia đang chìm trong nợ nần.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: AP. |
"Đây là lúc cần phải chia sẻ", nhà kinh tế Odendahl nhấn mạnh.
Ông Mário Centeno, người đứng đầu nhóm Eurogroup (bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro) cho biết các bộ trưởng sẽ công bố những biện pháp có quy mô lớn hơn số tiền 27 tỷ euro để giải quyết khủng hoảng.
Ông cho biết nhiều khả năng các bộ trưởng sẽ đồng ý với những biện pháp như đảm bảo nguồn vốn cho các doanh nghiệp, tăng trợ cấp thất nghiệp và giảm giờ làm cho người lao động.
Nghị sĩ Pháp Pascal Canfin kêu gọi châu Âu thông qua một gói kích thích kinh tế trong cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU cuối tháng này (ngày 26 và 27/3).