Big Tech - những công ty thống trị ngành dịch vụ trực tuyến và công nghệ của Mỹ đang sở hữu khối tiền mặt nhiều đến mức không biết phải làm gì. Chính điều này đang đặt ra vấn đề nghiêm trọng, Wall Street Journal nhận định.
Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới cũng đang là những người giàu nhất nước Mỹ.
Cụ thể, Amazon, Microsoft, Apple, Meta và Alphabet (công ty mẹ của Google) đang nắm giữ hơn 570 tỷ USD tiền mặt, bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn.
Theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence, con số này cao gấp đôi tổng số tiền mặt của 5 công ty phi tài chính giàu nhất tiếp theo trên chỉ số S&P 500.
Cơn bĩ cực vì...quá giàu
Doanh thu đáng mơ ước của nhóm Big Tech đến từ mô hình kinh doanh bán các sản phẩm và dịch vụ được sử dụng rộng rãi mà không có chi phí cố định cao ngất ngưởng, vốn là điều thường thấy ở các ngành truyền thống khác.
Nhóm Big Tech này đang ngồi trên núi tiền mặt trị giá 570 tỷ USD. Ảnh: Christian Hartmann/Reuters. |
Năm 2023, chỉ tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang về cho Apple, Alphabet (Google), Microsoft hơn 100 tỷ USD tiền mặt.
Trong khi đó, gã khổng lồ dầu mỏ Exxon Mobil ghi nhận dòng tiền kinh doanh chỉ hơn 55 tỷ USD trong cùng kỳ.
Số tiền khủng khiếp mà nhóm Big Tech tạo ra là mơ ước của rất nhiều ông lớn trong các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến hệ quả, khi các cơ quan quản lý ở Mỹ và trên toàn thế giới đã tập trung vào nhóm tinh hoa của giới công nghệ này, với quyết tâm không cho nó ngày càng lớn hơn.
Bằng chứng cho điều này là những nỗ lực mua lại và sáp nhập của Amazon, Adobe và Intel liên tiếp gặp trở ngại vì sự phản đối của các cơ quan quản lý toàn cầu.
Thống kê thu nhập từ hoạt động sản xuất của các công ty hàng đầu trên S&P 500. Ảnh: S&P Global Market Intelligence. |
Kể cả những thỏa thuận đạt được cũng mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi những nỗ lực vận động hành lang tốn kém.
Thương vụ mua lại Activision Blizzard của Microsoft phải mất gần 2 năm mới hoàn tất. Trong khi đó, vụ mua lại LinkedIn vào năm 2016 chỉ mất chưa đầy 6 tháng.
Việc có quá nhiều tiền mặt, nhưng lại rất khó để sử dụng cũng khiến nhóm Big Tech rơi vào thế bất lợi trong các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Google được cho là đang xem xét giá mua lại HubSpot, nhà cung cấp phần mềm dựa trên công nghệ điện toán đám mây được dùng để tiếp thị qua email và các chức năng liên quan đến quảng cáo khác.
Giá của một thỏa thuận như vậy có thể lên tới hơn 40 tỷ USD, con số cao hơn 30% so với giá trị thị trường của HubSpot kể từ trước khi Reuters đưa tin Google quan tâm đến công ty.
Nếu thành công, con số này sẽ gấp 3 lần quy mô của thương vụ lớn nhất lịch sử công ty, khi họ mua lại Motorola Mobility trị giá 12,5 tỷ USD vào năm 2012.
Tiến thoái lưỡng nan
Một động thái như vậy có vẻ liều lĩnh, đặc biệt là trong bối cảnh Google chỉ đang củng cố thêm đế chế quảng cáo trị giá 238 tỷ USD mỗi năm.
Google rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi có rất nhiều tiền nhưng lại bị các cơ quan chống độc quyền "đặt vào tầm ngắm" khi theo đuổi những thương vụ M&A. Ảnh: Wall Street Journal. |
Tuy nhiên, Google cũng có lý, bởi gã khổng lồ này đang sở hữu số tiền mặt thậm chí là vượt trội so với các công ty công nghệ khác với gần 98 tỷ USD tiền mặt sau khi trừ nợ trên sổ sách tính đến quý gần nhất.
Con số này cao gấp đôi số tiền mặt ròng của Meta và cao hơn nhiều so với số dư tiền mặt ròng của Apple là 64,5 tỷ USD.
Ngoài ra, thành công của Microsoft trong các vụ M&A gần đây, đặc biệt là trong cuộc đua AI, lĩnh vực được chú ý nhờ các mô hình phát triển bởi OpenAI - công ty do Microsoft đầu tư mạnh cũng khiến Google không thể đứng ngoài.
Mặc dù vậy, Wall Street Journal đánh giá việc Google theo đuổi thương vụ trị giá 40 tỷ USD trong lĩnh vực quảng cáo chắc chắn sẽ không hề dễ dàng.
"Liệu đây có phải là cách sử dụng vốn tốt nhất hay không", nhà phân tích Brent Thill của Jefferies đặt câu hỏi.
Ngoài ra, ông cũng trích dẫn thêm việc nhiều khả năng, thương vụ mua lại HubSpot sẽ gặp phải thách thức từ các cơ quan chống độc quyền của Mỹ và châu Âu.
Điều này không phải thiếu cơ sở, khi thực tế là HubSpot chạy trên Amazon Web Services — đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Google trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Bên cạnh việc theo đuổi các thương vụ M&A tốn kém, có rất nhiều cách để nhóm Big Tech sử dụng lượng tiền mặt lớn như vậy.
Trong vụ kiện chống độc quyền với Apple, Bộ Tư pháp Mỹ đã ghi nhận khoản mua lại cổ phiếu trị giá 77 tỷ USD của Táo khuyết trong năm 2023.
Apple chọn cách né tránh các thương vụ M&A lớn và trả cổ tức khủng để không phải đối đầu các cơ quan chức năng. Ảnh: Digital Information World. |
Để so sánh, con số này cao gấp đôi so với gần 30 tỷ USD mà Apple đã chi cho mảng nghiên cứu, một là bằng chứng cho thấy bản thân Apple đang có rất ít động lực để đổi mới hơn vì hãng đã cách ly khỏi sự cạnh tranh.
Thay vì "đốt tiền" cho các thương vụ tốn kém, Apple hiện chi khoảng 15 tỷ USD mỗi năm để trả cổ tức. Nhà sản xuất iPhone từ lâu cũng đã tránh xa các thương vụ lớn.
Beats Electronics trị giá 3 tỷ USD vào năm 2014 vẫn là thương vụ mua lại lớn nhất của Apple từ trước đến nay.
Thậm chí, tại cuộc họp thường niên của Apple năm 2010, Steve Jobs, nhà đồng sáng lập Apple đã nói đùa về việc sẵn sàng thổi bay số tiền mặt kỷ lục 40 tỷ USD của công ty vào một bữa tiệc khổng lồ.
Phát biểu tưởng như lời đùa ấy, hóa ra đang thực sự là một trong những cách sử dụng tiền mặt ít gây tranh cãi nhất cho nhóm Big Tech.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn