Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các ông chủ doanh nghiệp trốn thuế từng bị xử lý ra sao?

Không ít chủ doanh nghiệp từng dùng các thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, tuy nhiên đây hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.

Ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Asanzo đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Trốn thuế. Ảnh: Asanzo.

Ngày 24/6, sau khi bị khởi tố về tội Trốn thuế, ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình, đại diện pháp luật, Giám đốc CTCP Tập đoàn Asanzo đã bị bắt tạm giam.

Cơ quan điều tra xác định ông Tam đã chỉ đạo ông Tình ký các hợp đồng nguyên tắc với 3 công ty. Sau đó không xuất hóa đơn, để ngoài số sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo của CTCP Tập đoàn Asanzo.

Từ đó sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp hơn 15,7 tỷ đồng.

Chiêu trò tinh vi trốn thuế hàng trăm tỷ đồng

Tổng cục Thuế từng nhiều lần cảnh báo hành vi trốn thuế là vi phạm pháp luật nhưng hiện nay, không ít doanh nghiệp đã và đang tìm cách "né" nghĩa vụ nộp thuế, trục lợi bất hợp pháp. Trong đó, hành vi trốn thuế được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất là tạo các nghiệp vụ giả nhằm xuất hóa đơn, chứng từ giả để hợp pháp hóa các giao dịch mua - bán hàng hóa.

Trước đó, nhiều vụ việc trốn thuế đã được cơ quan thuế phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Như năm 2003, vụ buôn lậu, trốn thuế quy mô lớn tại Công ty Đông Nam (TP.HCM) từng gây xôn xao dư luận. Trong đó, bị cáo Nguyễn Gia Thiều, Giám đốc công ty cùng Kế toán trưởng Nguyễn Thanh Tùng và nhiều cá nhân liên quan đã bị khởi tố về tội Trốn thuế.

Thủ đoạn trốn thuế của các cá nhân này là khai thấp giá trị hàng hóa so với thực tế, không báo cáo thuế, chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, lập các chứng từ giả mạo chứng từ để trốn thuế.

Sau quá trình điều tra, xét xử, Nguyễn Gia Thiều bị tuyên phạt 20 năm tù, buộc phải nộp 148 tỷ đồng thu lợi từ buôn lậu, nộp bổ sung tiền trốn thuế gần 200 tỷ đồng. Các cá nhân khác có liên quan cũng bị tuyên phạt các mức án khác nhau từ 3-7 năm tù.

Một chủ doanh nghiệp khác cũng từng bị khởi tố tội Trốn thuế là ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc"), nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn. Theo cáo buộc, giai đoạn 2008-2018, ông Hệ nhờ người thân, bạn bè đứng tên đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập Công ty Đức Bình, CTCP Đầu tư Cái Mép.

Tại Công ty Cái Mép, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2016, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết, hợp tác kinh doanh trên 8 khu đất nhưng bản chất là thuê đất.

Sau đó, công ty này hợp tác kinh doanh với các đối tác khác rồi thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp đồng, thực chất đây là cho đối tác khác thuê lại.

Cáo buộc cho thấy giai đoạn 2011-2018, Công ty Cái Mép có tổng doanh thu theo những hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác trên 8 khu đất nêu trên là khoảng 133,6 tỷ đồng. Sau đó, ông Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo không thực hiện kê khai thuế, kê khai không đầy đủ, để ngoài sổ sách và không xuất hóa đơn các khoản thu đó. Mục đích để Công ty Cái Mép trốn đóng thuế với tổng số tiền hơn 39,7 tỷ đồng.

Sau quá trình điều tra, xét xử, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 5 năm tù về tội Trốn thuế, tổng hợp hình phạt với 3 bản án trước đó, ông Hệ phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.

dai gia tron thue anh 1

Một tiệm vàng tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) bị xác định trốn thuế 90 tỷ đồng hồi tháng 2/2022. Ảnh: Nghiêm Túc.

Tương tự, vụ án 100 bị cáo - đa phần là tổng giám đốc, giám đốc, kế toán các công ty - trong đường dây mua bán khống 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng với tổng doanh số hơn 63.700 tỷ đồng cũng từng gây xôn xao dư luận năm ngoái.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Minh Tú với vai trò cầm đầu, đã thuê người mua 646 doanh nghiệp. Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Tú thuê người “tự kê”, rồi “khai khống” doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); “khai giảm” (chỉ khai một phần nhỏ) doanh số hóa đơn bán ra của các công ty bán hóa đơn trên tờ khai thuế điện tử tại các kỳ quyết toán thuế của doanh nghiệp.

Tài liệu điều tra cho thấy với mục đích bán hóa đơn khống để thu lời, trong thời gian tháng 12/2020-10/2022, Tú đã trực tiếp và thông qua các đối tượng trung gian (gọi tắt là F1) sử dụng 646 công ty để bán hơn 1 triệu hóa đơn cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số là hơn 63.762 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 509 tỷ đồng.

Trốn thuế bị xử lý ra sao?

Trong vụ án kể trên, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt 7 năm tù đối với Nguyễn Minh Tú về tội “mua bán trái phép hóa đơn” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, tùy thuộc tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi, cá nhân vi phạm lĩnh vực thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.

Dưới góc độ hành chính, luật sư Giáp cho biết căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người trốn thuế sẽ bị xử phạt một lần số tiền thuế trốn nếu có từ một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm trở lên. Ngoài ra, tùy thuộc các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ khác, mức phạt tối đa cho hành vi trốn thuế có thể lên tới 3 lần số tiền thuế trốn.

Ngoài ra, trường hợp số tiền thuế trốn từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng người vi phạm từng bị xử phạt vi phạm về hành vi trốn thuế, đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội theo luật định, họ sẽ bị xử lý hình sự về tội Trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.

Các tình tiết định khung sẽ căn cứ theo số tiền thuế trốn của người phạm tội. Cụ thể, nếu trốn thuế từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, khung hình phạt áp dụng là phạt tiền 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Nếu số tiền trốn thuế ở mức từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, khung hình phạt là phạt tiền 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc 1-3 năm tù; còn nếu số tiền trốn thuế lớn hơn 1 tỷ đồng, người phạm tội sẽ bị phạt tiền 1,5-4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù 2-7 năm.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Toàn cảnh vụ Asanzo, từ lùm xùm xuất xứ đến lãnh đạo vướng lao lý

Từng là nhà sản xuất thiết bị điện tử chiếm thị phần lớn trong nước, Asanzo vướng loạt lùm xùm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và đến nay là lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý.

Quá trình 'lớn nhanh như thổi' của Asanzo, từng nắm 16% thị phần tivi

Ở thời hoàng kim, Công ty nghiên cứu thị trường GfK ước tính Asanzo nắm tới 16% thị phần tivi trong nước, xếp thứ 4 thị trường chỉ sau LG (17%), Sony (25%) và Samsung (35%).

Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam

Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang tạm giam.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm