Trong số các nước phát triển, Anh đang là quốc gia ghi nhận số ca mắc biến chủng Omicron cao nhất. Chủng virus này được cho là góp phần gây ra đợt bùng phát dịch mới tại đất nước sương mù.
Hôm 16/12, Cơ quan An ninh Y tế Anh thông báo nước này ghi nhận 88.376 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ. Đây là con số cao nhất kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca nhiễm ở Anh lên gần 11,1 triệu.
Trong khi đó, tổng số ca mắc biến chủng Omicron ở nước này đã vượt mốc 10.000 người.
Một sinh viên từ Đại học York trở về London dịp Giáng sinh giữa lúc ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở một số đại học trên khắp nước Anh. Ảnh: Guardian. |
Các nhà dịch tễ học tin rằng tình hình dịch bệnh tại Anh là lời cảnh báo sớm về tác động của biến chủng Omicron lên tình hình dịch bệnh và hệ thống bệnh viện, nhất là khi mùa đông đang tới gần.
Từ Canada…
Nước Anh phát hiện các ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên hôm 27/11. Chỉ một ngày sau, giới chức y tế Canada thông báo biến chủng mới cũng đã lây lan đến quốc gia Bắc Mỹ này.
Theo tiến sĩ Theresa Tam, lãnh đạo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, làn sóng dịch gây ra bởi biến chủng Omicron tại Canada chỉ chậm hơn Anh chút ít.
“Chúng ta chỉ chậm hơn các nước châu Âu một vài ngày, có thể là một tuần”, bà Tam nói, theo Global News.
Tiến sĩ Theresa Tam, lãnh đạo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, cảnh báo về khả năng biến chủng Omicron lây lan ra toàn đất nước. Ảnh: Reuters. |
Tình hình dịch bệnh tại Canada đang chuyển biến xấu đi trong những ngày gần đây. Hôm 15/12, nước này ghi nhận 5.810 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh từ đầu đại dịch lên 1.851.057 người. Trong số đó, gần 25.000 người đã thiệt mạng.
Theo tiến sĩ Peter Juni, giám đốc khoa học của Hội đồng Cố vấn Khoa học về Covid-19 của bang Ontario, Canada, tin rằng quốc gia này không còn thời gian để phung phí.
“Biến chủng Omicron bắt đầu gây ra thách thức thực sự, như những gì đang xảy ra tại Anh và Đan Mạch. Thách thức đối với Canada cũng là tương tự, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”, ông nói. “Không thể đối phó với biến chủng Omicron nếu không hành động nhanh chóng. Chúng ta cần nhận thức rõ điều này”.
Tiến sĩ Gerald Evans, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queen’s, bang Ontario, chỉ ra các kết luận ban đầu về độc lực của chủng Omicron đang khá mâu thuẫn. Ông cũng nhận định chưa thể kết luận chính xác chủng Omicron sẽ tác động thế nào đến tình hình dịch bệnh tại Canada, cũng như tác động đến hệ thống y tế.
“Chúng ta mới chỉ có thể chắc chắn Omicron là một biến chủng có khả năng lây lan cao”, ông nói. “Do đó, chúng ta sẽ có thể thấy sự tăng mạnh về số ca bệnh”.
Theo bà Linda Bauld, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Edinburgh (Anh), Canada cần theo bước Anh trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi thứ ba trong dân chúng.
Chính phủ Anh đang kêu gọi người dân đi tiêm mũi vaccine thứ ba để đối phó với biến chủng Omicron. Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, dù các loại vaccine hiện nay có hiệu lực thấp hơn với biến chủng mới, con số này có thể đạt 70-75% sau khi tiêm mũi thứ ba.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố mọi người dân trên 18 tuổi có thể được tiêm mũi vaccine thứ ba trong tháng 12 này. Tính đến hết ngày 14/12, gần 25 triệu người Anh đã được tiêm chủng bổ sung.
“Mũi tiêm bổ sung làm tăng phản ứng miễn dịch. Do đó, tôi hy vọng chúng ta có thể vượt qua làn sóng dịch này”, giáo sư Bauld nhận định.
Mũi tiêm thứ ba được coi là biện pháp cần thiết để đối phó với biến chủng Omicron. Ảnh: BBC. |
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Gerald Evans, các biện pháp khác như giảm số giờ mở cửa của nhà hàng hay hạn chế tụ tập đông người cũng cần được thực hiện.
“Tôi nghĩ việc làm tất cả mọi thứ có thể để giảm số ca nhiễm, rồi chờ xem tình hình tiếp diễn thế nào, là điều hợp lý”, tiến sĩ Evans nói. Nếu dịch bệnh tác động đến các bệnh viện hay nhà dưỡng lão, Canada sẽ cần “hành động nhanh chóng để đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm”, ông khẳng định.
… đến châu Âu
Không chỉ Canada, các nước “hàng xóm” của Anh tại châu Âu cũng đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh tại xứ sở sương mù để rút ra bài học, cũng như đề ra đối sách phù hợp.
Giới chức y tế Na Uy cảnh báo biến chủng Omicron có thể đẩy số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia Bắc Âu này lên 300.000 ca, nếu các biện pháp đề phòng không được thực thi. Trong khi đó, nhà dịch tễ học người Na Uy Frode Forland cảnh báo số ca nhập viện có thể lên đến 500 ca mỗi ngày, gần gấp đôi con số kỷ lục trước đây.
“Điều này là không thể ngăn chặn. Chiến lược của Na Uy đang là kéo dài thời gian”, ông Forland nói với Financial Times. “Tình hình đang rất nghiêm trọng, do đó, chúng tôi phải hành động quyết liệt. Số ca lây nhiễm đang gia tăng theo cấp số nhân”.
Chính phủ Na Uy hôm 13/12 đã ban hành một loạt biện pháp hạn chế mới, bao gồm cấm phục vụ đồ uống có cồn tại nhà hàng và quán bar hay yêu cầu quân đội hỗ trợ việc tiêm vaccine bổ sung.
Theo kết quả giải trình tự gene gần nhất được công bố tại Thụy Sĩ, biến chủng Omicron chỉ chiếm 2,7% số ca dương tính với Covid-19. Tuy vậy, con số này đã được đưa ra cách đây 2 tuần.
Thụy Sĩ là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Tây Âu. Chưa đầy 70% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine, theo số liệu của chính phủ. Điều này khiến Thụy Sĩ có nguy cơ tổn thương cao trước biến chủng mới, đặc biệt khi mùa đông lạnh lẽo khiến nhiều hoạt động được tổ chức trong phòng kín.
Hôm 16/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tụ họp tại Brussels để bàn về cách đối phó với biến chủng mới mà không phải đóng cửa biên giới trở lại. Tuy vậy, trước khi cuộc họp bắt đầu, các nước châu Âu đã hành động để chặn đà lây lan của virus.
Một số nước châu Âu đã áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng biến chủng Omicron. Ảnh: AFP. |
Hy Lạp, Italy và Bồ Đào Nha đã gia hạn hoặc áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát biên giới. Tuy vậy, EU lo ngại các biện pháp này có thể khiến nhiều công dân EU gặp lại bạn bè và người thân vào dịp lễ Giáng sinh và năm mới.
Các quốc gia châu Âu khác cũng đang chờ đợi cuộc tấn công “tổng lực” của chủng Omicron. Trong khi làn sóng dịch thứ năm đang dần lắng dịu, giới chức y tế Pháp cảnh báo biến chủng Omicron có thể gây ra làn sóng dịch thứ sáu.
Paris tuyên bố ý định áp đặt thêm các biện pháp hạn chế với người về từ Anh kể từ ngày 18/12. Cụ thể, danh sách lý do di chuyển bị cắt ngắn, trong khi quy định cách ly 48 giờ sau khi nhập cảnh sẽ được áp dụng.
“Các biện pháp này được áp đặt trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh tại Anh”, AP dẫn lời Thủ tướng Pháp Jean Castex.