Trong khi dự thảo về thuế tài sản gây tranh cãi mới chỉ là đề xuất để Chính phủ xem xét và đưa ra thảo luận, Zing.vn điểm lại việc các nước láng giềng đang thực hiện đánh thuế này như thế nào.
Thái Lan
Đất nước chùa vàng đang vận hành sắc thuế tài sản, không tách riêng nhà và đất khi đánh thuế.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan. |
Đối tượng chịu thuế là nhà và đất để ở, hay sử dụng vào mục đích thương mại do các tổ chức, cá nhân sử dụng.
Biểu thuế suất của Thái Lan được thiết kế theo mục đích sử dụng: Thuế suất dưới 0,5% đối với nhà đất sử dụng cho mục đích thương mại; 1% đối với đất không sử dụng, đất bỏ hoang; dưới 0,1% đối với nhà đất ở thành thị; dưới 0,05% đối với nhà đất ở nông thôn.
Về giá nhà, đất để tính thuế, mức giá này ở Thái Lan do các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xác định và công bố theo định kỳ 3 năm/lần.
Thuế phải nộp tính trên cơ sở giá trị nhà, đất nhân với thuế suất quy định.
Thái Lan cũng thực hiện chính sách miễn thuế nhà đất đối với công trình công cộng, nhà đất của vua, của chính quyền...
Indonesia
Tại Indonesia, thuế đánh vào nhà ở, đất ở đặc trưng nhất ở đất nước này là thuế bất động sản, hay còn gọi là thuế nhà, đất. Sắc thuế này đã được áp dụng từ lâu đời.
Thuế bất động sản ở nước này được áp dụng theo giá trị trên thị trường vốn đối với tất cả đất đai và công trình xây dựng, ngoại trừ bất động sản có giá trị dưới 7 triệu Rupiah (11.580.000 đồng) và thuộc các nhóm được miễn thuế theo quy định cụ thể.
Về thuế suất, Indonesia áp dụng chung một mức là 0,5% cho đất và công trình xây dựng, nhưng chỉ tính trên 20% giá trị đất và công trình xây dựng theo giá thị trường.
Về giá tính thuế, đối với công trình xây dựng, giá tính thuế được xác định căn cứ vào đơn giá xây dựng trung bình trên thị trường, tùy loại kết cấu công trình, trang bị nội thất, hệ thống cung cấp điện nước. Đối với đất ở, giá tính thuế chủ yếu xác định theo giá thị trường tùy theo vị trí đất.
Số thuế thu được từ thuế nhà, đất được trích ra 9% để bù đắp chi phí thu thuế. Số còn lại được phân phối cho các cấp ngân sách theo tỷ lệ: cấp trung ương 10%, cấp tỉnh 16,2%, cấp huyện 64,8%.
Malaysia
Malaysia lại chia sở hữu bất động sản thành 2 loại: Cho thuê và sở hữu hoàn toàn. Nước này cũng chia thuế nhà ở và đất riêng. Tiền nộp thuế nhà và phân loại tài sản thay đổi theo từng tiểu bang thậm chí khác nhau trong một tiểu bang. Đối với đất ở, tiền thuế cũng được thu mỗi năm một lần và cũng thay đổi theo từng tiểu bang.
Lào
Với thuế đất, quốc gia này có cách phân chia chi tiết. Cụ thể, Cục thuế Lào sẽ phân loại mục đích sử dụng (công nghiệp, nông nghiệp, thương mại…), vị trí (ngoại ô, nội thành…) để tính mức thuế phải đóng trên từng mét vuông. Loại thuế này thay đổi theo năm, nhưng ở mức rất thấp.
Với thuế tài sản trên đất như nhà ở, các cơ sở hạ tầng, mức thuế giá trị lợi tức gia tăng dao động từ 0-24%, tùy vào mục đích sử dụng như nơi cư trú, kinh doanh hay từ thiện.
Campuchia
Campuchia đánh thuế 0,1% giá trị cho mọi công trình xây dựng, nhà ở, cao ốc... Giá trị của công trình sẽ được Hội đồng đánh giá tài sản nhà đất trực thuộc Cục thuế quyết định. Quý I hàng năm, người dân Campuchia sẽ được thông báo nộp thuế từ Cục thuế.
Chính sách này đã được áp dụng từ năm 2010. Ngoài ra, các loại thủ tục và chi phí chuyển đổi bất động sản của Campuchia cũng rất dễ dàng.
Brunei
Brunei khác các quốc gia còn lại ở khu vực, khi không đánh thuế đất mà chỉ đánh thuế nhà (gồm cả nhà thương mại), với mức 12% giá trị.
Philippines
Philippines quy định các loại nhà chịu thuế gồm nhà ở, nhà kinh doanh, đất ở, đất xây dựng công trình, và tính thuế 2% ở Manila, 1% ở tỉnh khác.
Ở một số quốc gia khác, việc đánh thuế tập trung từ căn nhà thứ hai trở đi, hay các tài sản nhà ở không có chủ sở hữu, để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản.
Singapore
Tại Singapore, các bất động sản nhà ở với mức giá dưới 8.000 USD được hưởng thuế bất động sản bằng 0. Đây chủ yếu là căn hộ có một và hai phòng.
Mức thuế tài sản dao động từ 4-16% giá trị nhà, đất vượt ngưỡng, trong đó nhà thương mại, nhà công nghiệp là 10%. Thuế bất động sản đối với nhà bỏ trống từ 10-20%.