"Những quốc gia dễ bị tổn thương đang bị các nước giàu phản bội. EU, Mỹ và những quốc gia khác đã và đang ngăn chặn việc triển khai nguồn tài chính để hỗ trợ họ”, Tasneem Essop, từ mạng lưới hành động vì môi trường CAN, cho biết.
"Chúng tôi rất thất vọng về những gì đang xảy ra tại các cuộc đàm phán ở Bonn", bà Essop nói với BBC.
Thông qua nhiều diễn đàn khác nhau tại hội nghị giữa năm của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, diễn ra tại Bonn (Đức), các nước đang phát triển cố gắng đưa ra nhiều chương trình nghị sự hướng tới Hội nghị COP27 vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, những nỗ lực này đang vấp phải sự cản trở từ các quốc gia giàu có hơn. Họ từ chối hỗ trợ tài chính để bù đắp cho những tổn thất và thiệt hại mà họ đã gây ra. Bên cạnh đó, vấn đề gánh nặng biến đổi khí hậu không cân xứng, cùng với sự cân bằng giữa giảm thiểu và thích ứng, vẫn là những thách thức lớn.
Sự "phản bội"
Tại Bonn, các nước đang phát triển nói rằng trong Hội nghị COP26, họ đã nhận được cam kết từ các nước giàu hơn về việc bù đắp những mất mát và thiệt hại phải gánh chịu do biến đổi khí hậu.
Hội nghị giữa năm về biến đổi khí hậu diễn ra tại Bonn, Đức, vào ngày 6-16/6. Ảnh: Twitter. |
Họ tin rằng các quốc gia sẽ tạo ra một nguồn tài chính mới để chi trả cho các tác động của biến đổi khí hậu mà các nước nghèo không thể thích ứng. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Mỹ và châu Âu “bỏ ngoài tai” trong hội nghị lần này.
“Chúng tôi đang sống với mất mát và thiệt hại trong 25 năm qua”, bà Adriana Vasquez Rodriquez từ Hiệp hội La Ruta del Clima, một nhóm bảo vệ môi trường ở Costa Rica, cho biết.
“Chúng tôi có những gia đình mất trắng nhà cửa, hoa màu, tính mạng mà không ai bù đắp, chúng tôi đang cạn kiệt nguồn lực, đồng thời sống phụ thuộc vào nợ nần”, bà nói.
Đối với nhiều bên tham gia đàm phán tại Bonn, mất mát và thiệt hại đã trở thành vấn đề then chốt trong các cuộc thảo luận về khí hậu toàn cầu.
Các quốc gia đang phát triển cho rằng họ chịu tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn các nước giàu và có ít nguồn lực tài chính để ứng phó hơn.
Họ cũng cáo buộc những tác động của biến đổi khí hậu hiện nay là do lượng khí thải carbon phát ra từ các quốc gia giàu có hơn trước đây. Do đó, châu Âu và Mỹ hiện có trách nhiệm bù đắp cho những tổn thất của họ.
Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu không đồng ý. Phương Tây lo sợ rằng nếu trả tiền cho lượng khí phát thải trong quá khứ, họ có thể khiến đất nước của mình phải gánh chịu hàng tỷ USD trong nhiều thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ tới.
Đe dọa sự thống nhất
Vấn đề đã trở nên gay gắt tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, nơi các quốc gia đạt được cái gọi là “thỏa thuận tế nhị”.
Theo đó, các quốc đảo và các nước đang phát triển ký kết Hiệp ước khí hậu Glasgow với trọng tâm lớn là cắt giảm carbon, nếu các nước giàu thiết lập một quy trình hỗ trợ bù đắp tổn thất và thiệt hại.
Người Ấn Độ phải trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục. Ảnh: BBC. |
“Thỏa thuận dựa trên sự thấu hiểu rằng các quốc gia sẽ sẵn sàng bắt đầu đối thoại và đưa ra quyết định về việc triển khai nguồn tài chính hỗ trợ”, tổ chức về môi trường Alex Scott từ E3G cho biết.
"Nhưng chúng tôi không thấy điều đó thành hiện thực ở đây (Bonn)”, tổ chức này nhận định.
Các quốc gia nghèo hơn vốn hy vọng rằng cuộc họp tại Bonn sẽ chính thức đưa việc bù đắp mất mát và thiệt hại vào chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị COP27, ở Sharm El-Sheikh, vào tháng 11 sắp tới.
Tuy nhiên, điều đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Nếu không có tiến triển nào được ghi nhận, nhiều người tham gia hội nghị cho rằng đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự thống nhất trước COP27.
“Sẽ thật bi thảm”, Đại sứ Conrod Hunte, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) chia sẻ. Ông tỏ ra không hài lòng với những gì đạt được trong cuộc họp ở Bonn.
Trong khi đó, các nhà vận động khí hậu phản ứng mạnh mẽ hơn. Một số nhắm vào đặc phái viên tổng thống về khí hậu John Kerry, người đã nói với BBC khi bắt đầu cuộc họp tại Bonn rằng thế giới sẽ bị "nấu chín" nếu lượng khí thải carbon không được cắt giảm nhanh chóng.
“Các nước phía nam đang làm mọi cách để Mỹ - nước phát thải lớn nhất trong lịch sử - trả giá cho những tổn hại mà họ đã gây ra”, Rachel Rose Jackson, từ tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability, cho biết.
"Nhưng Mỹ liên tục trì hoãn để tránh phải chịu bất kỳ trách nhiệm hoặc thực hiện hành động nào đối với cuộc khủng hoảng khí hậu. Không phải nước Mỹ bị 'nấu chín', họ mới là người khiến tự điều đó xảy ra", cô nói.