Một loạt thảm họa đang hoành hành tại Mỹ khi đất nước bước vào mùa hè, với những cảnh báo về tình trạng đáng lo ngại trong nhiều tháng tới ở một số khu vực.
Khoảng 120 triệu người đang phải theo dõi cảnh báo và khuyến nghị từ các nhà chức trách khi một đợt nắng nóng đang thiêu đốt khu vực miền Đông Nam và Trung Tây, theo AFP.
"Một vòm áp suất cao dự kiến tạo ra nhiệt độ cao hơn bình thường, có thể đạt mức kỷ lục trên toàn khu vực cả ngày hôm nay và ngày mai", với các chỉ số nhiệt "ở mức trên 100 độ F (khoảng 38 độ C) ở nhiều địa điểm", Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) cho biết hôm 14/5.
Các khu vực thuộc Indiana, Kentucky và Ohio đã được cảnh báo mức nhiệt có thể lên tới 109 độ F (43 độ C).
Nhà khí tượng học Alex Lamers của NWS cho biết vòm áp suất cao đang gây ra những hiện tượng cực đoan xung quanh vùng ngoại vi của nó.
Ông cho biết “giông bão và lốc xoáy, lũ quét, lượng mưa cực lớn” thường xuyên đi kèm mỗi khi có một đợt sóng nhiệt lớn ập đến.
Lũ lụt sau trận mưa lớn kỷ lục làm sụt đường trong Vườn Quốc gia Yellowstone. Ảnh: AFP. |
Bão lũ hoành hành
Rìa phía bắc của vòm nhiệt, nơi nhiệt độ cao va chạm với không khí lạnh hơn, đã chứng kiến một số cơn bão dữ dội vào ngày 13/6.
Hàng trăm nghìn người không có điện ở Trung Tây sau khi giông bão hoành hành ở khu vực này.
Thời tiết tại khu vực dự kiến tiếp tục bất ổn, với mưa đá và gió giật mạnh.
Xa hơn về phía tây, các bức ảnh và video do Cục Công viên Quốc gia (NPS) công bố cho thấy Yellowstone, vườn quốc gia lâu đời nhất của đất nước, đang bị lũ lụt tàn phá.
Công viên rộng 8.900 km2 ở Wyoming, nơi có mạch nước phun Old Faithful nổi tiếng, đã bị đóng cửa hôm 13/6 sau khi nước sông dâng làm ngập hoặc sụt nhiều đoạn đường và cắt đứt giao thông của một cộng đồng gần đó.
Đội kiểm lâm của khu vực đã cảnh báo về "tình trạng cực kỳ nguy hiểm" và yêu cầu mọi người ra khỏi công viên.
"Mức lũ đo được trên sông Yellowstone vượt quá mức kỷ lục trước đây", NPS cho biết trên trang web của họ.
"Đánh giá sơ bộ cho thấy nhiều đoạn đường trong toàn bộ công viên đã bị ngập hoặc bị bùn, đá bao phủ. Nhiều cây cầu có thể bị ảnh hưởng”.
Cộng đồng Gardiner, nằm ngay bên ngoài rìa công viên ở bang Montana, đã bị cúp điện. Một số hộ dân bị mất cả nước lẫn điện, NPS cho biết.
Nhiệt độ ở California đã lên tới 46 độ C vào ngày 12/6. Ảnh: AFP. |
"Lò lửa"
Tại California và Arizona, mức nhiệt cao hồi cuối tuần đã khiến một số khu vực được miêu tả như những “lò lửa”
Nhiệt độ tăng cao cùng với hạn hán kéo dài đang làm trầm trọng thêm các trận cháy rừng theo mùa.
Hai đám cháy khổng lồ, mỗi đám đã trải rộng hơn 120.000 ha, tiếp tục hoành hành ở New Mexico.
Linh cứu hỏa vẫn đang chiến đấu với hai đám cháy Black Fire và Hermits Peak, cố ngăn chặn lửa lan rộng.
New Mexico và phần lớn miền Tây Nam đã bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán nghiêm trọng, với lượng mưa dưới mức trung bình trong nhiều năm.
Hàng chục đám cháy khác đã bùng lên trên khắp khu vực.
Cháy rừng là một phần của chu kỳ tự nhiên, giúp loại bỏ thực vật chết và dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển mới. Tuy nhiên, kích thước và độ hung bạo của các đám cháy đã tăng lên trong những năm gần đây do ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng, nhân viên cứu hỏa cho biết.
Nhân viên sở cứu hỏa hạt San Bernardino chiến đấu với đám cháy đang di chuyển nhanh ở Wrightwood, California, trong tháng 6. Ảnh: AFP. |
NWS cảnh báo trên trang web của họ: "Thời tiết khô và gió to dự kiến tiếp tục gây nguy cơ cháy cao đến mức nghiêm trọng trên khắp các khu vực từ Tây Nam đến cao nguyên miền Trung và Nam".
Những người đứng đầu lực lượng cứu hỏa đang cảnh báo rằng năm 2022 có thể sẽ là một năm khủng khiếp vì cháy rừng.
Với điều kiện thời tiết hiện nay, “tôi thấy trước mắt chúng ta là bốn, năm, sáu tháng rất khó khăn”, ông Brian Fennessy, Cảnh sát trưởng hạt Orange, California, cho biết vào tuần trước.
Các nhà khoa học cho biết hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan dễ xảy ra hơn.