Cuộc thảo luận diễn ra tại Toronto (Canada) vào ngày 2 và 3/5. Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong 11 nước, dự kiến sẽ là bên chủ trì. Sự kiện tại Toronto được xem là phiên họp chuẩn bị cho cuộc gặp cấp bộ trưởng sẽ diễn ra tại Việt Nam vào ngày 21 - 22/5.
Trước đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề TPP của Nhật Bản Nobuteru Ishihara đã có các cuộc trò chuyện riêng lẻ với Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne để xác nhận rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau.
"Canada đã đề nghị Nhật Bản đóng vai trò trung tâm", tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời ông Ishihara nói sau cuộc họp của nội các Nhật Bản hôm 28/4, hàm ý rằng Tokyo sẽ là bên đóng vai trò dẫn dắt các cuộc gặp sắp tới.
Lãnh đạo các nước thành viên TPP gặp nhau bên lề hội nghị APEC cuối năm 2016. Ảnh: Straits Times. |
Trong cuộc họp cấp bộ trưởng hồi tháng 3 ở Chile, 11 nước còn lại trong TPP đã thông qua tuyên bố chung xác nhận về lợi ích kinh tế và chiến lược của hiệp định này. Theo đó, các nước không có bất đồng lớn khi nói về sự quan trọng của các hoạt động thương mại và luật lệ đầu tư đã được thống nhất trong TPP.
Dù vậy, các thành viên TPP đã thỏa hiệp trong nhiều lĩnh vực dựa trên kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tham gia hiệp định này.
"Không có khác biệt lớn về chuyện tất cả các nước đều mong hưởng lợi từ TPP nhưng họ vẫn tranh cãi việc làm sao để có được lợi ích đó", Yomiuri Shimbun dẫn lời một nguồn tin thân cận với các cuộc bàn thảo nhận định trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP.
Hiện có 3 viễn cảnh cho việc đưa TPP đi vào hiệu lực. Ở viễn cảnh thứ nhất, các nước sẽ phải thay đổi điều kiện để TPP có hiệu lực. Điều kiện hiện tại là phải có ít nhất 6 nước (trong 12 nước ban đầu) với tổng GDP trên 85% GDP toàn khối hoàn tất quy trình thông qua hiệp định này trong nước.
Trong tình thế hiện nay, 11 nước còn lại không thể đáp ứng yêu cầu này khi chỉ riêng Mỹ đã chiếm đến 60% GDP của toàn bộ 12 nước.
Viễn cảnh thứ 2 là 11 nước phải đàm phán lại các điều khoản trong TPP trong khi viễn cảnh thứ 3 là thiết lập một khu vực tự do thương mại mới bằng việc bổ sung các nước khác.