Ngày 24/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức Hội thảo ASEAN - Ấn Độ về kinh tế biển xanh, từ khái niệm đến hành động, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao, đây là sáng kiến của Việt Nam và cũng là một phần trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ.
Kinh tế biển đang đóng góp khoảng 23% vào GDP của Việt Nam. Ảnh: An Bình |
“Hội thảo nhằm cụ thể hóa chiến lược hợp tác về kinh tế biển giữa các nước ASEAN và Ấn Độ. Trong đó chú trọng tới những đề xuất cụ thể, hướng tới xây dựng nhận thức chung trong khu vực về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Đồng thời xây dựng các cơ chế hợp tác phù hợp, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững”, Thứ trưởng Dũng thông tin.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, hiện quy mô kinh tế biển của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 23% GDP. Trong tương lại gần, con số này sẽ đạt mức xấp xỉ 50%. Vì vậy, con đường phát triển kinh tế biển bền vững, tức phải gắn kết với đảm bảo môi trường phải được đặt lên hàng đầu.
“Hiện nay phát triển nền kinh tế bền vững - kinh tế xanh, là một xu thế tất yếu không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng. Giữa các nước ASEAN và Ấn Độ đã ký kết nhiều thỏa thuận, hiệp ước về kinh tế.
Trong đó hợp tác khai thác kinh tế biển rất được chú trọng. Tuy nhiên, việc liên kết, hợp tác kinh tế biển phải dựa trên nền tảng sự bền vững và tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Parvathaneni Harish, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Parvathaneni Harish cũng đề xuất, sắp tới các nước thuộc ASEAN và Ấn Độ, cần tổ chức thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa về kinh tế biển xanh, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, xem xét khả năng hợp tác về năng lượng đại dương…
Tại hội thảo, các đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học cũng nêu ý kiến về việc phải có một cuộc khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình thực tiễn về liên kết, hợp tác kinh tế biển. Trong đó, chú trọng vào hợp tác khai thác cảng, vận tải, năng lượng xanh, và cơ chế tài chính sáng tạo trong kinh tế biển xanh.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Biển Việt Nam (2012), Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển.
Cụ thể, 6 lĩnh vực kinh tế biển được Nhà nước tập trung phát triển (theo Điều 43 Luật Biển Việt Nam) gồm: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; Du lịch biển và kinh tế đảo; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển…