Lâu nay, truyện tranh luôn là một ngành công nghiệp sáng tạo do nam giới thống trị. Khi lần đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, truyện tranh hướng đến đáp ứng nhu cầu cho cả bé gái và bé trai. Đã có hơn 90% trẻ em trong những năm 1940 đọc truyện tranh bất kể giới tính.
Tuy nhiên, những người sáng tạo ban đầu hầu như là nam giới và đến những năm 1960, ngành công nghiệp truyện tranh đã nghiêng hẳn về độc giả nam và thanh thiếu niên. Khi lợi nhuận chủ yếu đến từ độc giả nam, các nhà xuất bản dần hình thành định kiến rằng chỉ có độc giả nam mới mua truyện tranh. Từ đó, họ ưu tiên những câu chuyện về nam và xu hướng này vẫn đang tồn tại cho đến ngày nay.
Nam giới “thống trị” các vũ trụ siêu anh hùng
Hiện nay, Marvel, DC và Image (đơn vị cho phép người sáng tạo vẫn sở hữu bản quyền truyện tranh sau khi xuất bản) là 3 nhà xuất bản truyện tranh lớn nhất thế giới. Theo tạp chí về ngành công nghiệp sáng tạo ICv2, ba nhà xuất bản này chiếm 71,4% thị trường truyện tranh toàn cầu.
Chỉ tính riêng tháng 4/2024, Marvel đã phát hành 64 số truyện tranh mới, DC phát hành 41 số và Image phát hành 44 số. Trong toàn bộ các ấn bản này, nhân vật nam và người sáng tạo nam đều giữ vị trí thống trị.
Ba ông lớn trong ngành công nghiệp truyện tranh. Ảnh: CBR. |
Với trường hợp của Marvel, độc giả biết vẫn có sự tồn tại của nhiều nhân vật nữ anh hùng trong các loạt truyện như The Fantastic Four, The Avengers hay X-Men. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ đa phần nhạt nhoà và khi xét tới số lượng nam - nữ siêu anh hùng, công chúng sẽ thấy được sự chênh lệch rõ rệt.
Trong tổng số ấn bản truyện tranh mới ra mắt tháng 4, 54,7% số truyện tập trung vào nhân vật nam hoặc cả đội toàn nam, Trong khi đó, chỉ có 7,8% đầu truyện có nhân vật nữ hoặc tập trung khắc hoạ đội nữ. 37,5% còn lại tập trung vào các đội đa dạng nhiều giới tính hoặc các tuyển tập truyện về toàn thể nhân vật (cả nam và nữ). Thêm vào đó, trong phần ghi chú sự đóng góp của người sáng tạo, 88,5% ghi công của người sáng tạo là nam và chỉ 11,5% là nữ.
Trong khi một điểm sáng của Marvel là dàn nhân vật đông đảo và đa dạng với cả nam và nữ, thì DC chủ yếu tập trung phát triển một vài nam anh hùng nổi tiếng nhất của mình, như Batman và Superman. Chiến lược này của họ giúp thúc đẩy doanh thu, tuy nhiên, cũng dẫn đến đến tỷ lệ cao truyện tranh của DC tập trung vào các nhân vật nam.
Trong những năm gần đây, DC đã làm tốt hơn Marvel một chút trong việc quảng bá các nhà sáng tạo nữ và dần quan tâm tới việc để cho nhân vật nữ có cơ hội toả sáng. Trong số các ấn bản mới ra mắt tháng 4/2024, có tới 65,8% đầu truyện tập trung vào nhân vật nam, trong khi con số tập trung vào nhân vật nữ là 17,1%. Và 17,1% còn lại là khắc họa các nhóm nhân vật hoặc tuyển tập có số lượng nhân vật lớn đa dạng. DC có nhiều ấn bản về nữ anh hùng hơn Marvel nhưng lại có ít sách về các dàn nhân vật đa dạng.
Xét về các nhà sáng tạo, tình hình của DC trong tháng 4 năm 2024 cũng tốt hơn một chút so với Marvel. 83,2% tác phẩm của DC tháng trước là công sức của các nhà sáng tạo nam và 16,8% là của nhà sáng tạo nữ.
Sự hiện diện của các siêu anh hùng nữ chưa đáng kể so với các nam nhân vật chính. Ảnh: CBR. |
Với Image Comics, nơi các tác giả phần nào được tự do sáng tạo, số lượng nhân vật nữ được khắc hoạ trong tháng 4, vượt xa cả DC và Marvel. Trong số truyện tranh mới tháng 4/2024, 31,8% truyện có nhân vật nam đóng vai chính, 25% truyện có nhân vật nữ đóng vai chính và 43,2% là các tuyển tập có dàn nhân vật đa giới tính. Tuy nhiên, Image vẫn có tới 87,9% người sáng tạo là nam, trong khi 12,1% người sáng tạo là nữ.
Dù vẫn có số lượng người sáng tạo là nam tương đối lớn, nhưng khi họ được tự do phát triển, họ sẽ coi cả nam và nữ giới là những đề tài thú vị.
Quyền của nhà xuất bản, người sáng tạo và độc giả
Trong trường hợp của Image, khi nhà xuất bản để cho người viết được tự do sáng tạo, đã có sự khác biệt về đa dạng giới trong truyện tranh của họ. Do đó, nhà xuất bản là bên có khả năng lớn nhất để tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa lúc này. Và không ai khác là 2 ông lớn Marvel và DC.
Họ tự quyết định nhân vật nào xuất hiện trong loạt truyện tranh hàng tháng và nhà văn, nghệ sĩ nào đảm nhiệm vai trò thực hiện những cuốn sách đó. Họ cũng kiểm soát những cuốn sách nào được tiếp thị và quảng bá rầm rộ nhất.
Và bằng cách tập trung khắc họa nhiều nhân vật và người sáng tạo đa dạng, các nhà xuất bản truyện tranh có thể tăng cường sự bình đẳng trong cả dàn nhân vật và đội ngũ sáng tạo, chấm dứt sự thiên vị đối với đề tài nam giới, độc giả nam giới và người sáng tạo nam giới vốn tồn tại lâu nay.
Ngoài nhà xuất bản, người sáng tạo cũng có thể đóng góp vào một ngành công nghiệp truyện tranh toàn diện bằng cách đưa thêm nhiều không gian cho các nhân vật nữ. Ngay cả khi nhân vật chính là nam anh hùng, vẫn còn nhiều nhân vật phụ có thể là nữ như sếp, đồng nghiệp, đối thủ hay người bạn thân nhất của nhân vật chính…
Và độc giả cũng có thể đóng góp vào một ngành công nghiệp truyện tranh toàn diện bằng cách kết nối với nhà xuất bản và nói lên nhu cầu của mình. Khi nhà xuất bản xác định được “nhu cầu tiềm năng”, họ sẵn sàng tìm mọi cách đưa ra “nguồn cung phù hợp”.
Bằng cách mua những loạt truyện như Sensational She-Hulk hay Birds of Prey, độc giả đang gửi thông điệp tới Marvel và DC rằng những câu chuyện có nhân vật nữ chính cũng có thể bán được và sinh lời như những câu chuyện về nam chính. Truyện tranh nên dành cho tất cả độc giả và các bên đều cần nỗ lực cho một tương lai như vậy.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng