Khó khăn không làm chùn bước các nhà xuất bản độc lập tại Anh. Ảnh: publishers.org.uk. |
Theo Chủ tịch ban giám khảo của giải thưởng sách Anh Philip Jones, các nhà xuất bản nhỏ trên khắp Vương quốc Anh và Ireland đã có một “năm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vượt trội dù đối mặt với Brexit và chi phí hoạt động leo thang”.
Vượt lên hàng loạt khủng hoảng
Các nhà xuất bản độc lập cũng thông tin với The Guardian rằng họ rất lạc quan về tương lai, một bức tranh rất khác so với chỉ 3 năm trước. Vào thời điểm đó, thống kê cho thấy hơn một nửa số nhà xuất bản nhỏ của Vương quốc Anh lo sợ họ có thể phải ngừng kinh doanh vào mùa thu năm 2020 do đại dịch, đối mặt với việc hủy bỏ nhiều sự kiện của tác giả, trì hoãn ra mắt các đầu sách và doanh số bán sách kém.
Ông Philip Jones cũng cho biết các nhà xuất bản nhỏ đang “chứng minh rằng ngay cả trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt, ngành sách ở cấp cơ sở vẫn tồn tại và phát triển tốt”. Vượt lên những thách thức gần đây như tăng chi phí sưởi ấm, in ấn và phân phối, nhiều nhà xuất bản độc lập đã “ứng phó một cách xuất sắc” cho dù họ “đặt cược vào xu hướng chủ đạo hay tìm cách khai thác thị trường ngách”.
Ông John nói thêm: “Những nhà xuất bản này đang gặt hái nhiều phần thưởng từ việc xuất bản tận tâm và truyền cảm hứng, cùng với việc chăm sóc các tác giả và xây dựng cộng đồng xuất bản”.
Tổng cộng có 48 nhà xuất bản nhỏ từ các khu vực khác nhau được chọn vào danh sách cuối của hạng mục dành cho các đơn vị nhỏ trong giải thưởng sách Anh năm nay. Các nhà xuất bản này sẽ cạnh tranh vị trí dẫn đầu từng khu vực và sau đó hướng đến giải thưởng chung cuộc.
Kevin Duffy, người sáng lập Bluemoose Books, đơn vị lọt vào vòng chung kết ở khu vực Bắc Anh, cho biết tình hình đối với các nhà xuất bản nhỏ là “rất khó khăn, mỗi tuần là một trận chiến”. Và một trong những thách thức lớn nhất đối với họ là đưa sách đến tay các nhà bán lẻ.
Nhưng ông cũng chia sẻ quan điểm tích cực, đặc biệt là về mối quan hệ với những hiệu sách độc lập. Ông Kevin nói thêm: “Các hiệu sách độc lập chia sẻ rằng độc giả có nói là không tìm thấy điều gì đặc biệt trên thị trường nên các hiệu sách này đang hướng đến các nhà xuất bản độc lập nhỏ hơn để tìm kiếm sự đặc biệt. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do các nhà xuất bản độc lập lọt vào danh sách cuối của giải thưởng văn học. Bởi vì chúng tôi đang chấp nhận rủi ro mà các nhà xuất bản lớn hơn thì không".
Penny Thomas, đại diện nhà xuất bản Firefly Press, đơn vị lọt vào danh sách cuối ở xứ Wales, cũng nói rằng môi trường kinh doanh rất khó khăn, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lạm phát “gây sức ép lên doanh số bán hàng. Họ phải thúc đẩy doanh số để có thể tồn tại”. Bà nói thêm: “Việc tăng chi phí in ấn và áp lực phải giảm giá để cạnh tranh với các nhà xuất bản lớn hơn cũng là một áp lực thực sự”.
“Các nhà xuất bản nhỏ, trong đó có cả những nhà xuất bản bên ngoài London, phải nỗ lực xuất bản những cuốn sách lớn. Tuy nhiên, với ngân sách tiếp thị tương đối ít ỏi, chúng tôi luôn phải đấu tranh để duy trì sự hiện diện và đưa những cuốn sách đó đến tay độc giả”, bà Penny cho biết.
Một số tác phẩm được đề cử giải thưởng năm 2022 đến từ các nhà xuất bản đang tranh giải thưởng năm nay, ví dụ cuốn After Sappho đã lọt vào danh sách sơ bộ của giải Booker hay cuốn Goshawk Summer của James Aldred, cuốn sách đã giành giải thưởng Wainwright cho tác phẩm viết về thiên nhiên.
Còn Bluemoose là nhà xuất bản của Leonard và Hungry Paul của Rónán Hession. Tác phẩm này đã được chọn là cuốn sách của năm 2021 tại Dublin, trong khi The Blue Book of Nebo của Manon Steffan Ros, được Firefly Press xuất bản, đã lọt vào danh sách đề cử Giải Yoto Carnegie năm nay hạng mục tác phẩm dành cho trẻ em.
Thomas cũng nhận định thêm rằng mặc dù mọi thứ đang có vẻ "rất tốt" đối với Firefly Press, "chúng tôi đủ thực tế để biết rằng mình phải luôn đi đầu và xuất bản những cuốn sách hay nhất".
Bà cũng nói thêm: “Lợi nhuận đang rất eo hẹp đối với các nhà xuất bản nhỏ và mức lương cũng không hề hào phóng. Nhưng chúng tôi quyết tâm tiếp tục xuất bản những cuốn sách hay mà trẻ em sẽ thích đọc”.