Nhà tù quá đông là tình trạng phổ biến ở nhiều hệ thống nhà tù tại các nước đang phát triển. Riêng Philippines từ lâu giữ “danh hiệu” tai tiếng là quốc gia có nhà tù dày đặc tù nhân nhất trên thế giới.
Tại nhà tù Manila City, tù nhân nằm trong các phòng giam thiếu không khí, chật chội tới mức ở nhiều nơi, tù nhân phải thay phiên nhau ngủ.
Trả lời chuyên mục This Week in Asia của báo South China Morning Post, các chuyên gia cho rằng giờ là thời điểm giới chức các nước cần giảm số tù nhân và cân nhắc cải cách hệ thống tư pháp.
Bên trong nhà tù Quezon City ở Manila năm 2016. Ảnh: AFP. |
Một bác sĩ cho 45.000 tù nhân
“Các nhà tù ở Đông Nam Á đã bị bỏ rơi và quá tải đến mức gần như không thể kiểm soát nếu dịch Covid-19 lây lan”, Clarke Jones, nhà tội phạm học và nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, nói với South China Morning Post.
Một vấn đề, theo ông Jones, là thiếu minh bạch và thiếu thông tin lưu trữ công khai từ các nhà tù.
“Có nhiều tù nhân qua đời nhưng bị giữ kín, không ghi nhận, thi thể bị hỏa táng ngay sau khi qua đời”, ông nói. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ biết con số nhiễm, số tử vong thực... do tham nhũng, báo cáo thiếu, thiếu chăm sóc y tế”.
Sự thiếu hụt nguồn lực dành cho các tù nhân được thể hiện rõ khi “chỉ có một bác sĩ chịu trách nhiệm về y tế... cho tận 45.000 tù nhân”, theo Tobias Brandner, giáo sư Đại học Trung văn Hong Kong, nghiên cứu vấn đề này năm ngoái.
Ông cho biết ngân sách dành cho khám chữa bệnh ở Metro Manila là 71 USD một tù nhân mỗi năm, còn cho thực phẩm thậm chí chỉ là 1,29 USD mỗi tù nhân mỗi ngày.
Bên trong nhà tù Quezon City ở Manila năm 2016. Ảnh: AFP. |
Các tù nhân thuộc diện nguy cơ cao nếu nhiễm Covid-19 do hệ miễn dịch suy giảm, sống trong môi trường lưu thông khí kém, khẩu phần ăn nghèo nàn, chất lượng nước kém, đông đúc, căng thẳng.
Nỗi sợ dịch bệnh lây lan đã dẫn đến một số vụ bạo loạn trong nhà tù, như ở Indonesia. Ông Brandner cho biết các tù nhân đang chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề. “Họ cũng sợ hãi như mọi người, nhưng họ lại ở chật chội cùng nhau, không thể đi đâu khác, và cũng không còn ai tới thăm”.
Các nhóm tôn giáo thường tới làm nhân đạo, mang đồ ăn, các đồ vệ sinh, và thăm khám y tế miễn phí, kèm theo các lời khuyên về tinh thần hay tôn giáo. Nhưng giờ đây tất cả đã phải dừng do giãn cách xã hội.
Giới nghiên cứu nói một bác sĩ chịu trách nhiệm về y tế cho hàng nghìn tù nhân ở Metro Manila. Ảnh: AFP. |
Nhà tù Philippines quá tải gấp 5 lần
Ghi nhận sau một chuyến thăm nhà tù Manila City gần đây, ông Jones cho biết nhà tù có chiến lược rõ ràng để phòng chống dịch, bao gồm để tù nhân ở trong các phòng giam. Tù nhân thỉnh thoảng có thể gọi Skype với gia đình.
Dữ liệu chính thức cho thấy hệ thống nhà tù Philippines quá tải gấp 5 lần sức chứa thiết kế. Số tù nhân những năm gần đây tăng vọt do cuộc chiến chống ma túy của chính quyền Duterte.
Để phòng dịch, giới chức Philippines gần đây thả 10.000 tù nhân, gồm những người chịu án dưới 6 tháng, hoặc còn dưới 6 tháng, hoặc gần ra tòa nhưng không thể bảo lãnh, hoặc tù nhân già yếu.
Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết đã hỗ trợ bằng cách lập trung tâm cách ly dành cho tù nhân với hơn 500 giường, nhưng đang gặp thách thức vì kết quả xét nghiệm phải đợi quá lâu - hơn 1-2 tuần.
Nữ tù nhân hát quốc ca Thái Lan khi được thả ra ở Bangkok, năm 2011. Ảnh: Reuters. |
Mỗi năm, hàng nghìn tù nhân Philippines được cho là qua đời vì bệnh truyền nhiễm. Ở Pakistan, nơi có 22.000 ca nhiễm, khoảng 100 tù nhân đã dương tính tính đến ngày 21/4. Giới chức chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng.
Mọi biện pháp cách ly nhà tù gặp thách thức khi số người tù nhân mới vào vẫn nhiều. Số lượng luân chuyển tù nhân, nhân viên nhà tù vẫn ở mức đáng kể.
Ở Ấn Độ, nhà tù cũng bị phong tỏa, và hàng nghìn người đang đợi ra tòa được tạm trả tự do, sau khi có các cụm lây nhiễm trong hệ thống nhà tù nước này.
Các nhà hoạt động, vận động cho tù nhân ở Ấn Độ cho biết tình hình “đáng sợ”, cần các biện pháp ngay lập tức.
Ở Pakistan, giới chức chỉ xét nghiệm tù nhân có triệu chứng virus corona. Ảnh: AP. |
Cải cách tư pháp rộng hơn
Tháng trước, Indonesia tuyên bố khoảng 30.000 tù nhân sẽ được thả để phòng dịch. Myanmar cũng cho biết khoảng 25.000 người sẽ được thả vô điều kiện, trong khi Iran tạm thời thả 85.000 tù nhân và yêu cầu đợi chỉ dẫn sau.
Giới chuyên gia cho rằng hệ thống nhà tù nên cân nhắc tìm các biện pháp thay thế đối với giam giữ, đồng thời cho ra tù sớm hoặc ra tù tạm thời đối với các nhóm có nguy cơ cao, và nhóm tù nhân không bạo lực hay phạm tội nhẹ.
Virus cũng nêu lại các vấn đề mang tính hệ thống đã tồn tại trong chính sách tư pháp hình sự nhiều thập kỷ nay của các nước, chẳng hạn việc lạm dụng giam giữ là hình thức trừng phạt đầu tiên, Kittipong Kittiyarak, Giám đốc điều hành Viện Công lý Thái Lan (Thailand Institute of Justice), nói với South China Morning Post.
“Đặc biệt trong khu vực này, các chính sách trừng phạt người dùng thuốc kích thích dẫn đến số tù nhân tăng vọt”, ông nói.
Nhà tù Tihar ở New Delhi, lớn nhất ở Nam Á, tại một sự kiện năm 2011. Ảnh: AP. |
Giáo sư Brandner nói nhiều người đang bị tạm giam lâu mà chưa có án. “Ngoài ra, nhiều người có thể thụ án trong cộng đồng thay vì bị giam giữ”.
Ông Jones, nhà tội phạm học, đồng tình và nói rất khó thay đổi hệ thống nhà tù nếu không có cải cách rộng hơn về tư pháp.
Ông cho rằng nạn tham nhũng khiến hầu hết tiền dành vào việc tái hòa nhập hoặc chăm sóc y tế cho tù nhân bị các quan chức nhà tù biển thủ.
Trong một số trường hợp, các băng nhóm trong tù, thay vì giới chức nhà tù, đứng ra cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, dùng chính nguồn lực của mình.
Các nước thường xem tù nhân là gánh nặng tài chính, và dư luận bên ngoài thường không biết rõ, không quan tâm tới cuộc sống bên trong, theo South China Morning Post.
Nhưng mọi người đều có rủi ro phải vào tù, như khi gây tai nạn giao thông, vì vậy y tế trong nhà tù là vấn đề nhân quyền và vấn đề y tế cộng đồng, theo chuyên gia.