Đầu tiên, trong tập Toàn Việt thi lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784), được dâng lên vua Lê Hiển Tông năm 1767, đã có hẳn một phần ghi lại các bài thơ của sứ thần Triều Tiên, khi sứ thần Đại Việt giao tiếp với họ tại Trung Quốc.
Bài Thể lệ soạn sách Toàn Việt thi lục mô tả chi tiết nội dung này: “Ở triều trước, sứ giả (Trung Quốc) sang thường dâng thơ, vua ta cũng có thơ họa lại. Các sứ giả của bản triều khi qua cửa quan, trên đường vạn dặm, phần nhiều được sĩ đại phu bên Trung châu coi trọng, cùng ta xướng thù. Sứ Triều Tiên cũng tặng thơ bày tỏ cảm tình. Đó là những sự kiện tốt đẹp trong việc bang giao”.
Toàn Việt thi lục được ghi thành 20 quyển, tập hợp thơ ca của các nhà thơ Việt từ thời Lý đến thời Hậu Lê, với tổng cộng 2.391 bài thơ của 175 nhà thơ. Tuy nhiên, sau nhiều biến động của thời cuộc, bộ sách đã bị thất lạc mất 5 quyển, từ quyển 16 đến 20 và phần phụ lục.
Trong 5 quyển thiếu đó, đều là thơ của các nho sĩ, thường dân, các nhà sư, nữ thi sĩ các triều đại và của các sứ thần Trung Quốc sang nước ta, cũng như của các sứ thần Triều Tiên trao đổi với sứ thần nước ta ở Trung Quốc.
Lê Quý Đôn đã có những cuộc trao đổi thơ văn với các sứ thần Triều Tiên và đưa các bài thơ đó vào Toàn Việt thi lục của ông. |
Lê Quý Đôn cũng đã từng là Phó sứ sang nhà Thanh năm Canh Thìn (1760), trong phái đoàn do Trần Huy Mật làm Chánh sứ, và Trịnh Xuân Thụ là một Phó sứ khác. Chuyến đi sứ này kéo dài tới hơn 2 năm, từ cuối tháng giêng năm Canh Thìn (1760) cho đến tận giữa mùa xuân năm Nhâm Ngọ (1762).
Trong chuyến công cán này, Lê Quý Đôn và các sứ thần Đại Việt đã có cuộc giao hảo với các sứ thần Triều Tiên. Bởi luật lệ nhà Thanh không cho sứ thần các nước đến chỗ ở riêng của nhau nên hai đoàn chỉ có thể gặp nhau vào những ngày triều hội, sau đó cho con cháu hoặc người hầu qua lại trao đổi thư từ, thơ văn và biếu quà.
Trong các cuộc tiếp xúc đó, Lê Quý Đôn đã đưa ra hai bộ sách Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục mời họ xem và đề tựa. Hồng Khải Hy đã đọc và viết lời tựa kèm theo một bức thư ngắn, Lý Huy Trung cũng đã đọc và gửi một bức thư ngắn viết đôi dòng về cuốn Quần thư khảo biện.
Sau khi về nước, Lê Quý Đôn đưa các bài thơ mà sứ thần Triều Tiên tặng, hoặc họa thơ của ông và các sứ thần Đại Việt vào Toàn Việt thi lục. Rất tiếc là các cuốn ghi các bài thơ đó không còn, nên ta không rõ Lê Bảng nhãn chọn những bài thơ của tác giả Triều Tiên nào.
Sau này, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số bài thơ của Lê Quý Đôn tặng sứ thần Triều Tiên, trong các tập sách khác của ông, như 2 bài Tống Triều Tiên quốc sứ, trong đó có những câu như:
Ổi nhân văn tự thành giai hảo,
Hoàn tá kiêm tòng ký đoản chương.
(Tống Triều Tiên quốc sứ, kỳ nhị)
Dịch nghĩa là:
Nhân có việc chữ nghĩa, văn chương mà trở thành bạn tốt,
Lại mượn chuyện được sai đi sứ mà gửi gắm chút văn chương.
Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có ghi lại hai bài thơ họa lại của sứ thần Triều Tiên, là bài Triều Tiên quốc sứ Hồng Khải Hi họa thi của Hồng Khải Hi và bài Lý Huy Trung họa thi của Lý Huy Trung.
Tiếp theo, trong bộ Hoàng Việt thi tuyển, là tuyển tập thơ Việt Nam do danh sĩ Bùi Huy Bích (1744-1818) biên soạn xong đời vua Lê Chiêu Thống, năm 1788, cũng có những bài thơ thù tiếp giữa sứ thần Đại Việt và Triều Tiên. Hoàng Việt thi tuyển có cả thảy 6 quyển, sắp xếp theo niên đại, tổng cộng có 167 tác giả, 562 bài.
Trong Hoàng Việt thi tuyển, quyển 5 có đưa vào 2 bài thơ thất ngôn của sứ thần Nguyễn Công Ngột (1680-1732) viết về các sứ thần Triều Tiên Lý Thế Cẩn và Dụ Tập Nhất. Ở quyển 6 tập thi tuyển này có có thơ của sứ thần Hồ Sĩ Đống (1739-1795) tặng các sứ thần Triều Tiên là Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần, Y Phường khi về nước.
Ngoài ra, cũng trong quyển 6 Hoàng Việt thi tuyển có đăng thơ xướng họa của sứ thần Đoàn Nguyễn Thục là bài Tống Triều Tiên quốc sứ Y Đông Thăng, Lý Chí Trung.
Ngoài ra, trong các sách khác của Lê Quý Đôn như Quế Đường thi tập, cũng có 7 bài thơ thù xướng của Lê Quý Đôn với Hồng Khải Hi, Lý Huy Trung, Triệu Vinh Tiến.
Hồng Khải Hy, khi trả lời Lê Quý Đôn, đã khiêm tốn viết: "Về nghề làm thơ, tôi vẫn lười nhác, đi đường hàng ba ngàn dặm, mà tự thẹn không có lấy một bài thơ. Nay được tiếp thịnh tình, không lẽ cô phụ bụng tốt, vì thế quên cả vụng về quê kệch, kính xin nối điêu”.