CNN cho biết các nhà khoa học tại Đại học Portsmouth (Anh) cùng Phòng thí nghiệm Quốc gia về Năng lượng Tái tạo của Bộ Năng lượng Mỹ (NREL) đã khám phá ra loại enzyme trên trong quá trình nghiên cứu cấu trúc của một enzyme tự nhiên tìm được ở một trung tâm tái chế chất thải tại Nhật vài năm trước.
Họ cho biết loại enzyme này, được đặt tên là Ideonella sakaiensis 201-F6, có khả năng "ăn" polyethylene terephthalate, PET, tức hợp chất được đăng ký là một loại chất dẻo từ thập niên 1940 và được sử dụng trong hàng triệu tấn chai nhựa trên thế giới từ đó đến nay.
Nhựa không thể phân hủy là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các nhà khoa học và người bảo vệ môi trường. Ảnh: Reuters. |
Mục tiêu của ban đầu của các nhà khoa học là tìm hiểu về cấu trúc của loại enzyme tự nhiên ở trên, nhưng sau đó họ lại chế được một loại enzyme có thể làm tan rã cấu trúc của nhựa PET.
"Chúng tôi hy vọng xác định được cấu trúc của nó để hỗ trợ phát triển một loại protein, nhưng cuối cùng chúng tôi lại đi được một bước xa hơn khi vô tình phát triển được một loại enzyme với khả năng được tăng cường trong việc bẻ gãy nhựa", CNN dẫn lời người đứng đầu nhóm nghiên cứu của NREL Gregg Beckham.
Thông tin trên website của Đại học Portsmouth cho biết phát hiện trên có thể mang lại giải pháp cho hàng triệu tấn chai nhựa được làm từ PET, những chai nhựa sẽ tồn tại hàng trăm năm không thể phân rã trong môi trường.
"Vận may thường đóng một vai trò đáng kể trong các nghiên cứu khoa học quan trọng và phát hiện của chúng tôi cũng không ngoại lệ", theo Giáo sư John McGeehan tại Đại học Portsmouth.
Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để cải thiện loại enzyme này hơn nữa, họ hy vọng điều chế được loại enzyme có thể sử dụng trong công nghiệp để phân hủy nhựa trong một thời gian ngắn hơn.