Các ngôi sao SEA Games vui đón Tết nhờ 'mưa tiền thưởng'
Đạt tổng cộng 288 huy chương tại SEA Games 26 (trong đó có 96 HCV) là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của thể thao Việt Nam khi ra khỏi “sân nhà”. Đi cùng thành tích ấn tượng ấy, quỹ tiền thưởng cũng sẽ tăng đột biến…
>> Nhìn lại khoảnh khắc vàng của thể thao VN tại SEA Games 26
>> Liên khúc hát chế về ĐT Việt Nam gây sốt
>> Những mỹ nữ trên thảm đấu Wushu SEA Games 26
>> Vật cổ điển Việt Nam vượt trội tuyệt đối ở SEA Games 26
Những đội tuyển nhận thưởng "khủng" nhất
Những tấm huy chương là phần thưởng của sự nỗ lực tập luyện, thi đấu chuyên môn. Nhưng trên hết, chuyện “tế nhị” là được nhận tiền thưởng bao nhiêu vẫn đang được nhiều HLV cùng VĐV hồi hộp chờ đợi từng ngày, dù SEA Games mới kết thúc chưa lâu.
Trước khi SEA Games 26 diễn ra, Chính phủ áp dụng tiền thưởng cho VĐV đạt thành tích trên đất Indonesia như sau: mỗi HCV là 45 triệu đồng, HCB: 25 triệu, HCĐ: 20 triệu đồng, bằng phép nhân đơn giản với 96 HCV, 92 HCB và 100 HCĐ (kèm theo 15 triệu đồng nếu phá được 1 kỷ lục SEA Games) rồi cộng lại thì tổng tiền trao thưởng là hơn 8 tỷ 620 triệu đồng.
Nguyễn Mai Phương (wushu) rạng rỡ trên bục nhận HCV |
Con số trên mới chỉ là ước lượng do có những HCV trong nội dung đồng đội thì số tiền tương ứng được nhân với số VĐV đã tham gia. Đáng mừng là 4 môn Olympic: TDDC, điền kinh, bơi lội và bắn súng đã mang về tới 29 HCV. Cũng chính vì vậy, một số môn sẽ có tiền thưởng nhiều của nhà nước như TDDC đoạt 11 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ. Số tiền họ sẽ nhận không dưới 900 triệu đồng. Trong số đó, những gương mặt xuất sắc như Ngân Thương, Nguyễn Tuấn Đạt, Hoàng Cường, Đặng Nam đều có 2 HCV nên sẽ “bỏ túi” 90 triệu. Riêng Phan Thị Hà Thanh có 3 HCV nên sẽ nhận 135 triệu.
Môn điền kinh cũng sẽ khá rôm rả ở việc rủ nhau đi nhận tiền thưởng do các VĐV đạt thành tích 9 HCV, 9 HCB, 14 HCĐ. Nhiều huy chương, thế nên số tiền thưởng là hơn 1 tỷ 30 triệu đồng. Thêm một lần nữa, Trương Thanh Hằng vẫn là VĐV được nhận thưởng nhiều nhất của đội điền kinh do cô là người duy nhất giành 2 HCV (90 triệu đồng). Vũ Thị Hương năm nay chỉ giành được 2 HCĐ (40 triệu đồng).
Ngoài hai đội TDDC và điền kinh thì còn nhiều đội tuyển khác nhận bộn tiền thưởng như vật (8 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ) sẽ có trên 480 triệu đồng, bắn súng là hơn 450 triệu (7 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ)… Bóng chuyền nữ trong nhà dù chỉ giành được 1 HCB nhưng lại là môn đồng đội khi có 12 tuyển thủ đăng ký thi đấu nên số tiền được thưởng cũng không nhỏ: 300 triệu đồng. Trước SEA Games, đội này đã nhận 100 triệu đồng từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam và tới đây, họ còn có thêm 300 triệu tài trợ dù thi đấu chưa thật thuyết phục tại Indonesia.
Đình Toàn và Minh Tú (taekwondo) đang đợi tiền thưởng lớn. |
Trong số 31 môn thể thao đã giành huy chương cho Việt Nam tại SEA Games 26 thì leo tường là môn nhận tiền thưởng ít nhất. Chỉ giành được 1 tấm HCB cá nhân của VĐV Phan Thanh Nhiên nên mức thưởng sẽ là 25 triệu đồng.
Về cá nhân, VĐV Hoàng Quý Phước (bơi lội) chắc chắn nằm trong top những VĐV được thưởng cao nhất của đoàn Việt Nam ở SEA Games 26. Đoạt 2 HCV, 1 HCĐ cá nhân, phá 1 kỷ lục SEA Games, ước tính “rái cá Mỹ Khê” sẽ bỏ túi khoảng 125 triệu tiền thưởng.
Đó mới là những con số sơ bộ qua mức thưởng được quy định từ Chính phủ. Các VĐV đoạt huy chương sẽ còn nhận nhiều hơn nhờ quỹ thưởng “nóng” đã được công bố trước SEA Games 26. Theo tính toán, một VĐV đoạt HCV sẽ có thêm không dưới 12 triệu đồng nữa từ quỹ này. Chưa kể nhiều khoản thưởng của địa phương. Ngay trên đất Indonesia, đã có rất nhiều khoản thưởng được các lãnh đội tặng riêng cho những thành tích xuất sắc của VĐV như trưởng đoàn Lâm Quang Thành tặng 500 USD cho đội nam TDDC ngay khi đoạt HCV hay lãnh đội điền kinh tặng một số VĐV đoạt thành tích tốt ở SEA Games 50 USD/người, Thạch Thị Trang (karatedo) được một mạnh thường quân tặng 300 USD lên ngôi vô địch lần đầu tiên…
Những siêu sao buồn
Nhìn lại kết quả thi đấu ở SEA Games 26, thật bất ngờ khi nhiều VĐV tên tuổi của chúng ta đã phải trong cảnh “tay trắng” không tiền thưởng do thành tích không như ý. Trong số ấy, Đoàn Kiến Quốc (bóng bàn), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Hữu Việt (bơi lội), Đặng Hồng Hà, Cù Thị Thanh Tú (bắn súng), Ngô Văn Kiều, Nguyễn Hữu Hà (bóng chuyền nam), Dương Thanh Trúc (cử tạ), Bùi Minh Thụy (xe đạp), Nguyễn Tiến Cương (bắn cung)… là những người tiếc nuối nhất.
Nỗ lực bản thân thôi chưa đủ, một phần do chủ quan, phần nữa do các đối thủ đã “điều nghiên” quá kỹ phong độ của mình, thành ra một số “ngôi sao” của thể thao Việt Nam đã trượt ngã trên sân đấu. Có những thất bại chấp nhận được, theo kiểu của bóng chuyền nam hay cầu lông (vì chúng ta chưa bao giờ mạnh ở khu vực). Nhưng cũng có những thất bại khó có thể nuốt trôi, kiểu như “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, “ếch nhỏ” Nguyễn Hữu Việt.
Sơn Huy
Theo Bưu điện Việt Nam